15:26 21/02/2009

Mỹ đóng cửa ngân hàng thứ 14 trong năm 2009

Mai Phương

Các nhà chức trách Mỹ vừa tiến hành các thủ tục đóng cửa một ngân hàng nữa ở bang Oregon

Các nhà chức trách Mỹ vừa tiến hành các thủ tục đóng cửa một ngân hàng nữa ở bang Oregon, nâng số ngân hàng bị giải thể ở nước này từ đầu năm tới nay lên con số 14.

Ngân hàng “sập tiệm” này có tên Silver Falls Bank, có tài sản 131,4 triệu USD và lượng tiền gửi của khách hàng là 116,3 triệu USD; được thành lập vào năm 2000 và là ngân hàng thứ hai của bang Oregon bị giải thể từ đầu năm tới nay.

Theo sắp xếp của Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), Ngân hàng Citizens Bank of Corvallis ở cùng bang sẽ tiếp nhận toàn bộ tiền gửi của Silver Falls. Ngoài ra, ngân hàng này cũng sẽ tiếp quản toàn bộ 3 chi nhánh và mua lại 13 triệu USD tài sản của ngân hàng đổ vỡ. Số tài sản còn lại sẽ do FDIC quản lý và tìm khách mua sau.

FDIC cho hay, vụ đóng cửa này có thể khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi hao hụt thêm 50 triệu USD. Hiện mức trần bảo hiểm tiền gửi mà FDIC áp dụng là 250.000 USD mỗi tài khoản.

Làn sóng đổ vỡ hiện nay của các ngân hàng Mỹ bắt đầu từ năm 2008 và đang ngày càng tăng tốc trong bối cảnh suy thoái kinh tế diễn biến xấu đi. Cùng với quá trình "dò đáy" của giá nhà và sự leo thang của tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ vỡ nợ ngân hàng tại Mỹ đang không ngừng gia tăng.

Không chỉ nhiều ngân hàng nhỏ đổ vỡ, hai ngân hàng hàng đầu của Mỹ như Citigroup và Bank of American đang chứng kiến giá cổ phiếu của mình tụt dốc không phanh trong tuần qua do những tin đồn cho rằng có thể Chính phủ Mỹ sẽ phải quốc hữu hóa hai ngân hàng này.

Quỹ bảo hiểm của FDIC hiện chỉ còn 35 tỷ USD, thấp nhất trong vòng 5 năm qua. FDIC ước tính, từ đầu cuộc khủng hoảng này tới hết năm 2013, cơ quan này sẽ phải chi 40 tỷ USD để dọn dẹp đống đổ nát của các ngân hàng đổ vỡ. Để phục hồi quỹ, FDIC đã tiến hành tăng phí bảo hiểm mà các ngân hàng và tổ chức tiết kiệm phải trả.

(Theo AP)