Quyết định luật đặc khu: "Đã bấm nút là phải an tâm"
Đến sáng 8/6 đại biểu Quốc hội chưa nhận được bất cứ phiếu xin ý kiến nào về những vấn đề lớn của dự thảo luật về ba đặc khu
Cho biết đến nay đại biểu chưa nhận bất cứ phiếu xin ý kiến nào song đại biểu Vũ Trọng Kim, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tin rằng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ có xử lý tiếp, để đại biểu đã bấm nút là phải yên lòng, bấm nút là phải an tâm.
Hiện tại tôi nghĩ mọi đại biểu đã gửi ý kiến đến các đồng chí lãnh đạo và lên Thường vụ Quốc hội rồi và hướng xử lý sắp tới sẽ phù hợp với yêu cầu của đại biểu Quốc hội, có nghĩa là phù hợp với ý kiến của cử tri và nhân dân mong đợi, ông Kim trao đổi với VnEconomy bên hành lang Quốc hội, sáng 8/6.
Thời khắc lịch sử
Thưa ông, Quốc hội chuẩn bị quyết định dự án luật về ba đặc khu, một dự thảo được cử tri đặc biệt quan tâm và dư luận còn ý kiến nhiều chiều. Vậy đến thời điểm này Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có gửi phiếu xin ý kiến về những vấn đề người dân còn nhiều lo lắng hay không?
Sau khi dự thảo luật được đưa ra Quốc hội thảo luận thì cử tri khắp mọi miền gửi ý kiến đến các lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước cũng như đến đại biểu Quốc hội. Đó là sự quan tâm đặc biệt của nhân dân mình đến vấn đề quan trọng của quốc gia, điều đó là rất mừng.
Tôi nghĩ là rất đáng mừng, khi người ta mà bình chân như vại không chú ý gì mới đáng sợ, chứ xã hội tham gia đầy đủ như thế thì rất đáng mừng, theo nhận thức của tôi.
Có thể có ý kiến nặng, nhẹ khác nhau nhưng đều là sự quan tâm đến những vấn đề lớn lao của đất nước.
Nói về đặc khu thì chúng ta mong muốn đó là những nơi đột phá với những chính sách có tính chất đặc biệt để thu hút đầu tư phát triển, không những về kinh tế mà còn là mô hình chính quyền địa phương nữa. Còn nhiều mô hình khác chúng ta cũng muốn tìm sự bứt phá từ đây.
Tuy nhiên còn nhiều vấn đề mọi người quan tâm, đặc biệt là những chính sách liên quan đến vấn đề khai thác tiềm năng lợi thế ưu đãi hơn so với chính sách đã có trong đất liền, điều đó là đương nhiên nhưng quan tâm nhất là làm sao giữ được độc lập chủ quyền, đó là vấn đề nổi lên thời gian qua, rất đáng quan tâm.
Tôi nghĩ những ý kiến khác nhau đó phải được nghiên cứu và cụ thể hoá trong luật để loại trừ những yếu tố mà trong tương lai có thể ảnh hưởng đến những vấn đề nêu trên. Cho nên cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu điều chỉnh làm sao để mọi người bấm nút yên lòng, bấm cho đại diện nhân dân chứ không phải chỉ cho riêng đại biểu Quốc hội.
Về xin ý kiến đại biểu thì sau phiên thảo luận toàn thể đến nay chưa có văn bản nào khác được phát hành đến đại biểu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư đồng thời cũng là trưởng ban soạn thảo dự án luật đặc khu Nguyễn Chí Dũng mới đây có nhấn mạnh rằng phải thật khách quan, công tâm khi quyết định số phận dự án luật về đặc khu nếu không sau này sẽ phải trả lời là trong thời khắc lịch sử quan trọng nhất ai là người phải chịu trách nhiệm trước sứ mệnh của đất nước. Ông cũng vừa nói cử tri đặc biệt quan tâm đến dự luật, là người sẽ góp một lá phiếu quyết định số phận dự luật này, ông có bị áp lực nhiều không?
