Sàn "Nasdaq Trung Quốc" chính thức giao dịch, có cổ phiếu tăng 500%
Là sàn giao dịch đầu tiên được một chủ tịch của Trung Quốc tuyên bố thành lập, Star có nhiều thay đổi lớn như cho phép niêm yết cổ phiếu đa tầng
Trung Quốc vừa chính thức đưa vào hoạt động sàn giao dịch chứng khoán kiểu Nasdaq của Mỹ, dành cho các cổ phiếu công nghệ - có tên Star Market. Sàn Star bắt đầu giao dịch vào ngày thứ Hai (22/7), hơn một năm sau khi kế hoạch này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố, theo CNN.
Cổ phiếu của 25 công ty niêm yết trên Star đã tăng giá ít nhất 100% trong phiên giao dịch đầu tiên, trong đó cổ phiếu Anji Microelectronics Technology - công ty sản xuất vật liệu bán dẫn, tăng tới 500% đầu phiên.
Bắc Kinh kỳ vọng sàn Star sẽ giúp các công ty công nghệ của Trung Quốc tiếp cận được nguồn vốn dồi dào của giới đầu tư trong nước và thu hút những công ty toàn cầu như Alibaba và Tencent trở về từ các sàn chứng khoán New York và Hồng Kông.
Trung Quốc khuyến khích các công ty trong nước bớt phụ thuộc vào nguồn vốn và công nghệ của nước ngoài và chiến dịch này càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ và từ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Huawei - hãng công nghệ hàng đầu của nước này - vào danh sách cấm vận thương mại.
Trước đó, vào năm 2009 và 2013, nỗ lực tạo ra một sàn giao dịch cổ phiếu công nghệ để cạnh tranh với Nasdaq của Trung Quốc đều thất bại do thiếu các cổ phiếu chất lượng và thanh khoản hạn chế. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sàn Star, đặt trụ sở tại Thượng Hải, có thể sẽ khác.
Star là sàn giao dịch đầu tiên được một chủ tịch của Trung Quốc tuyên bố thành lập, phần nào cho thấy kỳ vọng của Bắc Kinh rằng sàn này sẽ giúp Trung Quốc trở thành cường quốc đi đầu về công nghệ trong tương lai. Theo sàn chứng khoán Thượng Hải, đã có hơn 100 công ty đăng ký niêm yết trên sàn Star.
Một quan chức về chứng khoán hàng đầu của Trung Quốc cho biết Star chào đón các công ty tiên tiến đến từ 6 lĩnh vực "chiến lược trọng điểm" mới của nước này, bao gồm công nghệ thông tin thế hệ kế tiếp, sản xuất thông minh, vũ trụ, vật liệu mới, năng lượng tái tạo và công nghệ sinh học. Những lĩnh vực này đều đi liền với Sáng kiến "Made in China 2025" nhằm mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc thống trị các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Các nhà lập pháp Trung Quốc đã đưa ra những thay đổi đáng kể cho sàn Star. Đây là sàn chứng khoán đầu tiên của nước này cho phép các công ty đang lỗ được niêm yết. Đưa vào thí điểm hệ thống đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) kiểu Mỹ, Star cũng tinh giản quy trình đăng ký và cho các công ty niêm yết cũng như nhà đầu tư có quyền kiểm soát lớn hơn với về thời điểm IPO và việc định giá cổ phiếu.
Trong số 25 công ty đầu tiên bắt đầu giao dịch trên Star ngày 22/7, có 24 công ty niêm yết lần đầu tiên. Tổng cộng, 25 công ty này đã huy động được hơn 37 tỷ Nhân dân tệ (5,4 tỷ USD).
Những công ty khác niêm yết trên sàn Star hiện có các nhà sản xuất chíp, công ty trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, sản xuất pin xe điện, nhà cung cấp cho đường sắt cao tốc. Theo dữ liệu của sàn chứng khoán Thượng Hải, hiện đang có hơn 100 công ty chờ niêm yết trên Star.
Star cũng theo kịp sàn chứng khoán New York, Nasdaq và Hồng Kông khi cho phép các công ty niêm yết cổ phiếu đa tầng (dual-class) và quyền biểu quyết theo trọng số. Thay đổi này nhằm thu hút các công ty Trung Quốc đang niêm yết ở nước ngoài. Cấu trúc cổ phiếu này thường được các doanh nhân công nghệ lựa chọn bởi cho phép họ giữ được quyền kiểm soát công ty kể cả khi đã chào bán cổ phiếu ra công chúng.
"Tôi tin rằng các hãng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc sẽ trở về nhờ những chính sách ưu đãi và giá trị lớn hơn", Hao Hong, giám đốc nghiên cứu của công ty BOCOM International, nhận định.
Cũng giống như Alibaba và Tencent, nhiều hãng công nghệ lớn khác của Trung Quốc như Baidu, JD.com, Xiaomi và Pinduoduo đã chọn niêm yết tại New York hoặc Hồng Kông. Alibaba mới đây được cho là đang cân nhắc niêm yết lần hai tại Hồng Kông, sau IPO kỷ lục 25 tỷ USD tại New York vào năm 2014.
"Các nhà làm luật Trung Quốc chắc chắn không thích việc những công ty như Alibaba vẫn phải ra nước ngoài để huy động vốn dù trong nước có nguồn vốn từ tiền tiết kiệm khổng lồ, Larry Hu, giám đốc nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group, cho biết.