14:21 04/06/2018

Quyết liệt truy trách nhiệm về các dự án BOT

Hà Vũ

"Nghe Bộ trưởng có báo cáo giải trình vì người dân mà giảm giá tôi thấy giống như là ban phát, xin - cho"

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé: người dân không xin Nhà nước hoặc doanh nghiệp cho người dân được giảm phí.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé: người dân không xin Nhà nước hoặc doanh nghiệp cho người dân được giảm phí.

Đi ít nộp ít chứ cử tri không xin, giải pháp nào để đảm bảo công bằng... từ 8h30 đến hơn 10h sáng 4/6 các đại biểu Quốc hội quyết liệt "truy" Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể về những bất cập tại các dự án BOT.

Nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể không chỉ có BOT, song ngay từ báo cáo của Bộ trưởng gửi đến trước phiên chất vấn, đại biểu đã thấy những lý giải không thuyết phục về giải pháp khắc phục các bất cập, sai phạm của các dự án BOT.

Phần trả lời trực tiếp tại nghị trường của Bộ trưởng trước các tranh luận về trách nhiệm cũng có lúc khá ấp úng, vì thế có đại biểu chỉ trong ít phút đã hơn 1 lần dùng quyền tranh luận.

Phần đầu phiên chất vấn, khá nhiều đại biểu cùng chất vấn về tình trạng tại sao nhiều nơi dân không đi vẫn phải trả phí hay chỉ đi một đoạn lại phải trả cho toàn tuyến.

Hơn một lần, Bộ trưởng Thể khẳng định thu phí BOT, đứng trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân. Thời gian qua, Bộ phối hợp rà soát, giảm phí toàn bộ 56 dự án BOT, có dự án giảm 2-3 lần.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) bình luận: nghe Bộ trưởng có báo cáo giải trình vì người dân mà giảm giá tôi thấy giống như là ban phát, xin - cho.

"Tôi xin báo cáo với Bộ trưởng, chúng ta rất cần một nguyên tắc cung - cầu theo cơ chế thị trường, người bán phải có người mua, và quyền lợi của người dân với quyền lợi của nhà đầu tư phải được bình đẳng như nhau, được thảo luận, được sự đồng tình giữa người mua và người bán theo cơ chế thị trường chứ không thể do áp lực của người dân rồi lại giảm giá", ông Diến nói.

Theo đại biểu Diến thì đơn giá có thể là 2 đồng, lúc đầu xây dựng lên 10 đồng, sau khi có áp lực của người dân giảm xuống 8 đồng, 5 đồng, rồi cho đó là giảm giá, ông Diến nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu,người dân lưu thông qua trạm T2 ở Lộ Tẻ chỉ tham gia vào con đường này vài trăm mét, nhưng mà phải trả tiền cả một đoạn đường rất dài. Xin hỏi Bộ trưởng trả tiền như thế đã có công bằng cho người dân chưa?

Thừa nhận thực tế đại biểu nêu, song Bộ trưởng nói đó là "bất khả kháng" vì khi đường đã có dân sinh sống hai bên với mật độ dân cư và đường giao thông dày thì không thể tổ chức thu phí kín.

"Tôi xin nói là người dân không xin Nhà nước hoặc doanh nghiệp cho người dân được giảm. Có đi thì có trả, tôi muốn hỏi sự công bằng ở đây. Về lâu dài những trạm đặt không đúng như thế gây bức xúc cho người dân. Như vậy Bộ trưởng giải quyết vấn đề này như thế nào?", đại biểu Kim Bé tiếp tục "đòi" câu trả lời của Bộ trưởng.

"Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Bé, sau kỳ họp này chúng tôi sẽ giao cho Tổng cục Đường bộ cùng với chính quyền địa phương sẽ rà soát một cách kỹ lưỡng tất cả các phương án để có một giải pháp hợp lý", Bộ trưởng trả lời.

Đồng ý với đại biểu Kim Bé là dân "không xin" giảm giá, đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) nhấn mạnh là việc giảm giá cũng không công bằng và đã làm việc nhiều lần vẫn chưa được giải quyết thoả đáng.

Vẫn liên quan đến các vấn đề của BOT, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) nêu thực tế tất cả các dự án BOT đều là chỉ định thầu, chỉ có một dự án tổ chức đấu thầu nhưng sau đó cũng chỉ một nhà thầu tham gia. Bộ Giao thông vận tải lý giải Luật Đấu thầu cho phép chỉ định thầu nhưng rất nhiều dự án các nhà thầu được chỉ định thầu bán lại cho các nhà đầu tư khác để hưởng lợi.

Cử tri cho rằng, việc doanh nghiệp được hưởng lợi từ chênh lệch có nghĩa là xã hội đã mất đi một khoản chi phí bất hợp lý từ việc chỉ định thầu. Bộ trưởng lý giải vấn đề này như thế nào? đại biểu Xuân chất vấn.

Bộ trưởng trả lời, tất cả các dự án sau khi triển khai, mở rộng nâng cấp quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, tức là sau giai đoạn khoảng 2011-2012, đều tổ chức đấu thầu đúng quy định.

Riêng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, đây là dự án trọng điểm, thời điểm đó các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu nhiều giải pháp để xin chủ trương của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ định thầu để triển khai nhanh, đảm bảo dự án lớn từ Thanh Hóa tới Cần Thơ, cũng như đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chỉ định thầu các gói thầu liên quan đến dự án quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Những dự án sau giai đoạn đó chúng tôi tổ chức đấu thầu hết, Bộ trưởng khẳng định.

Tái cơ cấu Vinashin hiệu quả đến đâu?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu An Giang: tôi xin hỏi Bộ trưởng việc tái cơ cấu Vinashin, Vinalines hiện nay đạt hiệu quả đến đâu, số nợ hiện nay còn tồn tại đến giờ tăng lên bao nhiêu nghìn tỷ đồng. Liệu Bộ trưởng có giải pháp gì để sang kỳ họp sau đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước không còn thấy con số nợ này tiếp tục tăng lên.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: trong thời gian vừa qua chúng tôi đã tái cơ cấu Vinashin, Vinalines. Vinashin hiện nay sau khi tái cơ cấu, đánh giá là chưa hiệu quả, hiện nay Chính phủ cũng đã thường xuyên họp, chỉ đạo quyết liệt để giải quyết tốt những dự án có sai phạm của Vinashin.

Còn Vinalines sau thời gian củng cố, năm 2017 đã có lãi trên 500 tỷ đồng và kế hoạch năm 2018 lãi là khoảng 700 tỷ đồng, hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị IPO, cổ phần hóa Vinalines.

"Còn nợ của Vinashin hiện nay vẫn nằm trong phạm vi Chính phủ bảo lãnh, do đó hiện nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thường xuyên đề xuất các giải pháp, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ", Bộ trưởng nói.