Tăng cường cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam
Tiếp theo cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo cung ứng hàng hoá cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam chiều 7/7, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã gửi công văn hỏa tốc tới doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối đề nghị tăng cường cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam...
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đồng thời là Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam vừa ký công văn hỏa tốc số 4023/BCT-TTTN gửi doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối đề nghị tăng cường cung ứng hàng hóa cho Tp.HCM và các tỉnh phía Nam.
Công văn nêu rõ: Tính đến 6h ngày 8/7, Việt Nam có tổng cộng 21.560 ca ghi nhận trong nước và 1.891 ca nhập cảnh, trong đó, TP.HCM có 8.151 ca, chiếm 37,8% số ca của cả nước.
Trước diễn biến của dịch bệnh, để bảo đảm mục tiêu kép vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, nhằm hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam đảm bảo đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối truyền thống và hiện đại khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách.
Một là, chủ động liên hệ với Sở Công Thương TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam để xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp; dự trữ, chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu trong hệ thống đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân theo mức độ cao nhất của dịch Covid-19.
Hai là, bên cạnh các điểm bán hàng hiện có, tiếp tục mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định của pháp luật) tại các khu đông dân cư (quận, huyện, phường, xã, thị trấn, thị tứ…) để kịp thời phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Có phương án mở các điểm bán hàng mới trong trường hợp cơ sở phân phối bị đóng cửa (do có ca nhiễm Covid-19) để kịp thời phục vụ người tiêu dùng cả trong điều kiện bình thường hay cách ly, giãn cách xã hội.
Ba là, tiếp tục tăng cường thực hiện các phương thức bán hàng trực tuyến (thương mại điện tử, đi chợ hộ…), để phục vụ tối đa nhu cầu nhân dân trong điều kiện dịch bệnh (phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội).
Bốn là, để đảm bảo vận chuyển thông suốt hàng hóa thiết yếu, có phương án tổ chức đội xe, lái xe đảm bảo an toàn dịch bệnh để ra, vào vùng dịch theo đúng quy định của ngành y tế và giao thông vận tải.