17:07 24/11/2017

Quốc hội yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp Việt xây dựng mạng xã hội

Hà Minh

Sẽ xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội tại Việt Nam

Quốc hội đã bấm nút thông qua 4 nghị quyết trong phiên họp chiều 24/11.
Quốc hội đã bấm nút thông qua 4 nghị quyết trong phiên họp chiều 24/11.

Ưu tiên phát triển hệ sinh thái nội dung số trong nước lớn mạnh, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xây dựng các dịch vụ nền tảng như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, thương mại điện tử.

Đó là một trong nhiều yêu cầu của Quốc hội đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, được nêu tại nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp này, vừa được Quốc hội thông qua trong phiên bế mạc kỳ họp thứ tư, chiều 24/11.

Cần ưu tiên đồng bộ

Trước đó, liên quan đến những vấn đề xung quanh mạng xã hội, chiều 17/11 vừa qua, trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho hay, rất nhiều doanh nghiệp không chỉ ở Việt Nam cũng có tham vọng xây dựng thương hiệu với mong muốn có thể cạnh tranh với Facebook, Google. Nhưng hiện nay chỉ có một số quốc gia có mạng xã hội trong nước chiếm ưu thế so với Facebook, Google.

Việt Nam từ năm 2008 đã có một số trang như Bamboo, Xa lộ, Zing Me... được kỳ vọng có thể thay thế các trang mạng của nước ngoài, nhưng Bamboo và Xa lộ đã đóng cửa sau khoảng 2 năm. Hiện nay chỉ có Zing Me của VNG tồn tại nhưng ngày càng tụt hậu cả số lượng và người sử dụng. Nếu so với Facebook, Google thì lượng người sử dụng Zing Me rất thấp và Zing Me đã chuyển hướng sang phát triển Zalo với khoảng 70 triệu tài khoản đăng ký.

Bộ trưởng cho rằng, nếu có thể ưu tiên đồng bộ cả về tài chính, thuế và giảm bớt các thủ tục hành chính, có những chính sách ưu tiên đặc biệt để quản lý thông tin, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội dung số trong nước phát triển thì mới có thể hình thành được hệ sinh thái số lớn mạnh của Việt Nam. 

Lúc đó mới có cơ sở để tin tưởng rằng các doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng được những sản phẩm có thể thay thế Youtube và Facebook trong khoảng 5-7 năm tới.

Tại nghị quyết, Quốc hội đã đưa ra yêu cầu ưu tiên phát triển hệ sinh thái nội dung số trong nước lớn mạnh, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xây dựng các dịch vụ nền tảng như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, thương mại điện tử. 

Xây dựng bộ công cụ thu thập, phân tích và quản lý thông tin vi phạm, công cụ phân tích, xếp hạng, đánh giá website theo lượng truy cập để làm cơ sở xây dựng, triển khai các chính sách quản lý Nhà nước về thông tin trên Internet phù hợp.

Có các biện pháp để xử lý thông tin không phù hợp với pháp luật Việt Nam được đăng tải bởi các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, phối hợp với các bộ, ngành xử lý nghiêm các hành vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, nghị quyết nêu rõ.

Sớm triển khai đề án báo chí

Vẫn trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Quốc hội còn yêu cầu tích cực triển khai chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. 

Đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử trên cả 3 nhóm chỉ số về hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực và dịch vụ công trực tuyến. 

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách bộ máy hành chính nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế.

Đến hết năm 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3, dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4.

Nghị quyết cũng nêu yêu cầu thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Báo chí, sớm ban hành và triển khai đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Làm tốt công tác quản lý báo chí, trong đó, chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, tăng cường cung cấp các thông tin người tốt, việc tốt; phát huy vai trò nòng cốt của báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu, độc hại, các thông tin xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức và cá nhân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí, nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, các cơ quan báo chí và các cơ quan chủ quản.

Nhiệm vụ của ngành thông tin và truyền thông còn là rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về dịch vụ truyền thông; tăng cường công tác quản lý hoạt động liên kết, xã hội hóa các chương trình giải trí trên hệ thống phát thanh, truyền hình cả về nội dung và phạm vi liên kết. 

Kiểm tra, xử lý nghiêm các chương trình, nội dung phản cảm, không phù hợp với văn hóa, thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam. 

Tăng cường quản lý về mặt nội dung, thời lượng các chương trình truyền hình cho trẻ em, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên mạng và quảng cáo trên các chương trình phát thanh, truyền hình, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về hoạt động quảng cáo, về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình; tăng cường quản lý thuê bao di động trả trước, khắc phục tình trạng sim rác, tin nhắn rác.

Quốc hội còn yêu cầu chủ động cung cấp thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, tăng cường kiểm soát, hạn chế thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội, nhất là thông tin đối với trẻ em. 

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội.

Xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam cũng là yêu cầu được nêu tại nghị quyết này.