09:19 10/09/2007

“Sẽ đăng tải kết quả kiểm toán lên web”

Lê Hường

Nội dung cuộc trao đổi với ông Vương Đình Huệ, Tổng kiểm toán Nhà nước về kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước thời gian tới

"SCIC cũng sẽ là một đối tượng kiểm toán của chúng tôi."
"SCIC cũng sẽ là một đối tượng kiểm toán của chúng tôi."
Nội dung cuộc trao đổi với ông Vương Đình Huệ, Tổng kiểm toán Nhà nước về kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước thời gian tới.

Theo ông những “điểm sáng” của kiểm toán năm 2006 là gì?

Đó là công tác quản lý chi tiêu ngân sách ở hầu hết các đơn vị được kiểm toán có nhiều tiến bộ, tỷ trọng nội địa trong tổng số thu ngân sách Nhà nước tiếp tục tăng, thu ngân cân đối ngân sách Nhà nước vượt 22% dự toán và tăng 19% so với năm trước.

Tình hình thực hiện kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước có những chuyển biến tích cực. Các bộ ngành, địa phương đều đã tích cực triển khai các giải pháp tuyên truyền và thực hiện Chương trình hành động tiết kiệm, chống lãng phí.

Đâu là sai phạm “nổi cộm” nhất liên quan đến việc sử dụng ngân sách Nhà nước, nguyên nhân và cách khắc phục, thưa ông?

Chủ yếu là sử dụng ngân sách không đúng mục tiêu, vượt thẩm quyền, vượt định mức phê chuẩn và hiện tượng lãng phí. Nguyên nhân thì không hoàn toàn do chính sách chế độ như nhiều người từng nói. Theo tôi, chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng luật ngân sách, và trách nhiệm của người đứng đầu.

Kinh nghiệm cho thấy, chỗ nào lãnh đạo quyết liệt, quy chế kiểm soát nội bộ tốt, thì chi tiêu tốt. Thứ hai là nhận thức của nhiều cơ quan quản lý cũng rất đơn giản. Ví dụ như, nguồn vốn phân bổ cho chương trình 135 nhưng khi chi chưa hết thì có địa phương lại dùng cho việc khác.

Tất nhiên, việc chi đó là cần thiết nhưng lại ảnh hưởng đến mục tiêu chương trình của quốc gia. Những chuyện sai như thế chúng tôi cũng đề nghị địa phương hoàn trả lại vốn, bố trí vốn của việc khác để bù lại cho chương trình mục tiêu này.

Về biện pháp, chúng ta cần tăng cường cải cách tài chính công, tích cực phân cấp hơn nữa cho địa phương, tăng tự chủ cho người sử dụng ngân sách, kèm theo các giải pháp để đảm bảo tính tập trung và thống nhất của hệ thống ngân sách.

Có ý kiến cho rằng, báo cáo kiểm toán này vẫn còn chưa sâu sát với thực tế, Kiểm toán Nhà nước có bị áp lực gì khi làm kiểm toán không, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng, báo cáo này chi tiết hơn, đầy đủ hơn, và sắc sảo hơn. Chúng tôi không bị một áp lực nào, tất cả những gì luật pháp không cấm chúng tôi đều công bố cả. Tất cả tình hình về ngân hàng đều được công bố, kể cả Ngân hàng Nhà nước. Chúng tôi cũng có 16 kiến nghị rất chi tiết với Chính phủ và các bộ ngành.

Theo báo cáo kiểm toán, có hai hồ sơ được Kiểm toán Nhà nước chuyển sang Bộ Công an để xử lý, con số này có phải là quá ít so với các vụ việc vi phạm?

Không nên tự định lượng con số đấy là ít hay nhiều. Tại sao năm ngoái không có hồ sơ nào mà năm nay lại có hai hồ sơ, có thể có những năm có rất nhiều hồ sơ.

Nguyên tắc của chúng tôi là liên quan đến cơ quan nào thì chúng tôi đề nghị cơ quan ấy. Từ khi tiến hành kiểm toán chúng tôi đều có công văn gửi đến chủ tịch UBND tỉnh, kết quả kiểm toán cũng được chúng tôi gửi đến các cơ quan chức năng cùng với những kiến nghị xử lý các sai phạm.

Năm nay chúng tôi đã gửi ba hồ sơ sang Tổng cục Thuế để kiểm tra những vụ việc có dấu hiệu gian lận về thuế. Nếu qua điều tra, cơ quan thuế xét thấy có vấn đề liên quan đến hình sự thì họ lại đưa sang bên thanh tra điều tra. Nếu tất cả vụ việc mà chúng ta đều “hình sự hóa” lên thì doanh nghiệp còn làm ăn thế nào được.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đồng ý là về mặt này chúng tôi cần tăng cường thêm. Sắp tới, Thanh tra Chính phủ, kiểm toán Nhà nước, và các cơ quan chức năng sẽ ký thông tư liên tịch để cung cấp các thông tin, dữ liệu phòng chống tham nhũng lên trang web.

Kiểm toán Nhà nước có dự định sẽ kiểm toán Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) không?

Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất kiểm toán vốn và tài khoản nhà nước tại các doanh nghiệp. Có nghĩa là, ở đâu có tài khoản và vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp thì ở đó cần được kiểm toán. Đấy là hình thức kiểm toán chuyên đề nhằm đánh giá hiệu quả của đầu tư vốn nhà nước. Vì vậy, SCIC cũng sẽ là một đối tượng kiểm toán của chúng tôi.

Kiểm toán Nhà nước có nghĩ đến việc tăng cường các cuộc kiểm toán và rút ngắn độ trễ của các cuộc kiểm toán không?

Hàng năm theo quy mô và biên chế thì chúng tôi sẽ tính toán tăng. Năm 2005 mới làm được khoảng 25% ngân sách địa phương, đến năm vừa rồi chúng tôi đã làm được 48%. Ngoài việc công bố kết quả định kỳ theo năm như thế này, thì tới đây chúng tôi sẽ công bố kết quả kiểm toán với chu kỳ ngắn hơn.

Chúng tôi sẽ đăng tải kết quả kiểm toán của từng cuộc lên trang web của Kiểm toán Nhà nước hoặc các ấn phẩm báo chí khác. Trong năm nay chúng tôi cũng sẽ tổ chức một cuộc họp báo nữa, công bố kết quả đề án tin học hóa của Chính phủ (Đề án 112), chương trình mục tiêu quốc gia trong giáo dục, chương trình kiểm toán dự án 135 xóa đói giảm nghèo, và một số chương trình quan trọng khác.