17:22 02/10/2019

Phát triển thương mại điện tử: Phải vượt rào cản niềm tin và thói quen tiền mặt

Thủy Diệu

Cứ hàng hóa mang đến thì khách hàng mới trả tiền mặt. Điều này là một trong những trở ngại rất lớn vì làm xói mòn sự tin tưởng giữa các chủ thể tham gia

Hội thảo Kinh tế số với chủ đề “Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam”, chiều 2/10.
Hội thảo Kinh tế số với chủ đề “Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam”, chiều 2/10.

Nền kinh tế thương mại điện tử được ghi nhận là một điểm sáng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng rất cao, 25-30%/năm – nhiều chuyên gia đưa ra quan điểm đầy lạc quan này tại hội thảo Kinh tế số với chủ đề "Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam", chiều 2/10.

Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.

Có thể vượt Thái Lan

Trong báo cáo chính của hội thảo chuyên đề, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho biết, năm 2018, giá trị thương mại điện tử của Việt Nam đạt khoảng 9 tỷ USD và với tốc độ phát triển hiện nay dự kiến năm 2025 giá trị thương mại điện tử sẽ đạt 33 tỷ USD, đứng thứ 2 trong khu vực, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).

"Nhưng tôi đi nhiều sự kiện quốc tế, nhiều bạn quốc tế nói rằng Việt Nam có rất nhiều yếu tố vượt Thái Lan để trở thành nền kinh tế có giá trị thương mại điện tử lớn thứ hai, chỉ sau Indonesia", ông Hải cho biết.

Đưa ra ở con số gần hơn, ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cũng cho rằng, với tốc độ tăng trưởng khoảng 30% và trên 30%/năm thì rất gần đây thôi – là năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam dự kiến sẽ đạt giá trị 13 tỷ USD.

Tiềm năng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam được ông Lê Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, nhìn nhận ở các xu hướng phát triển, như số lượng người dùng ứng dụng di động tăng với sự phát triển của hạ tầng viễn thông 3G, 4G, và sắp tới là 5G, trong đó sự phát triển của các thiết bị di động, đặc biệt là smartphone với hơn 64 triệu người sử dụng.

Bên cạnh đó, các dịch vụ thanh toán của ngân hàng, dịch vụ Fintech, nên xu hướng phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động, nền tảng số là tất yếu.

Ngoài ra, theo ông Thành, cuộc cạnh tranh về giá khiến số lượng bán hàng trực tuyến ngày một gia tăng. Sự bùng nổ Internet, thiết bị di động (smartphone) cũng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhiều trang bán hàng trực tuyến tham gia thị trường. Đấy chưa kể, theo ông, là xu hương mua bán trên mạng xã hội cũng kích thích thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Nam Thắng, Phó giám đốc Trung tâm FinTech, Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media, cho rằng, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay mới chỉ phát triển ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM (chiếm 70% giao dịch) và một số tỉnh năng động liền kề. Trong khi đó, miếng bánh của thị trường này còn vô cùng lớn nếu nhìn tỷ trọng ở hầu hết các tỉnh thành còn lại vẫn chỉ chiếm giá trị rất nhỏ trong tổng giá trị thương mại điện tử hiện nay.

"Nếu phát triển được ở quy mô toàn quốc thì tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại điện tử của Việt Nam còn lớn gấp nhiều lần mức đã rất cao hiện nay", ông Thắng nhìn nhận.

Mấu chốt để tạo sức bật cho thương mại điện tử

Mặc dù tiềm năng lớn như trên nhưng theo ông Đặng Hoàng Hải, thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức và hạn chế, trong đó đó thách thức lớn nhất là vẫn sử dụng tiền mặt cho phần lớn các giao dịch điện tử.

"Cứ hàng hóa mang đến thì khách hàng mới trả tiền mặt. Điều này là một trong những trở ngại rất lớn vì làm xói mòn sự tin tưởng giữa doanh nghiệp/người bán và người tiêu dùng và hai bên đều nghi ngờ lẫn nhau, như thế làm giảm rất nhiều khả năng kết nối thành công những giao dịch", ông Hải cho biết.

Cụ thể hơn, theo ông Hải, ở đây người mua hàng không tin tưởng vào chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp cũng như không chắc chắn việc hàng hóa sẽ đến tay mình nên cứ phải nhận hàng thì mới trả tiền. Trong khi đó, người bán vì chưa được trả tiền trước nên cho rằng việc từ chối/hủy đơn hàng cũng rất cao. Như vậy, cả hai phía đều thiếu sự tin cậy và đây là trở ngại rất lớn để phát triển thương mại điện tử.

"Về lâu dài, nếu tháo gỡ, giải quyết được mấu chốt này sẽ tạo ra sức bật cho lĩnh vực thương mại điện tử phát triển", Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nêu quan điểm.

Ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ, cho rằng, môi trường kinh doanh cho thương mại điện tử tại Việt Nam dù đã thay đổi nhiều nhưng chưa đủ, cần phải cởi mở hơn nữa. Trong khi, theo ông Hải, hiện 50% vốn đầu tư thương mại điện tử ở Đông Nam Á đang "đổ" sang Singapore do quốc gia này có môi trường thông thoáng, hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài rất thuận tiện.

Ông Linh còn cho rằng, trong ba bốn năm gần đây rất nhiều doanh nghiệp trẻ (kinh doanh thương mại điện tử) đã sản xuất được hàng hóa và bán trên các trang thương mại của mình nhưng quy trình để đăng ký thương hiệu quá lâu – mất tới 6 tháng để đăng ký thương hiệu Việt Nam. Nên, nếu cơ quan quản lý (Bộ Công Thương) rút ngắn được quy trình này sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp về thương mại điện tử phát triển và cũng góp phần gỡ bỏ "rào cản" trong việc hạn chế lĩnh vực thương mại điện tử phát triển.