Phó thủ tướng yêu cầu làm rõ tiêu chí đặt trạm thu giá BOT
Phải lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương liên quan để quyết định tiêu chí đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến đối với đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc xây dựng tiêu chí đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 120/VPCP-CN ngày 4/1/2018, lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương liên quan để quyết định tiêu chí đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ và ban hành thông tư theo thẩm quyền.
Trước đó, tại văn bản số 120/VPCP-CN, Phó thủ tướng cũng đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các bộ ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng tiêu chí đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh, bảo đảm tuân thủ đúng Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau chỉ đạo trên, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang dự thảo sửa đổi Thông tư 49/2016, trong đó nêu rõ vị trí đặt trạm thu giá phải phải nằm trong phạm vi dự án và có ý kiến thống nhất của các cơ quan địa phương là Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hiệp hội vận tải ôtô, đồng thời lấy ý kiến tham gia của nhân dân địa phương.
Đối với đường địa phương, trạm thu giá phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định; vị trí đặt trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án do Ủy ban nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
Bên cạnh đó, khoảng cách giữa hai trạm thu giá ở trên cùng một tuyến đường phải đảm bảo cự ly tối thiểu là 70 km trừ những trạm thu giá hoàn vốn cho các dự án cầu đường bộ, hầm đường bộ.
Dự thảo nêu rõ, trạm thu giá chỉ được tổ chức thu hoàn vốn cho dự án sau khi dự án hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xác định đủ điều kiện được tổ chức thu. Đối với những trạm thu giá hoàn vốn cho các dự án đã đưa vào khai thác vận hành trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực tiếp tục thực hiện theo các quy định của hợp đồng dự án và các văn bản liên quan.
Trao đổi với báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, quan điểm của Bộ này là sẽ thực hiện nghiêm NQ 437 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, các dự án BOT sắp tới sẽ được triển khai trên đường mới hoàn toàn, Bộ sẽ giải quyết được căn cơ, tạo điều kiện cho người dân có sự chọn lựa, được sử dụng hạ tầng do Nhà nước đầu tư. Nếu người dân chấp nhận trả phí thì đi đường mới, còn nếu không thì đi đường cũ.
Bên cạnh đó, các trạm thu giá BOT từ nay về sau sẽ phải ứng dụng thu phí không dừng, vừa tiết kiệm thời gian, vừa minh bạch tài chính. Nhà nước và nhân dân cùng quản lý được nguồn thu của nhà đầu tư. Tiến tới, các barie tại các trạm thu giá BOT sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn, công nghệ thu phí tự động không dừng sẽ tự động quét xử lý, trừ phí vào tài khoản của lái xe;...
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, chủ trương của Bộ là không làm đường quốc lộ song hành nữa mà chỉ làm đường cao tốc song hành với quốc lộ.
Liên quan đến sử dụng khái niệm "thu giá" hay "thu phí" BOT, hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó hầu hết chuyên gia và dư luận đều phản đối khái niệm "thu giá" mà Bộ Giao thông Vận tải đang áp dụng tại các trạm BOT trên cả nước.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng khái niệm "thu giá" vừa không phù hợp về mặt ngôn ngữ, vừa không đúng về mặt kinh tế học. Quan trọng hơn, về lâu dài, việc sử dụng cụm từ "thu giá" sẽ đẩy những bất lợi về phía người sử dụng dịch vụ các dự án BOT giao thông.