22:55 12/11/2009

Sang năm, Quốc hội sẽ giám sát việc lập trường đại học

Nguyên Bình

Sáng 12/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2010

Giảng đường 400 chỗ của Trường Đại học Phan Thiết (ảnh do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp). Đã có nhiều dư luận về việc cấp phép cho những trường đại học không đủ các điều kiện dạy và học thời gian qua.
Giảng đường 400 chỗ của Trường Đại học Phan Thiết (ảnh do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp). Đã có nhiều dư luận về việc cấp phép cho những trường đại học không đủ các điều kiện dạy và học thời gian qua.
Sáng 12/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2010.

Theo đó, tại kỳ họp thứ bảy, chuyên đề giám sát sẽ là "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học"

Lý do chọn chuyên đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là vấn đề bức xúc, được nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm. Thời gian qua việc thành lập, nâng cấp trường đại học còn chưa chặt chẽ, điều kiện bảo đảm cho trường hoạt động còn nhiều bất cập, chất lượng đào tạo thấp…, cần sớm có những giải pháp khắc phục.

Còn tại kỳ họp thứ tám, chuyên đề giám sát của Quốc hội sẽ là "Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010".

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu trình bày trước Quốc hội trước khi đại biểu nhấn nút, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng công tác cải cách hành chính nhà nước còn nhiều hạn chế, nhất là các thủ tục hành chính trong thời gian qua vẫn gây nhiều bức xúc đối với doanh nghiệp và người dân, ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những năm gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã nêu vấn đề này và đề nghị tiến hành giám sát nhưng Quốc hội chưa có điều kiện triển khai. Năm 2010 là năm kết thúc chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, là thời điểm thích hợp để Quốc hội giám sát nội dung này, giúp đánh giá khách quan việc thực hiện chương trình trên để có kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo một cách phù hợp.

Thảo luận tại tổ, một số vị đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội giám sát một số chuyên đề liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai; hiệu quả của các gói kích cầu của Chính phủ…

Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu đưa quá nhiều nội dung vào chương trình giám sát của Quốc hội thì khó có thể thực hiện được. Riêng về gói kích cầu là vấn đề mới được tổ chức thực hiện, Chính phủ đang điều hành tiếp tục và các cấp, các ngành, các doanh nghiệp đang tập trung mọi sự nỗ lực để vượt qua những khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế, trong đó có việc sử dụng gói kích cầu tái cấu trúc nền kinh tế. Vì vậy, Ủy ban đề nghị Quốc hội chưa tiến hành giám sát các nội dung này vào năm 2010.