09:34 15/10/2023

Tái cơ cấu ngành công nghiệp: TP.HCM cần chính sách đột phá và nhân sự chất lượng cao

Mộc Minh

Nguy cơ bị soán ngôi dẫn đầu của TP.HCM về tỷ trọng ngành công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khi tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất và giá trị gia tăng của một số ngành công nghiệp trọng yếu thấp hơn của toàn ngành công nghiệp…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế TP.HCM khi chiếm đến 23,68% về doanh thu, và 37,84% về lợi nhuận.

NGUY CƠ SOÁN NGÔI CÔNG NGHIỆP

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HDS), những năm gần đây, ngành công nghiệp thành phố có những tín hiệu phát triển chậm lại, năng lực cạnh tranh giảm, do đó cần thiết phải thực hiện tái cơ cấu trong tổng thể tái cơ cấu ngành công nghiệp quốc gia.

Tỷ trọng đóng góp vào GRDP của ngành công nghiệp ngày càng giảm dần, từ mức 22% (năm 2010) chỉ còn 18,1% (năm 2022).

TP.HCM có nguy cơ bị soán ngôi dẫn đầu về tỷ trọng ngành công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khi tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất và giá trị gia tăng của một số ngành công nghiệp trọng yếu thấp hơn của toàn ngành công nghiệp.

Ngoài ra, diện tích đất công nghiệp hạn chế; nhiều văn bản luật còn chồng chéo cũng làm chậm quá trình công nghiệp hóa của thành phố.

Mục tiêu của TP.HCM đến năm 2030 là trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại. Sản phẩm công nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp; phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chuyển dần sang tự túc sản xuất được nguyên liệu, tự thiết kế, sản xuất.

Tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM trở thành thành phố có nền công nghiệp phát triển hiện đại ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á.

Trước thực trạng trên, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) và Sở Công thương TP.HCM phối hợp tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tái cơ cấu ngành công nghiệp thành phố theo hướng phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” vào sáng 11/10/2023. Điều này cũng phù hợp với mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, trong bối cảnh phải lấy nội lực để giảm thiểu các tác động và thách thức từ bên ngoài.

Để thực hiện, mục tiêu cụ thể giai đoạn năm 2024-2025, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt khoảng 18-20%, trong đó, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 90%, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 15%.

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 7-9%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân từ 7-9%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 6,5-7%/năm. Đồng thời, chuyển đổi thành công thí điểm 5 khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX) gồm Tân Thuận, Tân Bình, Bình Chiểu, Cát Lái và Hiệp Phước.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt khoảng 18-20%, trong đó, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 92%, tỷ trọng giá trị công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 25%.

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp được duy trì ở mức 8-9%/năm, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân từ 8-9%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7-7,5%/năm.

Đặc biệt, chuyển đổi thành công 12 KCN-KCX còn lại, hình thành 4-5 khu công nghiệp mới theo mô hình chuyên ngành công nghệ cao, trong đó hình thành mới một khu công nghệ cao.

PHẢI CÓ NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

Ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện Trưởng HIDS, cho biết mục tiêu chính của đề án là nhận diện đúng thực trạng ngành công nghiệp, mạnh dạn đột phá trong tư duy thay đổi chính sách phát triển công nghiệp TP.HCM trong bối cảnh mới. Đồng thời, tái cơ cấu ngành công nghiệp, tích hợp ngành phục vụ quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050.

“Đề án cũng gặp một số khó khăn, do việc quy hoạch hiện nay không theo ngành mà là quy hoạch tích hợp, các chính sách công nghiệp liên quan tác động nhiều vấn đề khác nhau. Trong đó có liên quan đến bối cảnh quốc tế sự chuyển dịch về chuỗi cung ứng, xu thế về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế chia sẻ… những vấn đề ảnh hưởng đến doanh nghiệp”, ông Vũ nêu.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Theo TS Trần Du Lịch, ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, đề án này được giao làm khẩn trương để làm cơ sở cho quy hoạch chung đang triển khai. Ở giai đoạn còn lại cố gắng đi sâu và tập trung vào các giải pháp nhận diện rõ hơn vào nguyên nhân ngành công nghiệp đang tồn tại và đề ra giải pháp. Chẳng hạn, cần đánh giá những chính sách hỗ trợ vì tất cả công nghiệp hỗ trợ là để phục vụ nhưng tác động chưa đáng kể, hoặc điểm mới là tăng trưởng “xanh” thì để làm “xanh” thì cần chính sách gì? Chuyển đổi khu công nghiệp, khu chế xuất thì cần làm gì?

“Nên đánh giá từ các chính sách Trung ương, TP.HCM có cái gì để hỗ trợ trên tất cả các mặt. Đề án này để triển khai chứ không phải để định hướng, do đó cần phân tích, làm rõ các chi tiết, chứ không nên nói chung chung”, ông Lịch nhấn mạnh.

Ông Lịch cũng lưu ý, giai đoạn còn lại cố gắng đi sâu các nhóm giải pháp ngành công nghiệp còn tồn tại, chi tiết các nhóm ngành cấp 2, để đề án khi hoàn thành không chỉ phục vụ quy hoạch, mà làm sẵn khi có quy hoạch thì triển khai ngay.

Còn theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, cần phải rà soát lại các chỉ tiêu tương thích, tương đồng với các chỉ tiêu quốc gia. Các mục tiêu cụ thể phải bám sát hệ thống các chỉ tiêu của quốc gia và về nguyên tắc, TP.HCM phải cao hơn so với cả nước.

Đồng thời, giai đoạn tới TP.HCM phải theo đúng tinh thần Nghị quyết 31, Nghị quyết 24 thì thành phố phải xây dựng, cạnh tranh trên cơ sở yếu tố đầu vào tiên tiến là nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo. Để hệ thống hơn, phải bám sát 3 định hướng chiến lược: hạ tầng, nhân lực, thể chế.

“Khi nói về đổi mới sáng tạo thì gắn với đó là chất lượng nhân lực. Mọi thứ do con người quyết định. Hiện TP.HCM vẫn là nơi thu hút nhân tài, làm sao sắp tới không chỉ người giỏi trong nước mà cả trên thế giới phải muốn đến thành phố. Như vậy phải gắn với chính sách ưu đãi với từng ngành cụ thể”, ông Thi nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho rằng đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp đã làm rất nhiều, nhiệm kỳ nào cũng có chiến lược phát triển ngành công nghiệp, trong đó đều có tái cơ cấu, nhưng rất chậm, nhiều năm qua chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét.

“Câu hỏi đặt ra: Ai đang làm cho ngành công nghiệp chuyển dịch? Hiện chúng ta chưa đả động đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), toàn bộ chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trước nay toàn FDI làm. Ngoài ra, cần giải quyết bài toán về vốn, cần có cơ chế hỗ trợ, khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp”, ông Hòa nói.