09:15 21/08/2008

Tại sao ngân hàng nước ngoài ít gặp khó khăn thanh khoản?

Nguyễn Quốc Đạt

Sự khác biệt đầu tiên, theo người viết, nằm ở chính sách khách hàng của các ngân hàng Việt Nam và ngân hàng nước ngoài

Đối với các ngân hàng nước ngoài, phát triển nguồn vốn, chứ không phải tín dụng, mới là chính sách được ưu tiên hàng đầu của họ - Ảnh: Việt Tuấn.
Đối với các ngân hàng nước ngoài, phát triển nguồn vốn, chứ không phải tín dụng, mới là chính sách được ưu tiên hàng đầu của họ - Ảnh: Việt Tuấn.
Từ đầu năm 2008, khi những dấu hiệu khó khăn của nền kinh tế bắt đầu xuất hiện như lạm phát tăng cao, thị trường chứng khoán và bất động sản đi xuống, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam rơi vào khó khăn về mặt thanh khoản.

Nếu không có sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước thì các ngân hàng này còn có thể rơi vào tình trạng xấu hơn. Điều đáng nói là tình trạng này chủ yếu xảy ra đối với các ngân hàng trong nước, đặc biệt là ngân hàng thương mại cổ phần mới thành lập, trong khi các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam hầu như không bị tác động bởi sự khó khăn này.

Trước hết, theo người viết, hệ thống ngân hàng, chủ yếu là ngân hàng thương mại cổ phần, đã đầu tư quá nhiều vào chứng khoán và bất động sản - hai lĩnh vực được coi là nhạy cảm nhất trước các biến động của nền kinh tế. Tính thanh khoản trên hai thị trường này đã giảm đáng kể từ đầu năm 2008, vì vậy ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các khách hàng.

Thứ hai, việc thắt chặt chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá từ đầu năm cũng làm giảm đáng kể lượng cung tiền trong nền kinh tế, trong khi nhu cầu về vốn cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh đã được duyệt từ trước, vẫn đang rất lớn.

Thứ ba, việc có nhiều ngân hàng ra đời trong thời gian gần đây làm cho nhu cầu về vốn tăng cao, trong lúc trình độ và kinh nghiệm kinh doanh ngân hàng còn yếu, cộng với nguồn vốn huy động từ dân cư và các tổ chức ít, đành phải vay mượn từ thị trường liên ngân hàng (inter-bank). Lãi suất trên thị trường này có lúc lên trên 40%/năm là dẫn chứng cho tình trạng này.

Nguyên nhân thứ tư là từ đầu năm 2008 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về mặt nguyên tắc, phải đặt một lượng tiền bằng vốn điều lệ vào Ngân hàng Nhà nước nhưng cho đến nay mới chỉ có hai ngân hàng được cấp phép thành lập và đi vào hoạt động. Điều này có nghĩa là một lượng tiền lớn đã được rút ra khỏi nền kinh tế.

Một lý do khác là việc điều chuyển khoảng 52.000 tỷ đồng của ngân sách nhà nước tại các ngân hàng thương mại quốc doanh về Ngân hàng Nhà nước cũng góp phần làm cho tình hình thêm khó khăn.

Tất cả các nguyên nhân nói trên đều dẫn đến tình trạng căng thẳng về mặt thanh khoản của các ngân hàng thương mại trong thời gian qua. Hậu quả của tình trạng này có thể rất lâu dài, khi mà các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí vốn vay cao, khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu đi, nợ xấu gia tăng.

Trong hoàn cảnh các ngân hàng thương mại cổ phần phải “chạy ăn từng bữa” như vậy thì các chi nhánh ngân hàng nước ngoài vẫn khá "ung dung", và thậm chí còn có vốn để cho vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao.

Sự khác biệt đầu tiên, theo người viết, nằm ở chính sách khách hàng của các ngân hàng Việt Nam và ngân hàng nước ngoài.

Để có thanh khoản tốt và nguồn vốn bền vững thì các ngân hàng trước hết phải dựa vào nguồn vốn huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế, đặc biệt là các khách hàng có dòng lưu chuyển tiền (cash flow) lớn như xăng dầu, điện, thương mại, … thay vì dựa vào nguồn vốn thị trường liên ngân hàng. Vì vậy, chính sách khách hàng phải hướng về phát triển nguồn vốn.

Từ trước tới nay, đối với các ngân hàng trong nước, chính sách ưu đãi thường dành cho các khách hàng có dư nợ tín dụng cao và vay trả thường xuyên. Xét cho cùng, chiến lược này không sai, vì đối với một nền kinh tế đang phát triển nhanh, nhu cầu về vốn lớn như nước ta thì tín dụng luôn là mảnh đất màu mỡ để các ngân hàng “quảng canh, thâm canh”. Nhưng khi say sưa mở rộng đối tượng cho vay, đơn giản hoá các thủ tục cho vay, các ngân hàng trong nước đôi lúc quên mất rằng rủi ro tín dụng (credit risk) và rủi ro thị trường (market risk) là rất lớn, và luôn tiềm ẩn sau các hồ sơ vay vốn đẹp đẽ.

Cuộc khủng hoảng tín dụng nhà đất (subprime crisis) ở Mỹ, bong bóng bất động sản và chứng khoán ở nước ta từ đầu năm đến nay là những ví dụ tiêu biểu cho các rủi ro này.

Ngược lại, đối với các ngân hàng nước ngoài, phát triển nguồn vốn, chứ không phải tín dụng, mới là chính sách được ưu tiên hàng đầu của họ.

Các ngân hàng nước ngoài luôn huy động được một lượng vốn nhàn rỗi rất lớn với chi phí thấp từ khách hàng của họ. Điều này giúp họ có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu giải ngân cho chính khách hàng của họ. Ngoài ra, điều này cũng giúp họ có vốn để cung cấp cho thị trường liên ngân hàng với lãi suất rất cao như thời gian qua.

Chính sách này có thể không mang lại lợi nhuận lớn như các ngân hàng thương mại cổ phần, nhưng nó luôn bảo đảm sự phát triển ổn định và thoả mãn được nhu cầu vay vốn của khách hàng.

Để có nguồn vốn lớn và ổn định, các ngân hàng nước ngoài đã xây dựng cho mình một chính sách phát triển hợp lý trên cơ sở cân đối giữa dư nợ và nguồn vốn theo những tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, họ xây dựng một đội ngũ nhân viên giỏi về hoạt động maketing và thoả mãn nhu cầu của khách hàng. Những nhân viên này luôn chủ động liên hệ với khách hàng để biết được kế hoạch kinh doanh sắp tới của khách hàng như kế hoạch vay vốn, trả nợ, thanh toán tiền hàng, mua bán ngoại tệ.

Điều này đã giúp ngân hàng chủ động về mặt nguồn vốn trước khi giao dịch xảy ra, tránh được tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Các nhân viên này cũng được tiếp cận nhiều nguồn thông tin, giúp họ có khả năng dự báo được xu hướng thị trường.

Một yếu tố nữa giúp các ngân hàng nước ngoài giảm được rủi ro thanh khoản là nợ quá hạn, nợ xấu của họ thường rất thấp so với các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, các khoản nợ thường được thanh toán đúng hạn. Có được điều đó là do các khoản vay của họ thường được lựa chọn kỹ càng, được quyết định trên cơ sở các tiêu chí của thị trường, và ít khi bị chi phối bởi các ý muốn chủ quan của cán bộ tín dụng.