20:26 22/08/2011

Sau 60 năm có thể giải mật tài liệu tuyệt mật

Nguyễn Lê

Theo dự thảo Luật lưu trữ, hết thời hạn 40 năm, 60 năm theo quy định thì tài liệu mật đương nhiên được giải mật

Một số vị đại biểu Quốc hội cho rằng hiện nay, không ít tài liệu lưu trữ có nội dung mật nhưng không được đóng dấu mật, ngược lại có tài liệu lưu trữ nội dung không còn mật nhưng không có cơ chế để giải mật - Ảnh minh họa.
Một số vị đại biểu Quốc hội cho rằng hiện nay, không ít tài liệu lưu trữ có nội dung mật nhưng không được đóng dấu mật, ngược lại có tài liệu lưu trữ nội dung không còn mật nhưng không có cơ chế để giải mật - Ảnh minh họa.
Tiếp tục phiên họp thứ nhất, chiều 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ.

Đây là dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám của Quốc hội khóa 12, dự kiến sẽ trình Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ hai, vào cuối năm nay.

Thời hạn được phép sử dụng tài liệu tại Lưu trữ lịch sử, trong đó có việc xác định tài liệu mật và cơ chế giải mật là một trong 5 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau được Ủy ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự án luật - xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự án luật.

Thảo luận về dự án này tại kỳ họp thứ tám của Quốc hội khóa 12, một số vị đại biểu Quốc hội cho rằng hiện nay, không ít tài liệu lưu trữ có nội dung mật nhưng không được đóng dấu mật, ngược lại có tài liệu lưu trữ nội dung không còn mật nhưng không có cơ chế để giải mật. Và nhiều tài liệu được đóng dấu “mật” chỉ để đối phó với báo chí.

Về thời hạn giải mật, có ý kiến đề nghị là 30 năm như thông lệ quốc tế, ý kiến khác đề nghị quy định thống nhất thời hạn giải mật là 40 năm.

Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, trong hoạt động của cơ quan nhà nước và cơ quan Đảng, có nhiều loại văn bản mật chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định (như quyết định đổi tiền, các quyết định về nhân sự cấp cao,...) và sau khi được công bố công khai thì tính mật của văn bản không còn nhưng không được giải mật khi nộp vào lưu trữ lịch sử.

Ngược lại, cũng có những văn bản yêu cầu phải được giữ bí mật trong một khoảng thời gian dài hoặc vĩnh viễn.

Vì vậy, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng: sau thời hạn 10 năm, kể từ ngày hoàn thành công việc, các tài liệu thuộc diện nộp lưu vào lưu trữ lịch sử (gồm cả tài liệu mật) được giao nộp cho lưu trữ lịch sử.

Khi hết thời hạn 40 năm, 60 năm theo quy định thì tài liệu mật đương nhiên được giải mật và sử dụng rộng rãi. Đối với những tài liệu mặc dù đã hết thời hạn này nhưng cần tiếp tục được bảo mật, chưa thể công khai thì cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cơ bản đồng tình với lý giải này, song cũng có ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc kéo dài bảo mật cũng cần phải được quy định cụ thể về thời hạn chứ không thể kéo dài vô thời hạn.

Liên quan đến những vấn đề lớn khác như  phông lưu trữ, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo luật cũng đã được chỉnh lý theo hướng chỉ quy định phông lưu trữ quốc gia Việt Nam là toàn bộ tài liệu lưu trữ không phân biệt nguồn gốc và thời gian hình thành, nơi bảo quản, hình thức sở hữu, được Nhà nước bảo quản hoặc thống kê.

Dự luật cũng xác định rõ việc bảo quản, lưu trữ tài liệu có thể ở nhiều nơi và do nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện (như Lưu trữ lịch sử; lưu trữ cơ quan; lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ), nhưng quy trình, nghiệp vụ lưu trữ và việc quản lý nhà nước về lưu trữ phải được thực hiện thống nhất, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết.