Saudi Arabia bị tố gây áp lực để tịch thu hàng tỷ USD của giới giàu
Chính phủ Saudi Arabia đã có các thỏa thuận giao nộp tài sản trị giá 107 tỷ USD với những người bị bắt giữ, phần lớn số này là doanh nhân và tỷ phú giàu có
Tháng 11/2017, chính phủ Saudi Arabia bắt hàng trăm doanh nhân có ảnh hưởng tại nước này - trong đó có nhiều thành viên hoàng gia gồm hoàng thân Alwaleed bin Talal (người giàu nhất nước), và giam tại khách sạn 5 sao Riyadh Ritz-Carlton trong một chiến dịch chống tham nhũng. Đến đầu năm 2018, hầu hết đã được trả tự do sau khi ký giao nộp nhiều tài sản cho chính phủ.
Tuy nhiên, theo phỏng vấn điều tra của tờ New York Times, nhiều người dù đã được thả nhưng vẫn bị quản chế và gây áp lực, không thể tiếp cận tài khoản ngân hàng của mình. Họ và gia đình còn bị cấm di trú và không được tự do phát ngôn.
Tờ New York Times dẫn nguồn tin từ một số nhân chứng cho biết trong mấy tháng bị giam giữ, nhiều người bị cưỡng chế và tổn thương về mặt thể chất. Trong những ngày đầu bị bắt, ít nhất có 17 người đã phải nhập viện, một người sau đó đã tử vong. Tuy nhiên, chính phủ Saudi phủ nhận mọi cáo buộc lạm dụng thể chất và gọi đó là những điều "hoàn toàn sai sự thật".
Để rời khỏi khách sạn Ritz, nhiều doanh nhân không chỉ phải giao nộp khoản tiền lớn mà còn phải ký chuyển quyền kiểm soát nhiều bất động sản và cổ phiếu công ty của họ sang cho chính phủ. Tất cả những việc này được cho là không có quy trình pháp lý rõ ràng, tờ New York Times cho biết.
Vì chính phủ chưa hoàn toàn nắm giữ được nhiều tài sản trong số đó, nhiều doanh nhân và gia đình, họ hàng của họ giờ vẫn bị mắc kẹt. Một doanh nhân, bị buộc phải đeo thiết bị theo dõi vị trí, đã lâm vào tình trạng trầm cảm khi việc kinh doanh đổ bể.
Hồi tháng 1, một công tố viên của Saudi Arabia cho biết chính phủ đã đạt được các thỏa thuận trị giá 107 tỷ USD với những người bị bắt giữ. Trong khi đó, một số quan chức khác dự báo quá trình này sẽ mang về 13 tỷ USD tiền mặt vào cuối năm 2018.
Hầu hết người bị bắt giữ đều không giữ số tiền lớn trong ngân hàng tại Saudi Arabia hoặc cất giấu ở nước ngoài, vì vậy chính phủ không thể tịch thu được nếu không có các quy trình pháp lý đầy đủ. Vì vậy, đa số tài sản bị tịch thu đều là bất động sản trong nước và cổ phiếu của các công ty - những tài sản mà chính phủ có thể chuyển dần thành tiền mặt trong nhiều năm, cố vấn tài chính và trợ lý của một số người bị bắt giữ cho biết.
Viện tới luật riêng tư, chính phủ Saudi Arabia đã không cung cấp bất kỳ thông tin gì về số tài sản tịch thu từ những ai và trị giá bao nhiêu. Tuy nhiên, trợ lý của một người bị bắt giữ cho biết chính phủ đã nắm quyền điều hành Saudi Binladen Group - tập đoàn xây dựng khổng lồ do cha của Osama bin Laden thành lập. Chủ tịch tập đoàn này - Bakr Binladen hiện vẫn bị giam giữ, còn họ hàng của ông thì mất phần lớn tài sản cá nhân.
Tham nhũng từ lâu đã là vấn đề nan giải tại Saudi Arabia. Nhiều trong số những người bị bắt được biết đến rộng rãi là tham ô tài sản quốc gia. Tuy nhiên, khi bắt những người này, chính phủ Saudi Arabia lại từ chối cung cấp thông tin về tội danh của họ, ai có tội ai không, kể cả sau khi họ được thả.
Ngoài ra, dù chính phủ nói rằng chiến dịch này sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, mọi quy trình đều được thực hiện bí mật, các giao dịch đều không được công khai.
"Ngay khi bắt đầu chiến dịch bắt giữ, họ cam kết về sự minh bạch nhưng sau đó lại không thực hiện", Robert Jordan - đại sứ Mỹ tại Saudi Arabia dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush nói. "Nếu không có sự minh bạch hay dẫn quy định của pháp luật, điều này sẽ khiến các nhà đầu tư vào Saudi Arabia lo ngại rằng tiền của họ sẽ bị lấy mất và các đối tác ở Saudi Arabia của họ có thể bị bắt giữ mà chẳng có cơ sở buộc tội nào".
Người đứng sau chiến dịch bắt giữ quy mô lớn này là Thái tử Mohammed bin Salman - chuẩn bị có chuyến thăm Mỹ để thu hút đầu tư, nằm trong kế hoạch cải cách đất nước tầm nhìn 2030. Chiến dịch chống tham nhũng do ông khởi xướng vào tháng 11 năm ngoái cũng nằm trong kế hoạch này.