06:00 07/07/2021

Phát hiện nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản

Chu Khôi

Trong 6 tháng đầu năm 2021, các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương đã tổ chức thanh tra đột xuất tại 10.837 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp trong cả nước, đã phát hiện 854 cơ sở vi phạm (chiếm 7,88%) trong số các cơ sở kiểm tra...

Thanh tra đột xuất các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Thanh tra đột xuất các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết những năm trước đây, hoạt động kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, giám sát an toàn thực phẩm đối với nông lâm thủy sản thường được tổ chức theo các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành định kỳ.

Tuy nhiên đến nay, công tác giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản được thực hiện theo Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT, chuyển mạnh từ thanh tra chuyên ngành sang thanh tra đột xuất, nhờ vậy đã giúp kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm.

 KỊP THỜI PHÁT HIỆN VÀ XỬ LÝ CÁC VI PHẠM

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương đã lấy ngẫu nhiên 10.413 mẫu nông lâm thủy sản ở các chợ, các cơ sở kinh doanh để kiểm tra chất lượng, trong đó đã phát hiện 590 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm 5,66% trong tổng số mẫu kiểm tra.

Đối với các mẫu vi phạm an toàn thực phẩm được phát hiện, các cơ quan đã cảnh báo và triển khai các biện pháp xử lý cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy định.

Cũng trong nửa đầu năm nay, các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương đã tổ chức thanh tra đột xuất tại 10.837 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp trong cả nước, đã phát hiện 854 cơ sở vi phạm (chiếm 7,88%) trong số các cơ sở kiểm tra.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản gặp vướng ở hàng rào kỹ thuật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã nhanh chóng kiểm tra chất lượng các lô hàng nông sản theo yêu cầu từ các nước hoặc các doanh nghiệp.

Cụ thể, Bộ đã tổ chức thành công đợt thanh tra trực tuyến từ xa theo yêu cầu của Cơ quan an toàn thực phẩm và thanh tra Hoa Kỳ-FSIS, duy trì yêu cầu tương đương về hệ thống kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với 13 doanh nghiệp để tiếp tục xuất khẩu cá da trơn Việt Nam vào Hoa Kỳ.

 
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực đàm phán với các nước, kết quả thêm được 18 doanh nghiệp chế biến thủy sản được phép xuất khẩu sang thị trường Nga, bổ sung thêm được 13 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản vào Hàn Quốc.

Bộ đã chỉ đạo các chương trình sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc. Sản xuất theo chuỗi liên kết mọi khâu, truy xuất nguồn gốc là giải pháp tốt nhất để đảm bảo chất lượng nông lâm thủy sản hàng hóa, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Tính đến hết tháng 6/2021, cả nước đã có 1.644 chuỗi liên kết sản xuất nông lâm thủy sản. Cả nước cũng đã có 463 nghìn ha cây trồng được chứng nhận VietGAP, có 6211 doanh nghiệp được chứng nhận sản xuất VietGAP. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đến thời điểm này đã có 924 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP. Đối với thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP hiện là 16.991 ha.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ VÀO QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM

Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực, song theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác giám sát an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệm vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém cần khắc phục.

Đó là, việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở nhiều địa phương còn chậm dẫn đến sản lượng, quy mô liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy làm công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tại các địa phương biến động, không đồng nhất.

Ngoài ra, nguồn lực tại các địa phương chưa đáp ứng để triển khai đầy đủ các nhiệm vụ quản lý, thanh tra về an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp, đặc biệt là trong tổ chức ký cam kết tuân thủ qui định an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, muốn quản lý tốt an toàn thực phẩm, trước tiên phải quản lý tốt được dịch bệnh trên gia súc gia cầm, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh trên gia súc gia cầm, cây trồng vật nuôi rất phức tạp hiện nay yêu cầu các địa phương, cấp ngành không được lơ là, chủ quan.

 

"Thách thức với công tác quản lý an toàn thực phẩm trong thời gian tới chính là xu hướng cắt giảm chi thường xuyên, trong khi khối lượng công việc ngày một nhiều hơn nên các đơn vị không thể đòi hỏi phải có thêm biên chế, lao động để đáp ứng yêu cầu của công việc".

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương cần áp dụng triệt để khoa học, công nghệ 4.0, công nghệ số vào hoạt động quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản theo chuỗi giá trị.

Phải xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến, đồng bộ để phục vụ tốt hoạt động quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, cần chú trọng việc xây dựng hệ thống cung ứng thông tin, dữ liệu các cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm, dữ liệu những cơ sở vi phạm để hỗ trợ công tác quản lý điều hành công tác kiểm tra, giám sát ản toàn thực phẩm.

Cùng với đó, nâng cao khả năng dự báo, lập kế hoạch, tăng cường hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, giám sát an toàn thực phẩm.

Nội dung thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm gồm: quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống từ tuyến tỉnh, huyện đến tuyến xã bằng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin (tên cơ sở, mã số; chủ cơ sở; địa điểm; sản phẩm thực phẩm hoặc loại hình kinh doanh…. Từ đó tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm.