12:13 18/06/2013

Phạt tiền nếu chậm khắc phục mất điện

Ngô Trang

Dự thảo nghị định về xử phạt trong lĩnh vực điện lực quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của bên bán điện

Sự cố mất điện trên diện rộng tại miền Nam vừa qua ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.<br>
Sự cố mất điện trên diện rộng tại miền Nam vừa qua ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.<br>
Đơn vị phân phối điện sẽ bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng, nếu không tiến hành xử lý sự cố để khôi phục việc cấp điện sau 2 giờ kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông báo của bên mua điện về sự cố lưới điện do bên bán điện quản lý, mà không có lý do chính đáng.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo nghị định về xử phạt trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thuỷ điện, tiết kiệm điện đang được Bộ Công Thương hoàn tất, trình Chính phủ.

Theo đó, với các vi phạm về hoạt động phát điện, đơn vị phát điện sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp các thông tin về khả năng sẵn sàng phát điện, mức dự phòng công suất, tình hình thực hiện phương thức vận hành của nhà máy điện và các thông tin có liên quan đến hoạt động phát điện khi có yêu cầu bằng văn bản của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực hoặc Cục Điều tiết điện lực.

Dự thảo nghị định cũng nêu rõ phạt tiền đơn vị phát điện từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các thiết bị đo đếm điện năng chưa được kiểm định theo quy định hoặc không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật được quy định cho thiết bị đo đếm điện năng đối với các nhà máy điện.

Đối với các hành vi vi phạm các quy định về hoạt động truyền tải điện, đơn vị truyền tải điện cũng sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi như: không cung cấp thông tin về khả năng mang tải, chế độ vận hành lưới truyền tải điện, độ dự phòng của trang thiết bị và các thông tin có liên quan đến hoạt động truyền tải điện khi có yêu cầu bằng văn bản của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực hoặc Cục Điều tiết điện lực.

Đặc biệt, với các đơn vị phân phối điện, sẽ bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng khi không có thẻ nghiệp vụ mà tháo, lắp, hiệu chỉnh thiết bị đo đếm trên lưới điện; không có biên bản treo tháo khi lắp đặt, thay thế thiết bị đo đếm điện; không có biên bản kiểm định khi chỉnh định thiết bị đo đếm điện…

Đơn vị phân phối điện cũng sẽ bị phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng đối với một trong các hànnh vi như: không hoàn thành kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế thiết bị đo đếm điện sau 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của bên mua điện; không tiến hành xử lý sự cố để khôi phục việc cấp điện sau 2 giờ kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông báo của bên mua điện về sự cố lưới điện do bên bán điện quản lý mà không có lý do chính đáng;

Ngoài ra, nếu ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện không đúng nội dung đã thông báo, sử dụng các thiết bị đo, đếm điện năng chưa được kiểm định theo quy định hoặc đã được kiểm định nhưng không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật được quy định cho thiết bị đo đếm điện năng đối với lưới phân phối điện… cũng sẽ bị phạt tiền với mức phạt như trên.

Riêng đối với hành vi ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện mà không thông báo theo quy định về trình tự, thủ tục ngừng, giảm mức cung cấp điện; tự ý sử dụng công trình điện không thuộc quyền quản lý của mình để cấp điện cho tổ chức, cá nhân sử dụng điện khác; hoặc ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện đối với khách hàng thuộc diện không phải hạn chế khi thiếu điện, trừ trường hợp có nguy cơ gây sự cố nghiêm trọng mất an toàn cho người, thiết bị, hệ thống điện… sẽ bị phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng.

Ngoài hình thức xử phạt chính, đơn vị phân phối điện còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc kiểm định lại thiết bị đo đếm điện, trường hợp không đủ tiêu chuẩn thì phải thay thế thiết bị đo đếm điện; phải bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại cho phía khách hàng.