10:29 29/12/2008

Tản mạn cuối năm về bóng đá và... đồng tiền Việt

Đặng Khánh Duy

Khi người ta có tình yêu thực sự, mọi chuyện sẽ rất khác

Người hâm mộ Tp.HCM xuống đường “đi bão” mừng chiến thắng - Ảnh: T.T.D.
Người hâm mộ Tp.HCM xuống đường “đi bão” mừng chiến thắng - Ảnh: T.T.D.
Ngày 28/12/2008 sẽ đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam như một mốc son chói lọi của những cố gắng, quyết tâm và thành công. Đó cũng là ngày để người ta chiêm nghiệm về tình yêu bóng đá của người Việt.

Bất giác, người viết muốn làm một cuộc đối sánh giữa tình yêu bóng đá và tình yêu của người Việt Nam với đồng tiền của quốc gia mình, Qua đó, lý giải một phần nguyên nhân vì sao đồng tiền Việt Nam vẫn là một đồng tiền "yếu".

Mười một trận không thắng liên tiếp dưới thời huấn luyện viên Calisto. Một con số khiến người ta có quyền nghi ngờ về khả năng vô địch của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã vô địch.

Lý do gì khiến đội tuyển Việt Nam thành công? Người ta có thể kể ra nhiều nguyên nhân: tài năng của huyến luyện viên; sự quyết tâm, cố gắng, bản lĩnh và tinh thần đoàn kết của các cầu thủ… Nhưng nếu hỏi các cầu thủ, người viết tin chắc rằng, họ sẽ không phản đối nếu nói rằng: một phần sức mạnh không nhỏ của họ xuất phát từ chính tình yêu chưa bao giờ mất của người hâm mộ Việt Nam dành cho đội tuyển.

Khi được hậu thuẫn, sức mạnh sẽ được tăng lên gấp bội. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra với đồng Việt Nam.

Còn nhớ tại thời điểm tháng 5, tháng 6 năm nay, giá USD tăng lên vùn vụt một phần do tâm lý tích trữ USD của người dân. Tại thời điểm ấy, có lẽ bất cứ ai cũng mong mình có trong tay USD chứ không phải Việt Nam đồng. Người ta chen chúc nhau ở phố Hà Trung để cố mua được dù chỉ là vài nghìn đồng bạc xanh. Tâm lý "sính ngoại" đã không chỉ tồn tại ở thời điểm đó mà đã ăn sâu, bám rễ trong nền kinh tế Việt Nam. Vì thế mới dẫn đến chuyện Việt Nam là một trong những nước có tình trạng Đô la hóa cao. Có phải chính vì tâm lý đó mà cho đến nay, đồng Việt Nam vẫn là đồng tiền "yếu" ngay trên chính đất nước mình?

Có thể sẽ có nhiều người cho rằng thật vô lý nếu yêu cầu một ai đó “yêu” một đồng tiền mà nó mất giá hàng ngày. Tuy nhiên, hãy nhìn vào bóng đá. Khi người ta có tình yêu thực sự, mọi chuyện sẽ rất khác.

Dù thất bại hay thành công, đội tuyển bóng đá Việt Nam luôn dành được sự quan tâm của người hâm mộ. Nếu ai đã hòa vào cái không khí ăn mừng chiến thắng của đội tuyển trên khắp các đường phố ngày 28/12/2008, người ta sẽ thấy, có những chiếc taxi chở người hâm mộ đi hết từ phố này đến phố khác mà không lấy một đồng. Người ta sẽ không bị cằn nhằn nếu nhảy lên mui và nắp xe ô tô của ai đó để reo hò, cổ vũ. Những con người hoàn toàn xa lạ ôm hôn nhau và nhảy múa trên đường phố. Bị kẹt xe nhưng không một ai cảm thấy phiền lòng.

Điều gì đã làm nên những sự vô lý ấy. Phải chăng đó là tình yêu với bóng đá?

Còn với đồng Việt Nam thì sao? Về cơ bản, đồng Việt Nam mặc dù chưa có tính chuyển đổi cao trên thị trường thế giới nhưng là đồng tiền của một quốc gia có nền chính trị ổn định, có những thành tựu về kinh tế mà thế giới phải công nhận. Vậy tại sao đã không dưới một lần đồng Việt Nam bị "kém ưa chuộng" bởi không ít người dân Việt?

Ngay tại thời điểm này, sau khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định tăng tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng lên 3%, giá USD trên thị trường tự do tăng lên nhanh chóng (từ mốc 17.280 sáng ngày 24/12/2008 lên xoay quanh ngưỡng 17.500 ở thời điểm hiện tại). Phải chăng đó là do sức cầu muốn nắm giữ USD tăng lên?

Xét về ngắn hạn, việc đầu cơ USD có thể đem lại lợi ích cho một số người. Nhưng về lâu dài, việc tích trữ USD, từ chối nắm giữ đồng bản tệ, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô sẽ không có lợi cho bất kỳ ai bởi không có một cá nhân hay tổ chức nào có thể phát triển lành mạnh trong một môi trường kinh tế bất ổn.

Do vậy, có thể nói, mỗi cá nhân, doanh nghiệp nếu nhận thức rõ được những tác hại do tâm lý nắm giữ ngoại tệ gây ra, biết "yêu" đồng tiền của quốc gia mình sẽ không chỉ giúp cho đồng Việt Nam thêm mạnh mà đó còn là biện pháp hữu hiệu bảo vệ lợi ích của mỗi người.

Người viết vẫn nhớ hình ảnh những người nước ngoài tung hô Việt Nam sau chiến thắng của đội tuyển bóng đá. Việt Nam không phải là nơi họ chôn rau cắt rốn. Vậy vì sao trong khoảnh khắc ấy, họ lại tự hào tung hô hai tiếng "Việt Nam" như thế? Phải chăng chính tình yêu bóng đá của người Việt đã truyền cho họ những xúc cảm mãnh liệt ấy?

Vậy, liệu có thể mơ ước về một ngày mai, khi mỗi người nước ngoài cũng muốn giữ cho mình ít nhất một đồng tiền Việt? Lý do không chỉ nằm ở giá trị của đồng Việt Nam, mà còn bởi họ muốn khám phá: vì sao trong bất kỳ hoàn cảnh nào người Việt Nam cũng yêu quý đồng tiền của quốc gia mình đến thế?

Có lẽ, nếu ngày ấy đến - dù đây vẫn có thể sẽ chỉ là một mơ ước không thực tế - thì bất kỳ cú sốc nào từ bên ngoài cũng khó có thể làm sụp đổ nền kinh tế Việt Nam, khi người Việt biết yêu đồng tiền của chính mình.