Quảng Ninh và tham vọng thành phố trực thuộc Trung ương
100% đại biểu đại diện cho cử tri tỉnh Quảng Ninh đã nhất trí thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Ninh
Ngày 26/10, tại kỳ họp thứ 14 - Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa 13, nhiệm kỳ 2016-2021, 100% đại biểu đại diện cho cử tri Quảng Ninh đã nhất trí thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2019 - 2021, trong đó, nội dung nhập nguyên trạng địa giới, dân số của huyện Hoành Bồ với thành phố Hạ Long được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Đây là bước tiếp theo để triển khai thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ. Theo đó, ngay trong năm 2019, sẽ hoàn thành đơn vị hành chính mới có tên gọi là thành phố Hạ Long (diện tích 1.119,36km2, quy mô dân số 300.267 người), trong đó có 33 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 phường (thuộc thành phố Hạ Long hiện tại) và 12 xã thuộc huyện Hoành Bồ.
Với qui mô này, thành phố Hạ Long mới sẽ trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên và đơn vị hành chính trực thuộc. Tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng, đô thị này sẽ là hạt nhân thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư tỉnh ủy - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, đây là chủ trương lớn, rất hệ trọng, mang tính lịch sử liên quan chặt chẽ đến sự ổn định và phát triển của tỉnh, việc sát nhập sẽ mở ra không gian phát triển mới rộng lớn, với tầm nhìn dài hạn trong 1 đơn vị hành chính thống nhất sẽ nhân lên sức mạnh về tiềm năng, lợi thế, tối ưu hóa công tác quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn lực nhất là về đất đai, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa.
Theo các chuyên gia, chủ trương này sẽ là đòn bẩy cho Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, làm tăng giá trị địa tô khu vực Hoành Bồ, giảm áp lực quĩ đất phát triển thành phố Hạ Long, góp phần bảo vệ, bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long, đồng thời mở ra dư địa cho phát triển du lịch, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao…
Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy nhận định, trong thời gian tới, lượng du khách đến với Quảng Ninh sẽ tăng cao, do tính đa dạng của các loại hình, sản phẩm du lịch, từ du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch rừng và du lịch sinh thái…
Để hiện thực hóa chủ trương này, ông Nguyến Xuân Ký - Bí thư Quảng Ninh cho biết, song hành với việc tăng cường toàn diện các mặt công tác quản lý trong quá trình sắp xếp, Quảng Ninh sẽ tập trung tăng cường sức mạnh nội lực, nâng cao tính chủ động trong phát triển kinh tế.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, GRDP của Quảng Ninh tăng 11,9%, thu ngân sách nhà nước ước đạt 34.339 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước 26.039 tỷ, dự kiến đến hết năm 2019, toàn tỉnh thu ngân sách đạt 43.500 tỷ đồng. Với đà tăng trưởng này, Quảng Ninh tin tưởng sẽ có đủ nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng cho Hạ Long mới.
Trước mắt, nhằm tạo thêm sức hút với các nhà đầu tư, Quảng Ninh sẽ đầu tư xây dựng 2 cây cầu qua Cửa Lục để kết nối Hạ Long với Hoành Bồ, đường nối khu công nghiệp Cái Lân với khu công nghiệp Việt Hưng vào đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông khu vực Hoành Bồ…bằng nguồn ngân sách của tỉnh.
Theo ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp Quảng Ninh, việc mở rộng không gian thành phố Hạ Long sẽ tạo ra lực hấp dẫn cho các dòng vốn đầu tư vào khu vực Hoành Bồ, tuy nhiên Quảng Ninh cần sớm công bố các qui hoạch, phân vùng đầu tư một cách dài hạn, có vậy các doanh nghiệp mới yên tâm rót vốn.
Tại Kỳ họp, Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, phương án nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long là kết quả của cả quá trình chuẩn bị trong nhiều năm qua, là giải pháp đột phá có ý nghĩa chiến lược, xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn khách quan, yêu cầu phát triển của tỉnh Quảng Ninh, phù hợp với các quy hoạch tổng thể, chiến lược của tỉnh, của vùng.
Trong thời gian tới, Quảng Ninh đang có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, xây mới, nâng cấp các trục giao thông kết nối các đô thị Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều tạo ra 1 quần thể đô thị để thu hút dân số cơ học, tăng tỷ lệ đô thị hóa..nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương.
Tham vọng cũng là mục tiêu đặt ra, đến năm 2030 Quảng Ninh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế…
Tuy nhiên, để tiến tới mục tiêu này, Quảng Ninh vẫn còn cả một lộ trình dài trước mắt.