Sau đợt nghỉ Tết: Mỏi mắt ngóng người giúp việc
Một năm có hai lần người giúp việc cao giá nhất là trước Tết và sau Tết
Một năm có hai lần người giúp việc cao giá nhất là trước Tết và sau Tết.
Ra Tết, mặc dù đã sẵn sàng trả thêm lương cho những ngày Tết cho người giúp việc, gia chủ vẫn còn canh cánh nỗi lo - chẳng hiểu họ có “bỏ mình” mà đi không.
Tiền không thiếu, chỉ thiếu người
Vừa lễ mễ xách chậu nước lau nhà đi đổ, chị Hiền ở Đống Đa, Hà Nội vừa hổn hển nói: “Cô giúp việc vẫn chưa lên. Lạnh cóng nhưng nhà vẫn phải lau vì thấy bẩn không chịu được!”.
Đã quen với việc nhà được lau hai ngày một lần nên để nhà đến tận mùng 8 Tết mới lau, tức là sau mười ngày osin về quê đã là "quá lắm rồi".
Nhưng việc không chỉ có lau nhà, mọi thứ lớn bé giờ đều đến tay chị. Đã thế, cô giúp việc lại còn đề đạt từ trước Tết sẽ ở nhà đến hết ngày mười lăm âm vì “lễ Tết quanh năm cũng chẳng bằng lễ rằm tháng Giêng.” Vả lại, “nếu cương quá, có khi qua rằm họ cũng chẳng lên cho”, chị Hiền thở dài.
Thời điểm này không chỉ người giúp việc ở trong nhà mà cả người giúp việc làm theo giờ cũng đang “mải chơi” ở quê.
"Chúng em chỉ có mấy ngày Tết này ở với con cái. Mẹ đi cả năm, con mới tám chín tuổi, lúc nào cũng mong. Trong năm, đã vào việc rồi thì chả dám nghỉ. Nghỉ cố mấy ngày này thôi”, Phượng, một người giúp việc theo giờ quê ở Nam Định nói.
Không vướng bận vì con cái đã ra ở riêng, chị Huệ - chị chồng của Phượng - đã lên Hà Nội ngay từ mùng 6 để tranh thủ vụ làm ăn đầu năm.
"Tôi lên Hà Nội làm giúp việc theo giờ đã lâu nên biết cứ đầu năm là nhà các cô trên Hà Nội bấn người lắm”, chị nói.
Giá cả của người giúp việc theo giờ đầu năm còn “xịn” hơn cả cuối năm. Nếu cuối năm họ được trả 40.000 đồng/giờ thì trong vòng trước rằm tháng Giêng, giá thuê là 50.000 đồng/giờ, kèm theo đó còn là rất nhiều “lộc" như giò, nem, măng, bánh kẹo... của Tết.
Vậy mà, việc nhiều làm không hết. Chị chỉ đi vòng quanh chỗ thuê trọ đã không đủ sức để làm, lại còn phải ưu tiên khách quen.
"Khi lên Hà Nội, tôi chỉ mang theo gạo và rau. Còn thức ăn từ bấy đến giờ toàn là của các nhà chủ cho. Bánh kẹo để dành, bao giờ mọi người lên làm nhiều thì tôi tranh thủ nghỉ một ngày mang hết về quê cho cháu”, chị Huệ hào hứng.
Chiến thuật “cầm cự”, chiến thuật lâu dài...
Ông Chu Hoàng Anh, Phó vụ trưởng Vụ Tiền lương - Tiền công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết: “Thực chất, lương giúp việc tăng “cục bộ” trong những ngày sau Tết chỉ chứng tỏ rằng ở thời điểm đó, cung đã không đáp ứng nổi cầu. Nhưng vấn đề là khi tất cả cùng chấp nhận giá cao, thì ở cùng một mức giá, chỉ gia đình nào áp dụng đúng “chính sách nhân sự” mới thuê được người.”
“Chính sách nhân sự” như ông Hoàng Anh phân tích là phải tạo dựng được quan hệ tốt với người lao động từ trước đó bằng cách đối đãi tử tế khiến họ cảm thấy mình được tôn trọng.
Đặc biệt, với người giúp việc cần tạo cho họ có trách nhiệm như chính người trong nhà.
Bà Phạm Nguyên Cường, Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, thì cho rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào người giúp việc trong năm đã khiến nhiều gia đình sau Tết rơi vào cảnh “hoang tàn”, thậm chí "vợ chồng lườm nguýt nhau". Điều này, thực chất xuất hiện do chính thành kiến giới trong xã hội.
“Trên thực tế, khi có người giúp việc, người phụ nữ cảm thấy nhẹ lòng. Còn khi thiếu người giúp việc, khốn đốn nhất cũng chính là người phụ nữ. Khi có người giúp việc, họ không chỉ bớt được một số công việc nhà, mà còn cảm thấy mình có người chia sẻ gánh nặng. Điều đó, nếu đến từ một thành viên trong gia đình sẽ còn có ý nghĩa hơn rất nhiều. Nhưng thành thật mà nói, đã có mấy người trong số phụ nữ Việt Nam nhận được điều ấy đâu!”, bà Cường phân tích.
Và chiến thuật cầm cự, cũng như lâu dài, theo bà Cường là, ngay cả khi có người giúp việc, thỉnh thoảng cả gia đình vẫn phải tổ chức những buổi “lao động tập thể” cùng dọn cho quen việc phòng khi người giúp việc đi vắng. “Chính những buổi lao động như thế sẽ khiến các thành viên gắn bó với nhau hơn”, bà Cường khẳng định.
