14:00 29/09/2018

S&P 500 chốt quý tăng mạnh nhất kể từ 2013

Bình Minh

Dù giảm nhẹ trong tuần này, S&P 500 đã tăng 7,2% trong quý 3, đánh dấu quý tăng mạnh nhất kể từ quý 4/2013

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ gần như đi ngang khi kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi sự đi lên của cổ phiếu Intel, các công ty bất động sản và dịch vụ tiện ích chỉ vừa đủ để bù lại cú sụt khá mạnh của cổ phiếu Facebook.

Theo tin từ Reuters, cổ phiếu mạng xã hội lớn nhất thế giới sụt giảm sau khi công ty công bố một vụ tấn công dữ liệu quy mô lớn.

Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 giảm 0,5%. Tuy nhiên, trong quý 3 này, chỉ số đã tăng 7,2%, đánh dấu quý tăng mạnh nhất kể từ quý 4/2013.

Cổ phiếu Facebook sụt 2,59% trong phiên giao dịch cuối cùng của quý 3, sau khi công ty cho biết đã phát hiện một vụ tấn công mạng ảnh hưởng đến 50 triệu tài khoản người dùng. Với mức giảm này, cổ phiếu Facebook gây sức ép giảm mạnh hơn bất kỳ cổ phiếu nào khác lên S&P 500.

Cổ phiếu Intel nhảy 3,08%, tạo cú huých đi lên mạnh mẽ nhất cho cả ba chỉ số chính, sau khi nhà sản xuất con chip tuyên bố lạc quan về việc sẽ đạt mục tiêu doanh thu cả năm.

Cổ phiếu hãng con chip Advanced Micro Devices (AMD) sụt 5,22%, trong khi cổ phiếu đối thủ Nvidia tăng 5,09% nhờ những đánh giá lạc quan từ Evercore ISI. Do biến động trái chiều của giá cổ phiếu các hãng chip, nhóm cổ phiếu con chip nói chung chỉ tăng 0,65%. Nhóm công nghệ tăng 0,43%.

Tâm lý của nhà đầu tư ở Phố Wall phiên này cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi tình hình Italy. Chính phủ mới của Italy cách đây ít hôm đề xuất kế hoạch ngân sách 2019 với mức thâm hụt cao gấp 3 lần so với mục tiêu của chính quyền tiền nhiệm. Động thái này đã khiến thị trường chứng khoán châu Âu bị bán tháo và giới đầu tư mua mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ, khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống.

"Vấn đề Italy khiến mọi người suy nghĩ nên đặt tiền vào đâu", ông Thomas Martin, nhà quản lý danh mục cấp cao thuộc Globalt Investments, nhận xét. "Thị trường Mỹ sẽ là một nơi tốt để rót vốn, trong khi phần còn lại của thế giới không tốt lắm".

Hai nhóm cổ phiếu dịch vụ tiện ích và bất động sản thuộc S&P 500 cùng tăng hơn 1% mỗi nhóm phiên này, mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành của chỉ số. Đây là hai nhóm cổ phiếu thường hưởng lợi từ lãi suất thấp vì trả cổ tức thường xuyên. Bởi vậy, hai nhóm này dễ dàng tăng khi lợi suất trái phiếu giảm.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,07%, đạt 26.458,31 điểm. S&P 500 giảm 0,02 điểm, gần như giữ nguyên ở mức 2.913,98 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,05%, đạt 8.046,35 điểm.

Thị trường còn được hỗ trợ bởi số liệu do Bộ Thương mại Mỹ cho thấy tiêu dùng tăng vững trong tháng 8 và lạm phát giữ ở mức 2% mà Cục Dự trữ Liên bang (FED) đề ra.

"Chủ đề của ngày hôm nay là sự tiếp diễn của các con số kinh tế vững vàng, yếu tố giúp nhà đầu tư cảm thấy thoải mái khi chuẩn bị bước vào một quý mới", bà Kate Warne, chiến lược gia đầu tư thuộc Edward Jones, nhận xét.

Với sự khép lại của quý 3, nhà đầu tư sẽ bắt đầu chuyển trọng tâm sang mùa báo cáo kết quả kinh doanh dự kiến bắt đầu sau vài tuần nữa. Với sự hỗ trợ của kinh tế tăng trưởng tốt, chương trình cắt giảm thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump và các kế hoạch mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết, các công ty thuộc S&P 500 được dự báo sẽ đưa ra mức lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (P/E) tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cổ phiếu Tesla sụt 13,9%, đánh dấu ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2013, sau khi cơ quan chức năng kiện Giám đốc điều hành (CEO) của hãng xe chạy điện này, cáo buộc ông tội gian lận và đề nghị cách chức ông. Giới phân tích cho rằng vụ kiện này sẽ khiến Tesla càng khó huy động vốn trong bối cảnh thua lỗ triền miên.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,25 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,17 lần.

Giới giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng tổng cộng 7 tỷ cổ phiếu phiên này, so với mức trung bình 6,8 tỷ ổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.