09:31 04/05/2015

“Quốc hội phải có chính sách sở hữu với doanh nghiệp nhà nước”

Nguyễn Lê

Không ít vị chuyên gia đã lên tiếng “đòi” Quốc hội phải hành động tích cực hơn để cải cách doanh nghiệp nhà nước

Một sự rành mạch trong cả quản lý và giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước đang là yêu cầu cần được giải quyết.
Một sự rành mạch trong cả quản lý và giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước đang là yêu cầu cần được giải quyết.
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 vào cuối năm 2014, với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã được chỉnh sửa. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Thống nhất khái niệm này, song khi cho ý kiến về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) cũng ở kỳ họp Quốc hội thứ 8, quan điểm về kiểm toán doanh nghiệp có quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước còn rất khác nhau.

Một số vị đại biểu cho rằng, ở đâu có tài chính, tài sản công là phải kiểm toán. Theo đó cần kiểm toán doanh nghiệp có vốn và tài sản nhà nước, bao gồm cả doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống.

Nhiều vị khác lại đề nghị chỉ kiểm toán đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Bởi, việc kiểm toán đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư và quyền tự chủ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, không thể tách bạch được hoạt động nào trong doanh nghiệp sử dụng phần vốn của nhà nước để thực hiện kiểm toán.

Qua nhiều lần tiếp tục thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý, tại dự thảo luật mới nhất vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chốt lại: đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, vẫn kiểm toán toàn diện như luật hiện hành.

Còn với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, giao cho Tổng kiểm toán Nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp.

Tất nhiên, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Quốc hội. Nhưng một sự rành mạch trong cả quản lý và giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước đang là yêu cầu cần được giải quyết, không chỉ riêng ở Luật Kiểm toán.

Tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới đây, tiếp thu đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị không quy định về việc bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nhưng chừng đó, có lẽ vẫn là chưa đủ. Liên tục ở nhiều diễn đàn do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức, không ít vị chuyên gia đã lên tiếng “đòi” Quốc hội phải hành động tích cực hơn để cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung là một trong số đó.

Tại tham luận gửi đến Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 cuối tháng 4 vừa qua, ông Cung cho rằng, để cải cách doanh nghiệp nhà nước thì nhà nước phải có chính sách sở hữu rõ ràng, cụ thể, minh bạch và thống nhất.

Và Quốc hội, với tư cách là cơ quan nhà nước cao nhất trực tiếp đại diện cho lợi ích của nhân dân, phải là cơ quan đầu tiên chịu trách nhiệm trước nhân dân về hiệu quả hoạt động và phát triển của doanh nghiệp nhà nước nói chung, phải ban hành chính sách sở hữu riêng dưới hình thức nghị quyết.

Nội dung cơ bản của chính sách sở hữu của Quốc hội, theo Viện trưởng CIEM ít nhất gồm: xác định vai trò, chức năng của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, mục tiêu tổng quát và cụ thể hàng năm và trung hạn (3-5 năm) của khối này nói chung trong nền kinh tế, phạm vi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, các loại quyết định lớn cần có sự chấp thuận của Quốc hội...

Chính sách sở hữu do Quốc hội ban hành là căn cứ hay cơ sở pháp lý để ủy quyền cho Chính phủ thống nhất quản lý, thống nhất  thực hiện quyền chủ sở hữu và chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân đối với hiệu quả của tất cả số vốn đầu tư của nhà nước tại các doanh nghiệp.

Tóm lại, xây dựng, hoàn thiện nội dung chính sách sở hữu ở các cấp khác nhau, trong đó, Quốc hội phải là cơ quan khởi xướng và tiên phong, là nội dung đầu tiên không thể thiếu để hoàn thiện quản trị công ty đối với doanh nghiệp nhà nước, ông Cung khái quát.

Một vị chuyên gia khác, TS. Trần Tiến Cường cũng khuyến nghị một nguyên tắc quan trọng: trong từng giai đoạn, ở từng thời kỳ, một khi đã xác định được những ngành, lĩnh vực quan trọng, doanh nghệp nhà nước quan trọng, thì sự tăng hay giảm tỷ lệ vốn nhà nước cần được xem xét cẩn trọng ở cấp cao nhất, mà theo kinh nghiệm của nhiều nước là thuộc quyền quyết định của Quốc hội.