Tăng cạnh tranh sản xuất phân bón
Phỏng vấn TS. Phùng Hà, Phó vụ trưởng Vụ Cơ khí, Luyện kim và Hóa chất (Bộ Công nghiệp)
Phỏng vấn TS. Phùng Hà, Phó vụ trưởng Vụ Cơ khí, Luyện kim và Hóa chất (Bộ Công nghiệp).
Giá phân bón vô cơ trên thế giới và nhập khẩu về Việt Nam tăng cao ngất. Nguyên nhân vì sao? Tình hình này có ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ chung không, thưa ông?
Giá phân bón các loại trên thị trường thế giới bắt đầu tăng mạnh từ tháng 11/2006. Theo so sánh của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mức tăng giá phân bón kỳ này trong vòng 4 tháng đã hơn mức tăng giá trong vòng 5 năm 2001-2006.
Mặc dù giá urê sản xuất trong nước năm qua trải qua nhiều lần điều chỉnh nhưng giá urê của Công ty Phân đạm và Hoá chất dầu khí và Công ty Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc vẫn rẻ hơn giá urê nhập khẩu chính ngạch.
Đây là điều tích cực và rất có ý nghĩa đối với thị trường phân bón Việt Nam. Các công ty sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón đã cùng chung một mục đích là sản xuất, cung ứng đủ phân bón để phục vụ sản xuất nông nghiệp thắng lợi.
Lượng phân bón vô cơ sản xuất trong nước liệu có ứng đủ nhu cầu chưa, hướng phát triển sẽ ra sao, thưa ông?
Từ năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 113/2003/NĐ-CP về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón. Điều 22 của Nghị định yêu cầu Bộ Công nghiệp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và chính sách về phát triển phân bón vô cơ.
Tại Quyết định số 343/2005/QĐ-TTg mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt từ cuối 2005 về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến 2010, tầm nhìn đến năm 2020, phân bón hóa học cần bảo đảm cung ứng được từ 6- 7 triệu T/năm cho sản xuất nông nghiệp.
Năm 2006, cả nước mới sản xuất được 800.000 tấn urê, 1,4 triệu tấn phân lân các loại và 2,1 triệu tấn phân NPK. Nhu cầu phân bón nói chung và phân bón hóa học các loại vẫn cần phải được đáp ưng nhiều.
Về phân đạm, hiện có 2 nhà máy của Công ty Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc công suất 165.000 tấn và Công ty Phân đạm và Hoá chất dầu khí công suất 740.000 tấn đang hoạt động. Phân NPK trong nước đã có công suất 2,5 triệu tấn; phân super lân đã được sản xuất ở Công ty Super Phốt phát và hóa chất Lâm Thao 850.000 tấn, ở Nhà máy Long Thành thuộc Công ty Phân bón miền Nam 200.000 tấn.
Theo quy hoạch phát triển sản xuất, từ nay đến 2010, ngành phân bón đầu tư nhà máy phân đạm từ than cám ở Ninh Bình công suất 560.000 tấn/năm. Nhà máy Đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn/năm đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu. Cùng với các nhà máy mới này, Nhà máy Phân đạm Hà Bắc đang chọn tư vấn lập dự án để mở rộng thêm 330.000 tấn.
Trong quá trình đầu tư, một số nhà máy gặp trở ngại về nguồn vốn, công nghệ, các công trình phụ trợ (thí dụ: cải tạo và xây dựng toàn tuyến đường sắt Lào Cai - Hải Phòng - Chùa Vẽ - Nhà máy DAP), đến nay các trở ngại đã và đang được tháo gỡ để bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch phát triển mà Chính phủ đã đề ra.
Việt Nam đã là thành viên WTO, ngành phân bón chắc sẽ chịu nhiều tác động của thị trường thế giới. Theo ông, các doanh nghiệp trong nước cần phải làm gì để việc sản xuất, kinh doanh phân bón vẫn bảo đảm hiệu quả?
Hiện nay, chúng ta hoàn toàn cung ứng đủ phân bón chứa lân, phân NPK, từ nay đến 2010, nếu các dự án về sản xuất phân bón đúng tiến độ, Việt Nam sẽ cung ứng đủ phân urê.
Về nhập khẩu, DAP vẫn phải nhập trên 50%, kali phải nhập khẩu toàn bộ cho đến khi dự án khai thác muối tại Lào của Tổng công ty Hoá chất Việt Nam đi vào hoạt động. Gia nhập WTO, do điều kiện tự nhiên và chi phí lao động rẻ nên chúng ta có lợi thế trong một số ngành, trong đó có nông nghiệp.
Gia nhập WTO, môi trường kinh doanh trở nên cạnh tranh hơn nên các doanh nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp trong nước trong đó có phân bón cần nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, một số ngành sản xuất phân bón trong nước còn được hưởng trợ giá, bù giá chéo nguyên, nhiên liệu, mức trợ giá, bù giá sẽ giảm dần trong các năm tới nên các doanh nghiệp phải chủ động và sẵn sàng đối diện với thách thức về giá than, giá khí…
Về thuế nhập khẩu: mức cam kết thuế nhập khẩu các loại phân bón vô cơ từ đạm, lân, kali đến phân đa thành phần đều có lợi cho sản xuất trong nước (thuế suất 6,5%, cao hơn hiện nay).
Có thể nói dù ở mức độ khác nhau nhưng giống như tất cả các ngành kinh tế khác, ngành phân bón cũng đứng trước những thách thức và cơ hội khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Nhà sản xuất, người kinh doanh phân bón cần phải có sự tăng cường hợp tác để có các lợi nhuận tương hỗ (sự hoạt động có hiệu quả trong năm 2007 của tổ tư vấn urê thuộc Hiệp hội Phân bón Việt Nam là một dẫn chứng).
Ngoài việc hỗ trợ nông dân xây dựng hệ thống kho tàng, cơ sở bảo quản, cung cấp các loại giống có năng suất cao, chất lượng tốt, phát triển thuỷ lợi, phát triển khuyến nông thì một trong các vấn đề quan trọng là người nông dân được mua nguyên liệu trong đó có phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở mức chấp nhận được.