Mong muốn của ban soạn thảo và đại biểu là thông qua chính sách kịp thời để có sự khởi sắc của những vùng đất cụ thể, nhưng điều còn băn khoăn trăn trở là tương lai nó sẽ đi theo chiều hướng nào thì cần cân nhắc đưa ra cho đại biểu thảo luận một cách kỹ lưỡng.
Quyết định (số phận dự án luật) cũng là lịch sử mà không quyết định thì cũng là lịch sử bởi vì những điều quan trọng đang đặt ra trước mắt như tôi đã nói ở trên và đại biểu phải thay mặt nhân dân quyết định như thế nào cho chính xác là điều hết sức quan trọng tại thời điểm này.
Tôi nghĩ là phải bình tĩnh chứ đừng vì áp lực mà làm cho mình thiếu cân nhắc, thiếu nghiên cứu và hướng quyết định chính xác.
Tôi ngày đêm đều nhận được những ý kiến của cử tri khắp nơi, người dân bình thường cũng có mà người có trình độ, có nghiên cứu kỹ lưỡng về lịch sử, xã hội, kinh tế tình hình trong nước và quốc tế cũng có. Rất nhiều người gửi gắm tâm tư đến đại biểu Quốc hội.
Như trên ông đã nói là tương lai của các đặc khu (nếu được hình thành) sẽ đi theo chiều hướng nào thì cần cân nhắc đưa ra cho đại biểu thảo luận một cách kỹ lưỡng. Nhưng theo quy trình thì trước khi nhấn nút biểu quyết đại biểu chỉ nghe báo cáo giải trình, tiếp thu chứ không có bất cứ lần thảo luận nào nữa. Vậy như thế đã đủ thông tin để đại biểu thể hiện chính kiến của mình chưa?
Cái này tôi nghĩ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ có xử lý tiếp, tức là phải để đại biểu có thời gian nghiên cứu thêm và thảo luận xác đáng để bấm nút là phải yên lòng, bấm nút là phải an tâm.
Hiện tại mọi đại biểu đã gửi ý kiến đến các đồng chí lãnh đạo và lên Thường vụ Quốc hội rồi và tôi nghĩ hướng xử lý sắp tới sẽ phù hợp với yêu cầu của đại biểu Quốc hội, có nghĩa là phù hợp với ý kiến của cử tri và nhân dân mong đợi.
Chưa đến mức cần công khai chính kiến
Thưa ông, bên cạnh dự án luật về đặc khu thì An ninh mạng cũng là dự án luật được cử tri rất quan tâm và dư luận hết sức lo ngại. Phiên thảo luận tổ về dự án Luật Công an (sửa đổi) chiều qua (7/6) chính ông cũng có ý kiến phải xem xét thận trọng dự án luật này, mà luật này còn thông qua sớm hơn cả luật về đặc khu nữa, tức là không còn nhiều thời gian xem xét như ông muốn?
Vấn đề đặt ra trong dự thảo luật này không mới nhưng hết sức hệ trọng với xã hội, từ người dân bình thường đến hoạt động kinh doanh và quản lý xã hội. Cho nên cần quy định sự kiểm soát của lực lượng chức năng thế nào đề không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, nếu những hoạt động không liên quan đến an ninh cũng bị ngăn chặn thì không chấp nhận được. Vì thế nên cần những chuyên gia về lĩnh vực này tham gia đóng góp nhiều hơn nữa thì mới thông qua được.
Tức là ông chưa yên tâm đưa ra quyết định cuối cùng?
Tôi chưa yên tâm.
Trên diễn đàn công khai của Quốc hội thì đại biểu Dương Trung Quốc đã hơn một lần đề nghị công khai danh tính đại biểu đồng ý và không đồng ý trong mỗi lần biểu quyết để cử tri có thể giám sát. Với những quyết định rất quan trọng như hai dự án luật về đặc khu và an ninh mạng thì theo ông có cần công khai, minh bạch như ý kiến đại biểu Quốc không?
Mỗi người một quan điểm, tôi nghĩ không cần thiết đến mức như thế vì trong hoạt động của Quốc hội chưa có quy định như thế, chưa thống nhất như thế. Nếu muốn làm được như vậy thì cần được sự thống nhất chung, còn bắt mọi người theo ý một người thì không nên.