17:44 25/09/2023

Tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Malaysia

Song Hà

Malaysia là thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa cho xuất khẩu hàng hoá Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm, đồ uống... Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng cơ hội này để mở rộng thị trường...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiện Malaysia là một trong những thị trường nhập khẩu có tiềm năng rất lớn của Việt Nam tại khu vực ASEAN. Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN và thứ 9 trên thế giới.

NĂNG LỰC XUẤT KHẨU SẢN PHẨM HALAL THẤP

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Malaysia 7 tháng năm 2023 đạt 7,07 tỷ USD, giảm mạnh tới 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,85 tỷ USD, cũng giảm tới 17,7% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu đạt 4,21 tỷ USD giảm 24,0% so với cùng kỳ.

Điểm đáng khích lệ là nhập siêu từ Malaysia trong 7 tháng năm 2023 dù lên tới 1,35 tỷ USD nhưng chỉ còn chiếm 45,3% so với kim ngạch xuất khẩu, giảm 34,5% so với cùng kỳ về giá trị.

Các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh như hóa chất đã tăng tới 119,8% so với cùng kỳ và vượt lên trở thành mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu của Việt Nam vào Malaysia với kim ngạch 377,9 triệu USD trong 7 tháng năm 2023.

Mặt hàng máy tính và linh kiện tụt xuống vị trí thứ hai do mặt hàng sụt giảm kim ngạch tới 55,9% so với cùng kỳ. Đây cũng là một vấn đề đáng lo ngại do sự đóng góp của mặt hàng điện tử cao cấp suy giảm. Mặt hàng điện thoại và linh kiện dù vẫn tăng trưởng 20,5% nhưng đã tụt xuống thứ 4 về kim ngạch và chỉ còn 257,5 triệu USD, sau cả mặt hàng sắt thép các loại. Ngoài ra, các mặt hàng khác có kim ngạch tăng trưởng như thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 31,3%, clinker và xi măng tăng tới 77,2%, giầy dép các loại tăng tới 53,6%, hàng rau quả tăng tới 20,7%...

Ông Lê Phú Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia, nhận định hàng hóa Việt Nam còn rất nhiều cơ hội tại thị trường Malaysia. Đây là thị trường có sức mua khá, nhu cầu đa dạng và gần gũi về văn hóa tiêu dùng với hàng Việt Nam. Độ mở thị trường Malaysia lớn. Mức độ rào cản tương đối thấp với hàng xuất khẩu của Việt Nam do cùng tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại khu vực trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN +, đặc biệt là Hiệp định Ðối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hơn nữa, Malaysia đang thiếu hụt nguồn cung nội địa về nhiều loại thực phẩm thiết yếu như gạo, thủy hải sản...

Bên cạnh các cơ hội, những tác động khá lớn khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chưa được như kỳ vọng. Theo Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, quốc gia này là nước có tỷ lệ dân theo đạo Hồi lớn (trên 65%). Nước này đang thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) cho hàng thực phẩm nhập khẩu chủ yếu vì lý do tôn giáo.

Việc áp dụng tiêu chuẩn này trở thành một rào cản phi thuế dù chỉ mang tính chất tự nguyện chứ không phải là quy định bắt buộc với cả nước xuất và nhập khẩu. Song, việc có được chứng chỉ này sẽ giúp sản phẩm tiếp cận được số lượng người tiêu dùng đông đảo hơn do những người tiêu dùng Hồi giáo chiếm tỷ lệ lớn cũng như họ có ý thức rất cao về lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm Halal.

Thực tế hiện nay số lượng đơn vị có chức năng cấp chứng chỉ Halal ở Việt Nam còn ít, chi phí là khá cao đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặt khác, một số yêu cầu khó thực hiện tại Việt Nam như quy định phải có người đạo Hồi giám sát quy trình sản xuất. Theo thông tin từ Thương vụ, hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp đã được cấp chứng chỉ Halal cho khoảng 3.000 sản phẩm xuất khẩu. Năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn thấp, mới chỉ đạt khoảng 10,5 tỷ USD trong năm 2021.

Không chỉ rào cản từ phi thuế quan, ông Cường cho rằng do Malaysia là thị trường tương đối mở cho hàng nhập khẩu, vì thế có sự cạnh tranh khốc liệt với nước xuất khẩu khác, nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… Hơn nữa, trong khi các mặt hàng thực phẩm yêu cầu có chứng chỉ Halal nhưng việc cấp chứng chỉ này không phải do cơ quan nhà nước Việt Nam quản lý mà do các cơ quan chính quyền một số nước Hồi giáo công nhận.

ĐẨY MẠNH TÌM HIỂU THỊ TRƯỜNG HALAL

Hiện mới chỉ có một đơn vị phi chính phủ cấp chứng chỉ Halal tại Việt Nam được JAKIM (thuộc Bộ phụ trách các vấn đề tôn giáo của Malaysia) công nhận. “Chính sự khác biệt về văn hóa, rào cản ngôn ngữ… khiến các doanh nghiệp Việt Nam ngại tiếp cận thị trường Malaysia”, ông Cường nhấn mạnh.

Mặt khác, nhiều trường hợp lừa đảo đã xảy ra làm giảm niềm tin trong giao thương. Nhiều doanh nghiệp e ngại thiết lập kênh phân phối cho sản phẩm của mình, gửi hàng mẫu, tham gia hội chợ hoặc gặp gỡ khách hàng tại địa bàn. Cũng như hạn chế đầu tư vào việc đổi mới sản phẩm cho phù hợp thị hiếu người tiêu dùng sở tại, trong khi người tiêu dùng sở tại đã quen tiếp xúc với hàng hóa của các đối thủ cạnh tranh.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam và Malaysia đang nỗ lực hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2030. Trong khi đây là thị trường khá “màu mỡ” cho doanh nghiệp Việt Nam, do đó doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Tuy nhiên, để tiếp cận được thị trường Malaysia, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đáp ứng về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là về chứng nhận Halal. Nếu có chứng nhận này sản phẩm của doanh nghiệp sẽ hướng đến 100% dân số của Malaysia. Chứng nhận Halal như là minh chứng về sự an toàn, vệ sinh thực phẩm và chất lượng nói chung cho toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm của mình.

Doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thêm về thông tin, tiềm năng thương mại giữa Việt Nam và Malaysia nói riêng cũng như thị trường các nước Hồi giáo nói chung. Từ đó, có cơ sở hoạch định kế hoạch mở rộng thị trường, tìm được những đối tác đầu tư và kinh doanh tại Malaysia.

“Việc cấp chứng chỉ Halal cần được tuyên truyền phổ biến rộng rãi. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu tự nguyện thực hiện nhằm tăng số lượng các đơn vị được cấp chứng chỉ này với thời gian có giá trị dài hơn, cũng như cần giảm chi phí cho việc đánh giá và cấp chứng chỉ để phù hợp với khả năng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Cường đề xuất...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 39-2023 phát hành ngày 25-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Malaysia  - Ảnh 1