06:30 13/10/2020

Tâm điểm chứng khoán: Sự trỗi dậy của dòng vốn nội

Khánh Hà

Biến động thị trường chứng khoán 2020 đã đánh thức sức mạnh của dòng vốn trong nước. Chưa khi nào trong lịch sử thị trường, mối quan tâm của nhà đầu tư với thị trường chứng khoán lại lớn đến như vậy

Đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam biến động dữ dội trong năm 2020, thậm chí VN-Index đã xác lập kỷ lục giảm trong một tháng mạnh nhất lịch sử (tháng 3/2020 giảm 24,9%), nếu không tính tới thời điểm thị trường non trẻ năm 2001.

VỐN NỘI THĂNG HOA

Nhà đầu tư nước ngoài đã phản ứng rất tiêu cực trước diễn biến của dịch bệnh và trong nửa cuối tháng 2 tới cuối tháng 3/2020, thị trường chứng khoán toàn cầu đều xuất hiện cơn lũ bán tháo khổng lồ, kéo theo sự sụt giảm mạnh nhất với thời gian ngắn nhất trong hàng thập kỷ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chứng kiến các tuần lễ bán ròng liên tục với quy mô cực lớn. Chỉ từ tháng 2 tới tháng 4, riêng cổ phiếu trên sàn HSX đã ghi nhận mức bán ròng hơn 16.500 tỷ đồng.

Vị thế giao dịch của khối ngoại được cân bằng lại bằng một số giao dịch thỏa thuận khổng lồ tại VHM, MSN nên tính chung 9 tháng, khối này vẫn bỏ ròng vào thị trường Việt Nam khoảng 1.600 tỷ. Tuy nhiên nếu loại bỏ thỏa thuận cá biệt nói trên, 9 tháng đầu năm 2020 mức bán ròng lên tới 27.760 tỷ đồng.

Nếu tách bạch chi tiết hơn nữa, các quỹ ngoại chủ động đã bán ròng cực lớn trên thị trường khớp lệnh hàng ngày. Đặc biệt cổ phiếu sàn HSX chứng kiến mức rút vốn ròng khổng lồ ở các giao dịch dạng này từ đầu tháng 4 đến hết tháng 9 với quy mô xấp xỉ 46.200 tỷ đồng.

Để rút vốn thành công, nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển giao cổ phiếu cho nhà đầu tư trong nước. Thị trường là mối tương quan giữa cung và cầu. Nếu lượng cung khổng lồ nói trên từ khối ngoại không được dòng vốn trong nước hấp thụ thì thị trường không thể có được đà tăng khá tích cực từ tháng 4 đến nay. VN-Index trong thời gian này tăng gần 39,5% và cho đến tuần đầu tháng 10 vẫn đang trong xu thế tăng lên cao hơn.

Sự trỗi dậy của dòng vốn nội được thể hiện ở hai khía cạnh có nét tương phản hoàn toàn: Một bên là nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tục cực lớn, một bên là thanh khoản chung liên tục tăng cao, thậm chí là lập kỷ lục trong lịch sử 20 năm của thị trường đồng thời VN-Index tăng mạnh. Nói cách khác, dòng vốn ngoại tháo chạy rất mạnh, nhưng dòng vốn trong nước mua vào còn mạnh hơn gấp nhiều lần.

Sự trỗi dậy của dòng vốn nội - Ảnh 1.

Tỷ trọng mua vào (khớp lệnh) của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HSX đang sụt giảm nhanh chóng do sự gia tăng của dòng vốn trong nước.

Thực vậy, so sánh nổi bật nhất là mức thanh khoản thị trường trong năm 2020 đã đạt tầm cao mới. Lấy ví dụ với giá trị khớp lệnh của sàn HSX, kỷ lục gần nhất là thời điểm trung tuần tháng 3/2018 khi VN-Index chuẩn bị vượt đỉnh cao lịch sử 2007. Giá trị khớp lệnh bình quân tháng 3 khoảng 6.200 tỷ đồng/phiên. Kỷ lục này bị phá vỡ ở tuần đầu tháng 6/2020 với mức khớp lệnh bình quân trên 7.100 tỷ đồng/phiên. Hiện tại (thời điểm đầu tháng 10/2020), giá trị khớp lệnh HSX hàng ngày xấp xỉ 7.000 tỷ đồng/phiên.

