08:22 06/10/2023

Nhiều cụm công nghiệp tại Thanh Hóa mới chỉ phát huy hiệu quả… trên giấy

Song Khánh

Tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp tại Thanh Hóa đang chậm, hạ tầng một số cụm công nghiệp còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có sẵn diện tích lớn và mặt bằng sạch để kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư...

Cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa
Cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 115 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích 5.267,25 ha. Trong 9 tháng năm 2023, đã thu hút thêm dự án đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Liên Hoa, huyện Hậu Lộc, với diện tích 38,43 ha, tổng vốn đầu tư 280 tỷ đồng (Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển Lam Kinh).

NHIỀU CỤM CÔNG NGHIỆP THIẾU ĐỒNG BỘ

Trong số 115 cụm công nghiệp, hiện mới có 2 cụm công nghiệp đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng, đủ điều kiện thu hút dự án đầu tư thứ cấp, gồm: Cụm công nghiệp Thái Thắng (huyện Hoằng Hóa) diện tích 30,7ha, đã thu hút được 2 dự án thứ cấp (1 dự án với diện tích thuê đất 7,4ha, đã hoàn thành thuê đất, xây dựng xong hàng rào, nhưng đang tạm ngừng thực hiện; 1 dự án với diện tích thuê đất 8,1ha, mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đang triển khai các thủ tục để xây dựng). Vì vậy, tuy đã hoàn thiện hạ tầng nhưng hiệu quả của dự án chưa thể phát huy trong thực tế.

Bên cạnh đó cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà (huyện Thiệu Hóa) diện tích 17,64 ha, đã được 01 nhà đầu tư thứ cấp (thuộc tập đoàn HuaLi) ký hợp đồng thuê lại 100% diện tích đất công nghiệp 12,16 ha, hiện nhà đầu tư thứ cấp đã khởi công xây dựng để sớm đưa dự án vào hoạt động.

Có 3 cụm công nghiệp đã hoàn thành đầu tư hạ tầng giai đoạn 1, gồm: Cụm công nghiệp Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc) đã hoàn thành hạ tầng với diện tích 14,43ha, thu hút được 2 dự án thứ cấp với diện tích thuê đất 4,3 ha, hiện cụm công nghiệp Hòa Lộc đang thực hiện giải phóng mặt bằng  giai đoạn 2.

Cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa hoàn thành hạ tầng với diện tích 26,8 ha và đã thu hút được 7 dự án thứ cấp, lấp đầy 100% diện tích giai đoạn 1, hiện đang tiếp tục giải phóng mặt bằng để thực hiện giai đoạn 2.

Cụm công nghiệpthị trấn Quán Lào (huyện Yên Định) đã hoàn thành đầu tư hạ tầng với diện tích 10,2 ha, đã thu hút được 01 nhà đầu tư thứ cấp thuê đất sản xuất, đối với diện tích giai đoạn 2 hiện đã xác định giá đất để tính thuế làm cơ sở cấp giấy chứng nhận sử dụng đất và triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng.

Có 9 cụm công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án hoặc theo giai đoạn, được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất, đang xin cấp quyền sử dụng đất hoặc đang đầu tư xây dựng hạ tầng. Hiện các dự án chậm tiến độ do việc xác định giá đất để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận sử dụng đất mất nhiều thời gian, có dự án gặp khó khăn trong thi công trên thực địa.

Có 10 cụm công nghiệp đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đang tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng.

Có 2 cụm công nghiệp đã hoàn thành thủ tục đầu tư, tuy nhiên chủ đầu tư không triển khai các thủ tục để tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng, các cơ quan chức năng đang đề nghị thu hồi quyết định thành lập, gồm: cụm công nghiệp Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy; cụm công nghiệp Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc. Còn lại 19 cụm công nghiệp đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa thực hiện giải phóng mặt bằng.

Nhìn chung, tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm, hạ tầng một số cụm công nghiệp còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có sẵn diện tích lớn và mặt bằng sạch để kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư.

Nguyên nhân chủ yếu do việc thực hiện các thủ tục về quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng chậm, nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài; việc tính giá đất cụ thể cho các dự án chậm, gây khó khăn trong công tác thu hút dự án thứ cấp; chỉ tiêu chuyển đổi đất lúa được phân bổ còn hạn chế; năng lực của một số chủ đầu tư còn yếu, chưa tích cực triển khai dự án...

NGUY CƠ BỘI THỰC CỤM CÔNG NGHIỆP 

Theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025, Thanh Hóa đang gặp khó khi quy hoạch đất khu công nghiệp không đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Cụ thể, chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa được phân bổ chưa đảm bảo nhu cầu tối thiểu phục vụ các dự án trọng điểm, dự án đầu tư phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; dự án có tính chất đột phá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận địa điểm đầu tư nên rất khó khăn trong việc cân đối, giao chỉ tiêu sử dụng đất, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Do vậy, nếu theo quy mô, diện tích các công trình, dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và thực tế tiến độ triển khai các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án hạ tầng giao thông thì đến hết năm 2024, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện hết chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa được Thủ tướng Chính phủ phân bổ (4.875 ha); chưa kể chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa hiện nay đang thiếu cục bộ tại một số địa phương như: thị xã Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa, huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa mà Thanh Hóa chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết.

Việc thiếu quỹ đất, mặt bằng sạch, chưa có cảng container chuyên dụng và trung tâm logistics đang là một trong những hạn chế cơ bản khiến việc phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp chưa đạt kỳ vọng. Bên cạnh đó, rất nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa cũng đang rất “khát” mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.

Thực tế cho thấy, mặc dù vẫn là địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung về thu hút FDI nhưng những năm vừa qua tỉnh Thanh Hóa đang có dấu hiệu hụt hơi trong cuộc đua thu hút vốn ngoại. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do thiếu các mặt bằng sạch, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn trở ngại.

Với 115 cụm công nghiệp, hơn 20 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế, có thể nói tiềm năng thu hút đầu tư của Thanh Hóa rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, khi các doanh nghiệp tìm đến Thanh Hóa thì không thể “đào” đâu ra mặt bằng sạch quy mô lớn để có thể tiến hành đầu tư ngay nhà xưởng.

Đơn cử như Nhà máy hóa chất của Công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang đã có kế hoạch khởi công được hơn 3 năm, với vốn đầu tư 2.400 tỷ và dự kiến sẽ đi vào vận hành sau 12 tháng thi công nhưng cho đến nay, khâu giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc, khiến dự án chưa thể triển khai mặc dù nhà đầu tư có tiềm lực và rất quyết tâm xúc tiến xây dựng.

Nếu như không có giải pháp căn cơ phát huy hiệu quả của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch Thanh Hóa có nguy cơ “lỡ nhịp” trong cuộc đua thu hút đầu tư trong 3 năm tới.