Trung Quốc và Saudi Arabia cần nhau như thế nào?
Chuyến thăm Riyadh của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế, còn Saudi Arabia đẩy mạnh quan hệ ngoại giao về hướng Đông giữa lúc có xung đột chính sách năng lượng với Mỹ...
Một loạt thoả thuận đầu tư với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD đã được ký kết trong chuyến thăm chính thức Saudi Arabia vào tuần vừa rồi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nội dung chính của chuyến thăm xoay quanh dầu lửa - mặt hàng chiến lược đối với cả Riyadh và Bắc Kinh.
Theo hãng tin Bloomberg, thông tin về tổng giá trị thoả thuận được ký nói trên được tiết lộ bởi Bộ trưởng Bộ Đầu tư Khalid Al Falih của Saudi Arabia, nhưng vị quan chức này không công bố chi tiết các thoả thuận và chỉ nói rằng các thoả thuận được hai bên ký kết thuộc cả khu vực công và tư nhân.
Trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày, ông Tập Cận Bình đã được tiếp đón bởi nhà vua Salman bin Abdul-Aziz Al Saud và Thái tử Mohammed bin Salman - nhà lãnh đạo không chính thức của Saudi Arabia. Chuyến thăm được đánh giá là phản ánh mối quan hệ ngày càng mật thiết của Bắc Kinh với Vùng Vịnh. Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm này, hai bên đã ký kết một thoả thuận đối tác chiến lược toàn diện.
TRUNG QUỐC CẦN SAUDI ARABIA NHƯ THẾ NÀO?
Trung Quốc những năm gần đây ra sức đẩy mạnh hợp tác với Saudi Arabia và các quốc gia láng giềng của nước này, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Saudi Arabia là thủ lĩnh không chính thức của OPEC+, liên minh chiếm hơn một nửa sản lượng dầu của thế giới. OPEC+ là nhóm của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Nỗ lực này Trung Quốc là điều dễ hiểu, xét tới việc nước này vừa là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, vừa là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Năm 2021, 72% nhu cầu dầu thô và 44% nhu cầu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc được đáp ứng bằng nhập khẩu - theo thống kê chính thức.
Năm 2021, thương mại song phương giữa Saudi Arabia và Trung Quốc đạt 87,3 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2020 và tập trung chủ yếu vào dầu lửa - theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc. Trong đó, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Saudi Arabia đạt 43,9 tỷ USD, chiếm 77% tổng nhập khẩu hàng hoá của Trung Quốc từ nước này, và chiếm hơn 1/4 tổng xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia.
Tại kỳ Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đây, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng đảm bảo an ninh năng lượng là một ưu tiên chính. Phát biểu này được đưa ra sau khi Trung Quốc trải qua một số đợt mất điện nghiêm trọng trong mấy năm gần đây và giá năng lượng toàn cầu biến động mạnh sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine.
“An ninh nguồn cung năng lượng, cả về giá cả và khối lượng, là một ưu tiên chính đối với ông Tập Cận Bình, vì nền kinh tế Trung Quốc có sự phụ thuộc lớn vào dầu thô và khí đốt nhập khẩu”, giáo sư Eswar Prasad của Đại học Cornell nói với hãng tin CNN.
Khi phương Tây cắt giảm mua dầu Nga, Trung Quốc đã tranh thu mua với giá rẻ. Từ tháng 5-7 năm nay, Nga là nước cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc, cho tới khi Saudi Arabia giành lại vị trí số 1 vào tháng 8.
“Đa dạng hoá nguồn cung năng lượng là một yếu tố then chốt trong chiến lược an ninh năng lượng dài hạn của Trung Quốc không thể bỏ hết trứng vào một giỏ được… Nga đúng là một nguồn cung giá rẻ, nhưng chẳng ai dám chắc là mối quan hệ Trung-Nga sẽ như thế nào sau 50 năm nữa”, chuyên gia Ahmed Aboudouh thuộc Atlantic Council - một viện nghiên cứu ở Washington DC - nhận định khi nói về lợi ích của Trung Quốc trong việc thắt chặt quan hệ với Saudi Arabia.
SAUDI ARABIA CŨNG CẦN TRUNG QUỐC
Triển vọng phục hồi của kinh tế Trung Quốc được cho sẽ là yếu tố định hình triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Năm nay, giá dầu thế giới đã tăng vọt lên gần 140 USD/thùng vì ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ukraine. Gần đây, giá dầu thế giới tụt dốc vì mối lo kinh tế toàn cầu suy thoái dưới sức ép của lạm phát và lãi suất tăng cao. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London hiện dao động quanh ngưỡng 76 USD/thùng.
Các nhà đầu tư trên thị trường dầu cũng đang chờ xem các biện pháp trừng phạt mà phương Tây mới áp lên dầu thô Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) và trần giá của nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7), sẽ có ảnh hưởng thế nào đến giá dầu.
Đồng Giám đốc Gal Luft của Viện Phân tích an ninh năng lượng toàn cầu cho rằng Saudi Arabia cũng có động lực mạnh mẽ để tăng cường quan hệ năng lượng với Trung Quốc. “Saudi Arabia lo ngại mất thị phần dầu ở Trung Quốc do làn sóng dầu thô giá rẻ từ Nga và Iran. Mục tiêu của họ là đảm bảo rằng Trung Quốc vẫn sẽ là một khách hàng trung thành ngay cả khi các đối thủ cạnh tranh chào bán dầu với giá rẻ hơn”.
“Trung Quốc hoan nghênh vai trò của Saudi Arabia với tư cách là nước hậu thuẫn sự cân bằng và ổn định của thị trường dầu lửa thế giới, cũng như một nước xuất khẩu một lượng lớn dầu thô sang Trung Quốc”, hai bên nói trong một tuyên bố chung được thông tấn xã Saudi Press Agency đăng tải. Tuyên bố chung cũng khẳng định Saudi Arabia và Trung Quốc sẽ tiếp tục “ủng hộ mạnh mẽ các lợi ích cốt lõi của nhau”.
Chuyến thăm Riyadh của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế, còn Saudi Arabia đẩy mạnh quan hệ ngoại giao về hướng Đông giữa lúc có xung đột chính sách năng lượng với Mỹ.
Phía Mỹ đã cố gắng hàn gắn một vết rạn trong quan hệ với Riyadh bằng động thái vào hôm 6/12 vừa qua, khi toà án liên bang ở Washington DC bác bỏ một vụ kiện nhằm vào thái tử Mohammed của Saudi Arabia. Trong vụ kiện này, bên nguyên đơn cáo buộc ông Mohammed có liên quan đến cái chết của nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi. Quyết định của toà án được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng vị thái tử - người cũng giữ vai trò Thủ tướng Saudi Arabia - phải được hưởng quyền miễn trừ quốc gia.
Tuy nhiên, chính sách năng lượng của Mỹ và Saudi Arabia - hai đồng minh lâu năm - hiện vẫn trái chiều. Washington đã nhiều lần kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng khai thác dầu để giúp kéo lạm phát xuống. Trong khi đó, OPEC+ hồi tháng 10 quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu 2 triệu thùng/ngày và giữ nguyên quyết định này trong cuộc họp đầu tháng 12. Việc OPEC+ giảm thay vì tăng sản lượng đã dẫn tới một cuộc “khẩu chiến” giữa quan chức Mỹ và Saudi Arabia.