Cùng với sự gia tăng thanh khoản liên tục nói trên, tỷ trọng vốn mua vào của nhà đầu tư nước ngoài lại ngày càng giảm. Nếu như thời điểm tháng 1 và tháng 2 của năm nay, giá trị mua vào hàng ngày (qua khớp lệnh) trên sàn HSX của khối ngoại được ghi nhận trong khoảng 11-16% tổng giá trị (khớp lệnh) thì đến đầu tháng 10 chỉ còn khoảng 3,5%-5,4%/phiên.

Nói tóm lại sự gia tăng thanh khoản chung trên thị trường gần đây hoàn toàn đến từ động lực của dòng vốn nội. Thời của giao dịch khối ngoại khuynh đảo thị trường đã không còn nữa, ít nhất là ở các thống kê định lượng tổng thể.

DÒNG TIỀN MỚI VÀ DÒNG TIỀN ĐỔI HƯỚNG

Bên cạnh các thống kê về giao dịch bán ròng rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài kể trên, một tín hiệu thú vị liên quan đến giao dịch của các quỹ ETF nội: Nhà đầu tư nước ngoài được ghi nhận mua ròng liên tục các chứng chỉ quỹ ETF này song song với việc thoái vốn khỏi cổ phiếu. 

Mặc dù về con số tuyệt đối, mức mua ròng chứng chỉ quỹ ETF nhỏ hơn nhiều so với mức bán ròng ở cổ phiếu, nhưng việc các quỹ ETF nội huy động được vốn mới là nét nổi bật trong giai đoạn khủng hoảng Covid-19.

Thống kê giao dịch của khối ngoại với các chứng chỉ quỹ ETF sàn HSX, tổng giá trị mua ròng chỉ từ đầu tháng 3 đến nay khoảng 2.100,5 tỷ đồng. Tổng hợp 9 tháng và tuần đầu tháng 10, giá trị mua ròng đạt 2.267,1 tỷ đồng. Ngoài ra các quỹ ETF nội cũng thu hút tiền mới rất tốt. 

Thống kê của SSI cho biết trong 5 tháng trở lại đây các quỹ này thu hút được 2.830 tỷ đồng. Việc dòng vốn chạy vào các quỹ ETF nội và các quỹ này giao dịch thì sẽ được ghi nhận là dòng vốn trong nước. Điều này có ý nghĩa nếu như các quỹ ngoại chủ động đã cắt giảm danh mục để gia tăng hình thức đầu tư thụ động (tăng nắm giữ chứng chỉ quỹ ETF nội) thì các giao dịch của dòng vốn ngoại sẽ giảm đi và mất dấu.

Sự trỗi dậy của dòng vốn nội - Ảnh 2.

Dù bán ròng liên tiếp cổ phiếu trên sàn HSX nhưng nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng liên tục các chứng chỉ quỹ ETF nội.

Ở bề nổi, việc số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước liên tục được ghi nhận ở mức cao đã phần nào lý giải được sức mạnh gia tăng đột biến của dòng vốn nội. Chỉ từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam và tác động lên thị trường chứng khoán từ đầu tháng 3 đến hết tháng 9, số tài khoản cá nhân trong nước tăng thêm là trên 224.000 tài khoản.

Thực tế số lượng nhà đầu tư mới cũng chỉ là một phần trong sự gia tăng của dòng vốn trong nước. Con số hàng trăm ngàn tài khoản mới nói trên không nói lên được quy mô của các tài khoản cũ. Có rất nhiều tài khoản "đóng băng" thời gian dài được kích hoạt trở lại (không làm tăng số lượng tài khoản) và gia tăng dòng tiền mới. 

Nói chung tổng hợp các hình thức mở mới tài khoản, kích hoạt tài khoản cũ, nạp thêm tiền vào tài khoản sẵn có, nâng mức sử dụng đòn bẩy tài chính trong giao dịch đã làm gia tăng sức mạnh của dòng vốn nội thời gian qua.

Ý nghĩa của số lượng tài khoản mở mới thời gian qua rộng hơn là số dư tài khoản vì nó thể hiện xu thế quan tâm tìm kiếm kênh đầu tư nhiều rủi ro hơn để kiếm lợi nhuận hơn gửi tiết kiệm. Xu thế này được xác nhận và củng cố rằng sẽ còn tiếp diễn nữa, chừng nào chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn đang lan tràn khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Mạo hiểm hơn là tâm lý đặc trưng của các thời kỳ tiền rẻ quá nhiều và thường dẫn đến sự bùng phát mạnh mẽ của thị trường chứng khoán.