Phó tổng giám đốc HSC: Covered Warrant chưa thể sôi động ngay
Nhà đầu tư sẽ mất một thời gian (từ 3 - 6 tháng) để tìm hiểu và làm quen với sản phẩm nên không kỳ vọng thị trường chứng quyền sẽ có giao dịch sôi động ngay từ đầu
Sau nhiều năm chuẩn bị, cùng với những nỗ lực của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) và các thành viên thị trường, chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) đã chính thức được niêm yết và giao dịch trên HOSE trong ngày 28/6 vừa qua.
Việc CW được đưa vào giao dịch được kỳ vọng sẽ thổi làn gió mới vào thị trường, giúp thị trường sôi động hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, mọi việc không chỉ là "màu hồng", bởi khối lượng giao dịch của CW chỉ chiếm dưới 5% khối lượng giao dịch của thị trường cơ sở và chưa thể làm thị trường sôi động ngay mà cần có thời gian.
Dưới đây là những chia sẻ của ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc, Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC), một trong 8 công ty chứng khoán đầu tiên được cấp phép triển khai phát hành CW.
HSC sẽ phát hành cho mã chứng khoán cơ sở nào trong thời gian tới? Đâu là tiêu chí Công ty đưa ra chọn lựa doanh nghiệp để phát hành chứng quyền?
Chúng tôi đã phát hành chứng quyền mã MBB - CMBB1902 và chứng quyền trên mã MWG. Chúng tôi theo dõi sát những diễn biến giao dịch trên thị trường chứng quyền sau khi sản phẩm chính thức giao dịch từ ngày 28/6 để hiểu về "khẩu vị" của nhà đầu tư nhằm có những điều chỉnh phù hợp khi phát hành trong các đợt kế tiếp.
Các doanh nghiệp mà công ty lựa chọn làm tài sản cơ sở cho chứng quyền sẽ là những công ty có kết quả kinh doanh tốt và còn dư địa phát triển, ngoài ra các cổ phiếu này cần có mức định giá hợp lý, còn tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn và có thanh khoản dồi dào, đủ đáp ứng cho nhu cầu phòng ngừa rủi ro ngay cả khi thị trường cơ sở có những biến động không thuận lợi.
Trên vai trò nhà tạo lập thị trường đồng thời là tổ chức phát hành, HSC nói riêng cũng như các công ty chứng khoán nói chung sẽ đối mặt với rủi ro gì?
Có rất nhiều rủi ro mà các thành viên thị trường nói chung và HSC nói riêng sẽ phải đối mặt như lãi suất, tạo lập thị trường, hoạt động phòng ngừa rủi ro, thị trường, mô hình định giá và tài sản cơ sở.
Do chứng quyền được phát hành dựa trên tài sản cơ sở là cổ phiếu, tổ chức phát hành sẽ chịu rủi ro khi cổ phiếu này gặp các sự kiện bất thường như ngừng giao dịch, hủy niêm yết…
Vậy HSC có chiến lược phòng ngừa rủi ro như thế nào, đặc biệt trước rủi ro sụt giảm mạnh của chứng khoán cơ sở...?
Tại HSC, bộ phận quản trị rủi ro chứng quyền là một bộ phận độc lập và có các nhân sự có kinh nghiệm trong việc quản lý danh mục đầu tư. Bộ phận này sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về phòng ngừa rủi ro, theo dõi và cập nhật trạng thái phòng ngừa rủi ro của danh mục chứng quyền cùng với các chỉ số đo lường rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường, rủi ro biến động giá cơ sở.
Ngoài việc theo dõi sát sao diễn biến giá chứng khoán cơ sở, bộ phận quản trị rủi ro cũng xem xét các yếu tố khác có thể tác động bất lợi đến thị trường cơ sở và chứng quyền, ví dụ như các tin tức về công ty phát hành cổ phiếu cơ sở, số liệu cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô và tin tức của thị trường chứng khoán quốc tế,… để có thể nhanh chóng ra quyết định phòng ngừa rủi ro phù hợp nhất với các thay đổi trên thị trường.
Ngoài ra, với thế mạnh về chất lượng của đội ngũ phân tích, chúng tôi khá tự tin về khả năng lựa chọn các chứng khoán cơ sở có rủi ro thấp để phát hành chứng quyền.
Ông nói nhiều đến rủi ro. Thế còn những giá trị mà HSC sẽ có được khi tham gia sân chơi CW?
Với quy mô phát hành ban đầu tương đối nhỏ, chúng tôi chưa đặt nặng mục tiêu kinh doanh mà sẽ đánh giá thành công của sản phẩm dựa trên: (1) mức độ giới thiệu/độ phủ về chứng quyền đến các nhà đầu tư, (2) đánh giá của khách hàng đối với chất lượng của thông tin/tài liệu/hội thảo do HSC cung cấp, (3) khả năng vận hành hệ thống tạo lập thị trường một cách an toàn và hiệu quả, (4) khả năng phòng ngừa rủi ro của HSC trong các điều kiện thị trường khác nhau, và (5) khả năng HSC có thể tăng quy mô phát hành/giao dịch chứng quyền sau năm đầu tiên.
Chúng tôi kỳ vọng sản phẩm này ra đời sẽ mang lại thêm giá trị cho khách hàng khi họ có thêm sản phẩm khác để lựa chọn trong danh mục đầu tư, bên cạnh sản phẩm truyền thống như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ.
Nhận định của HSC về tình hình thị trường chứng khoán trong thời gian tới khi thị trường có thêm CW?
Chúng tôi nghĩ nhà đầu tư sẽ mất một thời gian (từ 3 - 6 tháng) để tìm hiểu và làm quen với sản phẩm nên không kỳ vọng thị trường chứng quyền sẽ sôi động ngay từ đầu.
Theo quan sát tại một số thị trường trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan, sản phẩm chứng quyền phải mất 2-3 năm trước khi có khối lượng giao dịch đáng kể. Tuy vậy, ngay cả tại một số thị trường nơi chứng quyền được đưa vào giao dịch từ rất sớm như Thái Lan, Malaysia, Singapore… khối lượng giao dịch của chứng quyền chỉ chiếm dưới 5% khối lượng giao dịch của thị trường cơ sở.
Về dài hạn, chúng tôi kỳ vọng quy mô thị trường sẽ dần tăng lên với nhiều mã chứng quyền được niêm yết với nhiều cấu trúc khác nhau, do nhiều công ty chứng khoán phát hành để phù hợp với từng khẩu vị của nhà đầu tư. Tuy nhiên, về cơ bản thì chứng quyền vẫn là một dạng sản phẩm phái sinh, mà sức hấp dẫn của chứng quyền phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của tài sản cơ sở và thanh khoản trên thị trường cổ phiếu. Do đó, CW vẫn cần thời gian để phát triển.