Kiều Trinh (Tin tức)
Ra Tết, mặc dù đã sẵn sàng trả thêm lương cho những ngày Tết cho người giúp việc, gia chủ vẫn còn canh cánh nỗi lo - chẳng hiểu họ có “bỏ mình” mà đi không.
Tiền không thiếu, chỉ thiếu người
Vừa lễ mễ xách chậu nước lau nhà đi đổ, chị Hiền ở Đống Đa, Hà Nội vừa hổn hển nói: “Cô giúp việc vẫn chưa lên. Lạnh cóng nhưng nhà vẫn phải lau vì thấy bẩn không chịu được!”.
Đã quen với việc nhà được lau hai ngày một lần nên để nhà đến tận mùng 8 Tết mới lau, tức là sau mười ngày osin về quê đã là "quá lắm rồi".
Nhưng việc không chỉ có lau nhà, mọi thứ lớn bé giờ đều đến tay chị. Đã thế, cô giúp việc lại còn đề đạt từ trước Tết sẽ ở nhà đến hết ngày mười lăm âm vì “lễ Tết quanh năm cũng chẳng bằng lễ rằm tháng Giêng.” Vả lại, “nếu cương quá, có khi qua rằm họ cũng chẳng lên cho”, chị Hiền thở dài.
Thời điểm này không chỉ người giúp việc ở trong nhà mà cả người giúp việc làm theo giờ cũng đang “mải chơi” ở quê.
"Chúng em chỉ có mấy ngày Tết này ở với con cái. Mẹ đi cả năm, con mới tám chín tuổi, lúc nào cũng mong. Trong năm, đã vào việc rồi thì chả dám nghỉ. Nghỉ cố mấy ngày này thôi”, Phượng, một người giúp việc theo giờ quê ở Nam Định nói.
Không vướng bận vì con cái đã ra ở riêng, chị Huệ - chị chồng của Phượng - đã lên Hà Nội ngay từ mùng 6 để tranh thủ vụ làm ăn đầu năm.
"Tôi lên Hà Nội làm giúp việc theo giờ đã lâu nên biết cứ đầu năm là nhà các cô trên Hà Nội bấn người lắm”, chị nói.
Giá cả của người giúp việc theo giờ đầu năm còn “xịn” hơn cả cuối năm. Nếu cuối năm họ được trả 40.000 đồng/giờ thì trong vòng trước rằm tháng Giêng, giá thuê là 50.000 đồng/giờ, kèm theo đó còn là rất nhiều “lộc" như giò, nem, măng, bánh kẹo... của Tết.
Vậy mà, việc nhiều làm không hết. Chị chỉ đi vòng quanh chỗ thuê trọ đã không đủ sức để làm, lại còn phải ưu tiên khách quen.
"Khi lên Hà Nội, tôi chỉ mang theo gạo và rau. Còn thức ăn từ bấy đến giờ toàn là của các nhà chủ cho. Bánh kẹo để dành, bao giờ mọi người lên làm nhiều thì tôi tranh thủ nghỉ một ngày mang hết về quê cho cháu”, chị Huệ hào hứng.
Chiến thuật “cầm cự”, chiến thuật lâu dài...
Ông Chu Hoàng Anh, Phó vụ trưởng Vụ Tiền lương - Tiền công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết: “Thực chất, lương giúp việc tăng “cục bộ” trong những ngày sau Tết chỉ chứng tỏ rằng ở thời điểm đó, cung đã không đáp ứng nổi cầu. Nhưng vấn đề là khi tất cả cùng chấp nhận giá cao, thì ở cùng một mức giá, chỉ gia đình nào áp dụng đúng “chính sách nhân sự” mới thuê được người.”
“Chính sách nhân sự” như ông Hoàng Anh phân tích là phải tạo dựng được quan hệ tốt với người lao động từ trước đó bằng cách đối đãi tử tế khiến họ cảm thấy mình được tôn trọng.
Đặc biệt, với người giúp việc cần tạo cho họ có trách nhiệm như chính người trong nhà.
Bà Phạm Nguyên Cường, Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, thì cho rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào người giúp việc trong năm đã khiến nhiều gia đình sau Tết rơi vào cảnh “hoang tàn”, thậm chí "vợ chồng lườm nguýt nhau". Điều này, thực chất xuất hiện do chính thành kiến giới trong xã hội.
“Trên thực tế, khi có người giúp việc, người phụ nữ cảm thấy nhẹ lòng. Còn khi thiếu người giúp việc, khốn đốn nhất cũng chính là người phụ nữ. Khi có người giúp việc, họ không chỉ bớt được một số công việc nhà, mà còn cảm thấy mình có người chia sẻ gánh nặng. Điều đó, nếu đến từ một thành viên trong gia đình sẽ còn có ý nghĩa hơn rất nhiều. Nhưng thành thật mà nói, đã có mấy người trong số phụ nữ Việt Nam nhận được điều ấy đâu!”, bà Cường phân tích.
Và chiến thuật cầm cự, cũng như lâu dài, theo bà Cường là, ngay cả khi có người giúp việc, thỉnh thoảng cả gia đình vẫn phải tổ chức những buổi “lao động tập thể” cùng dọn cho quen việc phòng khi người giúp việc đi vắng. “Chính những buổi lao động như thế sẽ khiến các thành viên gắn bó với nhau hơn”, bà Cường khẳng định.
Kiều Trinh (Tin tức)