14:29 29/05/2023

Bị phương Tây cấm vận, vàng Nga tìm đường sang UAE

Bình Minh

Trong vòng 1 năm kể từ khi chiến tranh nổ ra, gần như toàn bộ vàng xuất khẩu của Nga có điểm đến là UAE, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã trở thành một trung tâm giao dịch vàng Nga kể từ khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow liên quan tới chiến tranh ở Ukraine khiến Nga mất đi các thị trường xuất khẩu vàng truyền thống - dữ liệu hải quan Nga do hãng tin Reuters thu thập được cho thấy.

Dữ liệu này - bao gồm gần 1.000 lô vàng vận chuyển trong khoảng thời gian 1 năm kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra - cho thấy UAE nhập khẩu 75,7 tấn vàng từ Nga trị giá 4,3 tỷ USD trong khoảng thời gian đó, từ mức chỉ 1,3 tấn trong năm 2021.

Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là hai điểm đến lớn tiếp theo của vàng Nga, nhập khẩu khoảng 20 tấn vàng Nga mỗi nước trong thời gian từ 24/2/2022 đến 3/3/2023. Cùng với UAE, ba quốc gia này chiếm 99,8% xuất khẩu vàng Nga trong khoảng thời gian đó.

Ngay sau khi chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine, nhiều ngân hàng đa quốc gia, các công ty logistics và các nhà tinh luyện kim loại quý đã dừng các giao dịch có liên quan đến vàng Nga. Trước đó, vàng Nga thường được vận chuyển tới London, một trung tâm của hoạt động giao dịch và lưu trữ vàng toàn cầu.

Hiệp hội Vàng London (LBMA) đã cấm vàng thỏi Nga từ ngày 7/3/2022 và đến tháng 8 năm ngoái, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Thuỵ Sỹ, Mỹ, Canada và Nhật Bản đều đã cấm nhập khẩu vàng Nga.

Tuy nhiên, dữ liệu hải quan mà Reuters có được cho thấy các nhà sản xuất Nga đã nhanh chóng tìm được thị trường mới ở những quốc gia chưa áp lệnh trừng phạt lên Moscow, như UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.

Chuyên gia về vàng Louis Marechal thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) không loại trừ khả năng vàng Nga được nấu chảy và đúc lại rồi tìm đường vào thị trường Mỹ và châu Âu với nguồn gốc thực sự được che giấu.

“Nếu vàng Nga được mua về rồi đúc lại bởi một nhà tinh luyện vàng địa phương, rồi được mua lại bởi một ngân hàng hoặc nhà giao dịch địa phương và bán ra thị trường, thì rủi ro nằm chính ở đó. Đây là lý do vì sao thẩm định chuyên sâu là công cụ để đảm bảo rằng người mua cuối cùng có thể tuân thủ đúng các biện pháp trừng phạt”, ông Marechal nói.

Dữ liệu mà Reuters thu thập được cho thấy Nga xuất khẩu 116,3 tấn vàng trong thời gian từ 24/2/2022-3/3/2-2023, trong khi công ty tư vấn Metals Focus ước tính Nga sản xuất 325 tấn vàng trong năm 2022. Giới chuyên gia cho rằng số vàng còn lại có thể nằm ở Nga hoặc được xuất khẩu trong những giao dịch không được ghi lại trong dữ liệu hải quan.

Việc cấm nhập khẩu vàng Nga không phải là một cú sốc đối với London bởi thị trường vàng London không phụ thuộc quá nhiều vào vàng Nga. Năm 2021, vàng Nga chiếm 29% nhập khẩu vàng của London, nhưng vào năm 2018, tỷ trọng chỉ là 2% - theo dữ liệu thương mại của Nga.

Về phần mình, UAE có một ngành công nghiệp vàng phát triển mạnh mẽ. Dữ liệu thương mại cho thấy quốc gia Trung Đông này nhập khẩu bình quân khoảng 750 vàng tinh chế mỗi năm trong thời gian từ 2016-2021, đồng nghĩa số vàng mà UAE nhập từ Nga thể hiện qua số liệu hải quan Nga chỉ chiếm khoảng 10% nhập khẩu vàng của nước này.

Giám đốc một công ty tham gia vận chuyển số lượng lớn vàng Nga vào UAE cho biết các công ty Nga đã bán vàng cho phía UAE với giá thấp hơn khoảng 1% so với giá tiêu chuẩn của thị trường vàng toàn cầu, và điều này khuyến khích việc giao dịch vàng Nga. Vị giám đốc đề nghị không tiết lộ danh tính cũng nói phần lớn số vàng Nga mà công ty của ông vận chuyển sang UAE được đưa tới các nhà máy luyện vàng, nơi vàng có thể được nấu chảy và đúc lại.