11:28 08/10/2013

Tái cơ cấu kinh tế: Chính phủ lạc quan, chuyên gia thấy gian nan

Lê Châu

“Những chỉ báo ổn định kinh tế vĩ mô đều thiếu vững chắc, nhất là nguy cơ tái lạm phát cao trong các năm sau”

Các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều quyết
 tâm, kịp thời triển khai các giải pháp tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi 
mô hình tăng trưởng.
Các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều quyết tâm, kịp thời triển khai các giải pháp tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bắt đầu từ 10/10 tới, sẽ thảo luận về Báo cáo kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, sau đó, báo cáo này được trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9, Chính phủ cũng nghe, thảo luận về Báo cáo tình hình triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, đây là một quá trình lâu dài, phức tạp; các chính sách vừa phải xử lý các vấn đề cấp bách trước mắt, vừa chú ý đến các vấn đề cơ bản, lâu dài...

Đã nhìn thấy rõ những kết quả

Những kết quả bước đầu đạt được về tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, được liệt kê ra là: Khôi phục được ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống 6,81% năm 2012 và khoảng 7% năm 2013; các yếu tố nền tảng của kinh tế vĩ mô đã dần được tăng cường và củng cố, từng bước khôi phục niềm tin của người dân và nhà đầu tư.

Đạt được sự đồng thuận về sự cần thiết của tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Việc cắt giảm số vốn và số dự án đầu tư công, cung tiền và tín dụng được kiểm soát một cách thận trọng, hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao chất lượng tín dụng, từng bước và dứt khoát xóa bỏ bao cấp về giá cả đối với than, điện, xăng dầu, các dịch vụ giáo dục, y tế... đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc chấm dứt cách thức tăng trưởng kiểu cũ, thúc đẩy hình thành mô hình tăng trưởng mới phù hợp hơn.

Các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều quyết tâm, kịp thời triển khai các giải pháp tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Việc tái cơ cấu ba lĩnh vực trọng tâm cũng đã đạt được kết quả bước đầu. Một bộ phận vốn đầu tư và tín dụng đã được phân bố lại và sử dụng có hiệu quả hơn. Một số luật liên quan đã được bổ sung, sửa đổi tương đối phù hợp theo hướng tạo đòn bẩy khuyến khích hợp lý thúc đẩy nhà đầu tư và doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư mới và mở rộng cơ hội kinh doanh hiện có...

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP đã tăng từ 79,45% năm 2010 lên 80,33% năm 2012 và dự kiến năm 2013 là 81,7%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn 47,4% năm 2012, dự kiến năm 2013 là 46%...

Tuy vậy, bên cạnh kết quả nói trên, Chính phủ cũng nhìn nhận, tiến độ tái cơ cấu nói chung và ba lĩnh vực trọng tâm nói riêng còn chậm; các giải pháp thực hiện vẫn trong khuôn khổ hệ thống thể chế hiện hành, chưa có những thay đổi đột phá tạo lập môi trường vi mô năng động thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả; các chương trình, đề án tái cơ cấu địa phương nhìn chung chưa chú ý tận dụng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương...

Không nhiều lạc quan


Với những kết quả bước đầu đã đạt được trong tái cơ cấu nền kinh tế, dưới con mắt chuyên gia, không nhiều và lạc quan được như vậy, thậm chí, chưa thấy rõ mặt tích cực, thì đã thấy lộ rõ hơn mặt tiêu cực.

Chẳng hạn, như triển khai tái cơ cấu đầu tư công, vốn đang là niềm tự hào của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, đánh giá, tái cơ cấu đầu tư công qua việc giảm dần tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội là cần thiết song giảm mạnh và đột ngột khoản đầu tư này chưa hẳn đã tốt vì hiện chưa có nguồn lực thay thế ngay khoản đầu tư này và vấn đề của Việt Nam hiện nay là cải thiện chất lượng và hiệu quả đầu tư nói chung trong đó có đầu tư của ngân sách nhà nước chứ không phải chỉ là giảm về số lượng.

Chi cho đầu tư phát triển, đặc biệt là các công trình công cộng là rất cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội, việc duy trì tỷ lệ chi đầu tư phát triển quá thấp sẽ không có lợi cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Ở kết quả khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô, TS. Trần Du Lịch, ủy viên ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng tốc độ tăng CPI cả năm ước khoảng 7%, tương đương mức tăng của năm 2012, thấp hơn chỉ tiêu do Quốc hội đề ra (8%). Tuy nhiên nếu không phối hợp tốt giữa 3 nhóm chính sách: tiền tệ; công chi và điều chỉnh giá những hàng hoá dịch vụ công thì khó kiềm chế được CPI theo mục tiêu.

“Những chỉ báo ổn định kinh tế vĩ mô đều thiếu vững chắc, nhất là nguy cơ tái lạm phát cao trong các năm sau, nếu thiếu những biện pháp đủ mạnh để tạo sự chuyển biến của tình hình. Bên cạnh đó, năm 2013 lại xuất hiện một vấn đề mới có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô là sự thâm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch (riêng trên địa bàn Tp.HCM năm 2013 ước thu ngân sách hụt gần 20 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch", ông Lịch nói.

Hay trong việc tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có đưa ra kết quả điều tra của VCCI đối với 700 doanh nghiệp vào giữa năm 2013 cho thấy việc triển khai thực hiện đề án tái cấu trức doanh nghiệp nhà nước chưa mang lại hiệu quả cao.

Có 23,5% số doanh nghiệp đánh giá đề án có hiệu quả thấp và rất thấp, 53% doanh nghiệp đánh giá đề án có hiệu quả trung bình. Cũng theo bà Hằng, đề án mới chỉ tập trung giải quyết vấn đề cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khỏi các ngành nghề không phải là ngành nghề kinh doanh chính, phân công lại trách nhiệm thực hiện vai trò chủ sở hữu nhà nước theo hướng lập lại mô hình Bộ chủ quản.

Đề án chưa trả lời được các câu hỏi như liệu chiến lược kinh doanh của các tập đoàn tổng công ty đã khai thác được lợi thế cạnh tranh và phù hợp với chiến lược phát triển ngành theo cơ cấu kinh tế mong muốn của Chính phủ?

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)