16:24 27/10/2022

Số phận căn biệt thự ở Hà Nội trong vụ án Trịnh Xuân Thanh

Đỗ Mến

TAND TP Hà Nội vừa đưa ra xét xử về phần dân sự liên quan đến căn biệt thự tại Khu đô thị Vinhomes Riverside trong vụ án Trịnh Xuân Thanh...

Ông Trịnh Xuân Thanh tại TAND TP Hà Nội năm 2018.
Ông Trịnh Xuân Thanh tại TAND TP Hà Nội năm 2018.

Vụ án sai phạm tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã được tòa án đưa ra xét xử vào năm 2018. Trong đó, ông Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC) bị tuyên hình phạt tù chung thân về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản.

Với hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, ông Thanh đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận – cựu Tổng giám đốc PVC ký hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng. Ông Thanh quyết định sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng để sử dụng vào mục đích khác, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng.

Ngoài ra, bằng thủ đoạn lập khống hồ sơ, chứng từ thi công 4 hạng mục của Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch, ông Thanh và các đồng phạm còn có hành vi tham ô hơn 13 tỷ đồng do PVC có trách nhiệm quản lý. Với hành vi này, ông Thanh chiếm đoạt 4 tỷ đồng.

Bên cạnh trách nhiệm hình sự, toà sơ thẩm quyết định buộc Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường hơn 34 tỷ đồng. Do đó, toà tuyên: "Tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để đảm bảo cho việc thi hành án: Biệt thự AD02-16, Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside...".

Sau bản án sơ thẩm, ông Thanh kháng cáo kêu oan, anh Trịnh Hùng Cường - con trai bị cáo, cũng kháng cáo về phần xử lý tài sản đã kê biên. Lý do kháng cáo của anh Cường: căn biệt thự trên là của anh, không liên quan đến vụ án.

Tuy nhiên, sau đó hai bố con ông Thanh rút đơn kháng cáo. TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đình chỉ xét xử phúc thẩm. Bản án hình sự sơ thẩm đã tuyên về phần xử lý tài sản kê biên của Trịnh Xuân Thanh (đứng tên anh Trịnh Hùng Cường) có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Đến ngày 15/6/2020, Chánh án TAND Tối cao kháng nghị đối với hai bản án trên, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng: Huỷ hai bản án trên về phần "Tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để đảm bảo cho việc thi hành án: Biệt thự AD02-16, Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside...".

Ngày 3/3/2021, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao.

Đến ngày 21/10, TAND Hà Nội xét xử lại và xác định, anh Trịnh Hùng Cường đã vay hơn 8,3 tỷ đồng của ngân hàng Techcombank để mua căn biệt thự (tương đương 70% giá trị).

Phần lớn số tiền để mua căn biệt thự là vay của ngân hàng, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng lại kê biên để đảm bảo thi hành án của ông Trịnh Xuân Thanh, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng.

Trong vụ án này, ngân hàng là bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Việc không đưa ngân hàng tham gia tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng.

Tòa án xác định, anh Cường là người đứng tên trong hợp đồng mua bán căn biệt thự trên, nguồn hình thành tài sản này trong đó có hơn 8,3 tỷ đồng là tiền vay của ngân hàng.

Do đó, toà ghi nhận tại phiên xử, giữa anh Cường và ngân hàng thoả thuận: Anh Cường đồng ý thanh toán cho ngân hàng số tiền hơn 13 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi và các khoản phát sinh theo lãi suất quá hạn.

Trường hợp anh Cường không thanh toán được khoản nợ và lãi phát sinh, ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền tiến hành phát mại tài sản kê biên bảo đảm cho khoản nợ.

Ngoài ra, tòa án còn quyết định tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản đối với căn biệt thự trên để đảm bảo cho việc thi hành án của ông Thanh. Trong đó phần của ông Thanh là gần 3,6 tỷ đồng, phần của ngân hàng hơn 13 tỷ đồng và lãi phát sinh kể từ ngày 22/10/2022.