Phó thủ tướng: Chính phủ nói không với tăng trần nợ công
Dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ chật hẹp và kinh tế thế giới còn khó khăn nên xử lý nợ công là vấn đề nan giải
Tham gia trả lời chất vấn nhóm vấn đề về thuế, nợ công trước Quốc hội sáng 16/11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Chính phủ nói không với tăng trần nợ công.
Ông Huệ cho biết, hiện nay nợ công ở mức 62,6% dưới mức trần cho phép của quốc hội là 65%, trong đó, nợ của Chính phủ đang là 51,8%, tỷ lệ chi trả nợ vay trên GDP là 25%.
Nhấn mạnh từ Phó thủ tướng là trong giai đoạn này, Chính phủ phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa bảo đảm đất nước phát triển nhanh, bền vững vừa tập trung giải quyết những yếu kém tích tụ từ nhiều năm trước. Trong khi đó, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ chật hẹp và kinh tế thế giới còn khó khăn nên xử lý nợ công là vấn đề nan giải.
"Nhiều thành viên của Chính phủ và Đại biểu Quốc hội đã khuyến cáo Chính phủ trình Trung ương và Quốc hội nới trần nợ công để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố và quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ từ ngân sách và vay trả nợ không được quá 25% so với tổng thu ngân sách. Do đó, Chính phủ nói không với tăng trần nợ công", Phó Thủ tướng báo cáo Quốc hội.
Để đảm bảo an toàn nợ công, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án cơ cấu lại thu chi ngân sách gắn với quản lý an toàn nợ công và Bộ chính trị đã thông qua nghị quyết số 07 về vấn đề này.
"Đây là văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Lần đầu tiên Trung ương có chuyên đề về nợ công", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Vẫn theo Phó thủ tướng, Chính phủ cũng trình Quốc hội kế hoạch về đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính công trung hạn với mục đích bảo đảm cân đối ngân sách là tích cực nhất, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Mục tiêu cụ thể là tỷ lệ huy động vào ngân sách là 21% GDP, tổng thu giai đoạn 2016- 2020 tăng 1,65 lần so với giai đoạn trước và cơ cấu lại các khoản thu từ ngân sách, trong đó giảm thu từ dầu thô, tăng thu từ nội địa, giữ chi ngân sách ở khoảng 24% GDP và trong đó chi đầu tư phát triển chiếm 24- 25% và chi thường xuyên dưới 64%, giảm bội chi tới năm 2020 là 3,5% GDP. Quy mô nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 54%, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%.
Về các nhóm giải pháp chính, Phó thủ tướng cho hay là Chính phủ đã đang thực hiện tới năm 2020: kiên định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường phát triển kinh tế, xã hội, tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách. Phối hợp hài hoà chính sách tài khoá tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác và coi đây là giải pháp của mọi giải pháp.
Thứ hai, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn đổi mới mồ hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả cạnh tranh để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. "Chính phủ tán thành ý kiến đại biểu quốc hội rằng vay không quan trọng mà quan trọng là hiệu quả sử dụng vốn vay. Chúng ta vay để không thể tụt lại nhưng phải phát triển bền vững đối với ba trụ cột kinh tế- xã hội và môi trường, trong đó có nợ công", ông Huệ nói.
Phó thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội sửa Luật quản lý nợ công, bảo đảm công cụ chính sách chỉ tiêu giám sát nợ công, tập trung cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng nợ trong nước và giảm nợ nước ngoài để giảm rủi ro ; chuyển nợ ngắn hạn thành dài hạn, chuyển khoản nợ lãi cao sang các khoản nợ lãi thấp, giảm nợ chính phủ bảo lãnh, lấy dư địa tăng các khoản vay khác của Chính phủ. Trong năm 2016 Chính phủ chỉ duyệt cấp 1 dự án cấp bảo lãnh 176 triệu USD và 9 tháng qua Chính phủ chưa cấp bão lãnh nào. Đi liền với đó là giảm vay cấp phát mà cho vay lại với chính quyền địa phương và khối sự nghiệp, Phó thủ tướng thông tin.