17:25 24/04/2025

Vụ dự án điện mặt trời: Viện kiểm sát đề nghị Tòa án buộc 3 doanh nghiệp phải bồi thường cho EVN 1.252 tỷ đồng

Đỗ Mến

Hiện Nhà máy điện Lộc Ninh 3 vẫn đang bán điện cho EVN và EVN vẫn tạm giữ tiền điện, chưa thanh toán cho Công ty hơn 693 tỷ đồng. Luật sư đề nghị tòa án cho phép hai bên đối trừ để hậu quả vụ án được giải quyết nhanh chóng, dứt điểm...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

TAND TP Hà Nội đang xét xử với 12 bị cáo trong sai phạm liên quan đến dự án điện mặt trời. Trước đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị xử phạt ông Hoàng Quốc Vượng (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) và Hoàng Kim (cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo) mức án từ 6-7 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cùng tội danh, các bị cáo khác bị đề nghị mức án 4-6 năm tù. Nhóm bị cáo ở tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bị đề nghị mức án 3 năm tù cho hưởng án treo.

LÊN PHƯƠNG ÁN ĐỀN BÙ CHO EVN

Trong vụ án này Viện kiểm sát xác định có 3 sai phạm.

Sai phạm thứ nhất là hành vi của ông Vượng và Kim lợi dụng chức vụ khi xây dựng Dự thảo Quyết định 13 của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, mở rộng diện đối tượng được hưởng ưu đãi dẫn đến thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng cho EVN.

Hai dự án không đủ điều kiện được hưởng chính sách giá điện ưu đãi gồm Dự án Nhà máy Điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải do Công ty cổ phần đầu tư năng lượng tái tạo Licogi 16 Ninh Thuận làm chủ đầu tư, công suất thiết kế 35 MW và Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam do Công ty Trung Nam Thuận Nam làm chủ đầu tư, công suất thiết kế 450 MW.

Từ tháng 7/2020 đến tháng 1/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN đã mua điện và thanh toán cho dự án Nhà máy điện Solar Farm Nhơn Hải hơn 99,5 tỷ đồng và Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam hơn 944 tỷ đồng.

Sai phạm thứ hai là việc thẩm định, duyệt, ký cấp văn bản công nhận ngày vận hành thương mại cho Nhà máy điện Lộc Ninh 3 (do Công ty cổ phần Năng lượng Lộc Ninh 3 là chủ đầu tư) trái quy định khiến EVN thiệt hại 209 tỷ đồng.

Sai phạm thứ ba liên quan đến nhóm cán bộ hoàn thuế cho Công ty Lộc Ninh 3 trái quy định dẫn đến Nhà nước thiệt hại hơn 145 tỷ đồng. Đến nay, Công ty Lộc Ninh 3 đã nộp lại đầy đủ số tiền trên vào ngân sách Nhà nước.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa án buộc 3 doanh nghiệp trên phải hoàn trả 1.252 tỷ đồng cho EVN.

Liên quan vấn đề thiệt hại, luật sư Phan Thị Lam Hồng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Lộc Ninh 3 cho biết công ty đồng ý với xác định thiệt hại hơn 209 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện Nhà máy điện Lộc Ninh 3 vẫn đang bán điện cho EVN và EVN vẫn tạm giữ tiền điện, chưa thanh toán cho Công ty hơn 693 tỷ đồng.

Luật sư đề nghị tòa án cho phép hai bên đối trừ để hậu quả vụ án được giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, tạo cơ hội cho các bị cáo được giảm nhẹ hơn nữa khi hậu quả vụ án đã được khắc phục hết.

Ngoài ra, phía Công ty Lộc Ninh 3 cũng đề nghị EVN ký lại phụ lục hợp đồng với mức giá điện chuyển tiếp để hai bên có căn cứ giao dịch, thanh toán.

Về các ý kiến này, luật sư bảo vệ cho EVN cho biết nếu tòa án đồng ý cho khấu trừ thì EVN cũng đồng ý. Về phụ lục hợp đồng, khi có bản án có hiệu lực pháp luật, EVN sẽ căn cứ vào bản án để ký lại các văn bản, thỏa thuận từ đó thực hiện việc thanh toán.

ĐỀ NGHỊ XEM XÉT CÁC BỊ CÁO KHÔNG CÓ ĐỘNG CƠ, VỤ LỢI

Luật sư Ngô Lệ Quỳnh bào chữa cho bị cáo Phạm Quang Vinh (cựu Phó phòng nghiệp vụ-dự toán-pháp chế, Cục thuế tỉnh Bình Phước) bị cáo buộc có hành vi thẩm định hồ sơ hoàn thuế của Công ty Lộc Ninh 3, thống nhất Công ty có đầy đủ hồ sơ và đáp ứng các điều kiện để xét hoàn thuế.

Theo luật sư Quỳnh, thời điểm các bị cáo thẩm định hồ sơ hoàn thuế của Công ty Lộc Ninh 3 không có quy định nào bắt buộc hồ sơ hoàn thuế phải có quy định giao đất. Do đó, nhiều cán bộ ngành thuế nhận thức rằng họ không có nhiệm vụ phải kiểm tra pháp lý đất đai.

Bị cáo Vinh ký thẩm định là do nhận thức pháp luật không đầy đủ, bị cáo chỉ biết công ty có đủ điều kiện đăng ký theo ngành nghề, đủ điều kiện để thẩm định pháp chế. Bị cáo cũng không nhận được lợi ích, không có động cơ. Đến nay, bị cáo đã nhận thức sai phạm, thiệt hại đã được khắc phục.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Duy Khánh (cựu Cục phó Cục thuế tỉnh Bình Phước) đề nghị tòa án miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo với lý do hành vi phạm tội của bị cáo không nguy hiểm, không thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Tranh luận tại tòa, luật sư Hoàng Văn Hướng, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hữu Khải (cựu Trưởng phòng Kinh doanh mua điện, Công ty Mua bán điện), cho rằng giai đoạn những năm 2020, an ninh nguồn điện đặt trong tình trạng báo động, thực tế chúng ta phải trải qua thời điểm cả nước thiếu điện, bị cắt điện luân phiên.

Trước bối cảnh đó, Đảng, và Nhà nước, các bộ ngành triển khai đẩy mạnh việc thực hiện lĩnh vực mua bán điện từ các nhà sản xuất điện là các nhà đầu tư tư nhân. Đây là thách thức lớn với ngành điện nói chung và các cá nhân nói riêng.

Vì là lĩnh vực mới, từ các các nguồn năng lượng mới là điện gió và điện mặt trời dẫn đến các văn bản áp dụng thực tế của cơ quan ban hành chưa được hoàn thiện, ví dụ quy trình 1010 về việc thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại cho nhà máy điện gió, điện mặt trời. Ngoài ra, bị cáo chịu áp lực đẩy nhanh tiến độ của nhà máy điện gió, điện mặt trời để sớm đi vào khai thác.

 

Dự án Nhà máy điện Lộc Ninh 3 có công suất 150 MWp ban đầu được phê duyệt địa điểm xây dựng tại xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Do không đạt được thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng nên công ty xin chuyển sang vị trí mới ở xã Lộc Tấn.

Ngày 31/12/2020, UBND tỉnh Bình Phước mới có quyết định chủ trương đầu tư (điều chỉnh lần 2) về việc thay đổi địa điểm xây dựng Nhà máy. Tuy nhiên, ngày 15/12/2018 nhà máy đã hoàn thành xây dựng.

Từ đây, Viện kiểm sát xác định nhóm cán bộ có sai phạm trong việc cấp giấy phép công nhận ngày vận hành thương mại và hoàn thuế.