Quá khứ bết bát, cơ sở nào để TMT đặt lãi ròng tăng 34 lần năm 2021?
Năm nay, dự kiến sản lượng xe ô tô của TMT bán ra thị trường tăng 1,54 lần lên 6.159 xe, trong đó xe tải nặng là 1.390 xe, xe tải nhẹ và các loại xe khác là 4.760 xe
Theo tài liệu cổ đông thường niên 2021 của CTCP Ô tô TMT (mã TMT), doanh thu năm nay công ty dự kiến ở mức 2.898 tỷ đồng, tăng 1,65 lần. Lãi ròng tăng 34 lần lên 61,5 tỷ đồng so với năm 2020. Đây là điều ngược với nhiều năm trước khi doanh thu đạt nghìn tỷ đồng, nhưng lãi ròng chỉ vài tỷ đồng.
SẢN LƯỢNG XE BÁN TĂNG 1,5 LẦN
Năm nay, sản lượng xe ô tô của TMT bán ra thị trường dự kiến tăng 1,54 lần lên 6.150 xe, trong đó xe tải nặng là 1.390 xe, xe tải nhẹ và các loại xe khác là 4.760 xe.
Công ty cũng sẽ chia cổ tức cho cổ đông ở mức 5%, trong khi năm 2020 không chia do chỉ lãi vỏn vẹn 1,8 tỷ đồng.
Về mở rộng mạng lưới, công ty sẽ xây dựng showroom tại 15 tỉnh thành trọng điểm có dung lượng thị trường lớn nhất về xe tải. Phát triển, hoàn thiện hệ thống đại lý cấp 1 và cấp 2 và phát triển kênh bán hàng online.
Lý do năm nay TMT đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng ở mọi mặt như trên là do lĩnh vực đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, đây là cơ hội lớn cho việc tiêu thụ dòng xe tải nặng.
Nghị định 57 của Chính phủ (ngày 25/5/2020) vẫn còn hiệu lực, điều này giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp đủ điều kiện vẫn tiếp tục giữ được lợi thế cạnh tranh.
Từ ngày 01/01/2021, Việt Nam có khoảng 12.435 xe tải van quá niên hạn sử dụng, không được phép lưu hành phải mua sắm mới.
Công ty cũng đã ký thoả thuận hợp tác toàn diện với ngân hàng VPBank và BIDV… trong đó, có sản phẩm dành cho người tiêu dùng cuối cùng: hỗ trợ vay vốn lên đến 70% với mức lãi suất ưu đãi.
Công ty đã định vị dòng sản phẩm chủ lực trên thị trường xe ô tô tải năm nay là dòng xe tải nhẹ máy xăng, xe tải van và xe tải nặng trên 24 tấn. Bên cạnh đó, TMT cũng đã chủ động lựa chọn đầu tư tại 15 thị trường trọng điểm về xe thương mại.
Tuy nhiên, theo TMT việc Chính phủ chấm dứt hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ dành cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, cũng như tỷ giá CNY/USD biến động mạnh khiến giá nguyên liệu nhập khẩu tăng. Trong nước, giá sắt thép và các nguyên liệu đầu vào cũng có xu hướng tăng dẫn đến giá thành sản xuất tăng là những khó khăn mà TMT phải đối mặt trong thời gian tới.
QUÁ KHỨ BẾT BÁT
Hoạt động kinh doanh của TMT đã lao dốc từ năm 2016, khi lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh từ mức 186 tỷ đồng năm 2015 về mức 48 tỷ đồng năm 2016. Con số lãi ròng ngày càng thảm hại khi năm 2017 chỉ còn 11,3 tỷ đồng, năm 2018 còn vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng. Năm 2019 nhích lên 3,8 tỷ đồng.
Theo TMT, nguyên nhân lợi nhuận liên tục sụt giảm do giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, thêm vào đó các loại chi phí cũng tăng nên công ty hoạt động thua lỗ trong các quý.
Với tình hình kinh doanh không khởi sắc, TMT thoái toàn bộ phần vốn tại 2 công ty con và liên kết là CTCP: Kinh doanh & Dịch vụ số 8 (TMT nắm giữ 30%) và Cơ khí Xây dựng & Tư vấn Thiết kế 30/4 (TMT nắm giữ 89,28%) vào cuối năm 2019.
Trong khi đó, hai cổ đông tổ chức lớn của TMT là CTCP: Chứng khoán Bảo Việt (BVS) nắm 7,5% vốn và Chứng khoán Dầu khí (PSI) nắm 19,84% vốn cũng bán gần hết cổ phần đang nắm giữ vào tháng 4/2019 và tháng 5/2020 và không còn là cổ đông lớn của TMT.
Kết thúc năm 2020, nhiều chỉ tiêu kinh doanh của TMT cũng không đạt kế hoạch. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 1,8 tỷ đồng, đạt 11% so với kế hoạch là 16,2 tỷ đồng, trong khi doanh thu hoàn thành 92% kế hoạch, đạt 1.746 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo TMT, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều công ty đẩy mạnh bán hàng dẫn đến cạnh tranh gay gắt cho TMT.
CTCP Ô tô TMT chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết và giao dịch tập trung tại HoSE từ ngày 22/1/2010. Thời điểm đó, TMT là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô thứ 2 lên sàn niêm yết sau CTCP Ô tô Giải Phóng. Giá chào sàn của cổ phiếu TMT khi ấy là 46.000 đồng/cổ phần.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 02/4, thị giá giao dịch của cổ phiếu TMT là khoảng 8.800 đồng/cổ phần, tăng 49% so với mức giá cách đây 1 tháng là 5.880 đồng/cổ phần vào ngày 01/3.