16:58 27/02/2009

Số ngân hàng Mỹ có nguy cơ đổ vỡ tăng vọt

Kiều Oanh

Số ngân hàng Mỹ đối mặt với khả năng bị giải thể tính tới quý 4/2008 đã lên tới mức cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây

Một cuộc họp báo tổ chức tại trụ sở FDIC tại Washington (Mỹ), ngày 26/2. Bản danh sách “đen” những ngân hàng Mỹ có nguy cơ “sập tiệm” lần này của FDIC bao gồm 252 ngân hàng, tăng gần gấp rưỡi so với con số 171 ngân hàng trong bản danh sách công bố hồi cuối quý 3/2008 - Ảnh: AP.
Một cuộc họp báo tổ chức tại trụ sở FDIC tại Washington (Mỹ), ngày 26/2. Bản danh sách “đen” những ngân hàng Mỹ có nguy cơ “sập tiệm” lần này của FDIC bao gồm 252 ngân hàng, tăng gần gấp rưỡi so với con số 171 ngân hàng trong bản danh sách công bố hồi cuối quý 3/2008 - Ảnh: AP.
Ngày 26/2, Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) công bố một báo cáo đáng ngại về thực trạng của ngành ngân hàng nước này. Theo đó, số ngân hàng Mỹ đối mặt với khả năng bị giải thể tính tới quý 4 năm ngoái đã lên tới mức cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.

Bản danh sách “đen” những ngân hàng Mỹ có nguy cơ “sập tiệm” lần này của FDIC bao gồm 252 ngân hàng, tăng gần gấp rưỡi so với con số 171 ngân hàng trong bản danh sách công bố hồi cuối quý 3/2008.

Đây là con số ngân hàng Mỹ bên miệng vực đổ vỡ cao nhất kể từ năm 1995 trở lại đây, chiếm khoảng 3% trong tổng số khoảng 8.500 ngân hàng và tổ chức tiết kiệm mà FDIC đang đứng ra bảo hiểm.

“Đây đúng là một trong những thời kỳ khó khăn nhất mà chúng tôi phải đương đầu trong lịch sử hoạt động 75 năm của FDIC”, bà Chủ tịch FDIC Sheila Bair nhận xét.

Như thường lệ, danh tính của các ngân hàng bị liệt vào danh sách này không được công bố. Tuy nhiên, FDIC vẫn tiết lộ tổng giá trị tài sản của các ngân hàng này ở mức 159 tỷ USD, so với mức 116 tỷ USD của các ngân hàng trong danh sách quý 3.

Bình quân, 13% trong số các ngân hàng bị FDIC coi là “ngân hàng xấu” đi tới kết cục sụp đổ. Từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp leo thang và giá nhà lao dốc đẩy số vụ vỡ nợ ngân hàng tăng vọt, nước Mỹ đã chứng kiến sự đổ vỡ của 14 ngân hàng.

Cũng theo báo cáo của FDIC, quý 4/2008 là quý thua lỗ đầu tiên của ngành ngân hàng Mỹ từ năm 1990 trở lại đây. Trong quý, các ngân hàng của nước này đã lỗ 26,2 tỷ USD. Đây cũng là con số thua lỗ một quý lớn chưa từng có trong vòng 25 năm kể từ khi FDIC bắt đầu theo dõi kết quả kinh doanh hàng quý của các ngân hàng.

Khoản dự phòng thua lỗ của các ngân hàng Mỹ trong quý 4/2008 vì thế cũng tăng hơn gấp đôi lên mức 69,3 tỷ USD, từ mức 32,1 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

FDIC cho hay, hơn 2/3 số ngân hàng và tổ chức tiết kiệm được cơ quan này bảo hiểm làm ăn có lãi trong quý 4/2008, nhưng mức lãi này không bù lại nổi thua lỗ ở chưa đầy 1/3 số ngân hàng còn lại. Tính chung cả năm, ngành ngân hàng Mỹ lãi 16,1 tỷ USD, mức lợi nhuận khiêm tốn nhất từ năm 1990 tới nay.

Do phải giải quyết 25 vụ đổ vỡ ngân hàng trong năm 2008, quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC tính tới cuối tháng 12/2008 chỉ còn có 18,9 tỷ USD, so với mức 52,4 tỷ USD cách đó một năm. Để làm đầy quỹ, FDIC tuyên bố sẽ tăng phí bảo hiểm mà các ngân hàng và tổ chức tiết kiệm phải trả cho cơ quan này lên mức 0,135 USD/100 USD tiền gửi, từ mức 0,063 USD/100 USD tiền gửi hiện nay.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama vẫn đang có những bước tiến mới trong việc hỗ trợ ngành ngân hàng. Ngày 26/2, ông Obama đề xuất chi thêm 750 tỷ USD cho quỹ giải cứu ngân hàng. Bộ Tài chính nước này cũng đã bắt đầu một chương trình kiểm tra năng lực tài chính của 19 ngân hàng lớn nhất, trong đó có Bank of America, Citigroup và JPMorgan Chase, để xác định xem ngân nào cần bơm vốn.

(Theo AP, Reuters)