00:34 27/02/2010

Tăng giá: Bài toán khó của Chính phủ

Trong lúc giá cả hàng hóa, tiêu dùng sau Tết đang còn cao thì đồng loạt xăng dầu, điện, than được bật đèn xanh tăng giá

Các bà nội trợ không khỏi lo lắng khi một số mặt hàng thiết yếu tăng giá sau Tết - Ảnh: HTD.
Các bà nội trợ không khỏi lo lắng khi một số mặt hàng thiết yếu tăng giá sau Tết - Ảnh: HTD.
Trong lúc giá cả hàng hóa, tiêu dùng sau Tết đang còn cao thì đồng loạt xăng dầu, điện, than được bật đèn xanh tăng giá. Vì sao có việc điều hành như vậy? Chính phủ gặp khó khăn gì?

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phân tích: “Than, xăng dầu, điện là đầu vào của nhiều ngành sản xuất nên tăng giá sẽ ảnh hưởng nhiều. Nhưng ta cũng phải chấp nhận bởi kinh tế thị trường thì không thể để những mặt hàng quan trọng này nằm ngoài quy luật. Tâm lý của người dân, phản ứng của xã hội về việc tăng giá vừa qua cho thấy mặc dù chúng ta cố gắng điều hành kinh tế theo nguyên tắc thị trường nhưng với nhóm năng lượng thì vẫn chưa được thị trường lắm. Việc điều hành giá vẫn hơi thiên cưỡng”.

Lẽ ra đã tăng giá sớm hơn?

Tại sao phải chấp nhận, thưa ông?

Năng lượng là lĩnh vực quan trọng, xương sống của nền kinh tế và cũng là đầu vào cho các hàng hóa, dịch vụ khác. Ta muốn đầu tư mạnh cho năng lượng, huy động các nguồn vốn cho năng lượng nhưng lại kìm giá đến dưới giá thành thì không thể thu hút được. Ai cũng biết điện rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài nhưng khống chế giá bán thấp quá nên đâu có ai vào?

Chưa kể việc bao cấp giá với than, điện hiện nay và xăng dầu trước kia là kiểu bao cấp tràn lan, không khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hợp lý. Thậm chí mặt hàng than còn dẫn tới tiêu cực, trục lợi. Khống chế giá than bán cho điện, xi măng dưới giá thành khiến khó kiểm soát được lượng tiêu thụ thực tế bao nhiêu và bao nhiêu bị đẩy ra ngoài bán kiếm lời.

Đẩy năng lượng vào vận hành theo cơ chế thị trường cần thiết như vậy thì tại sao không tiến hành sớm hơn, mà lại để lúc nền kinh tế vừa vượt qua khủng hoảng lại tăng giá?

Từ năm 2007, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về việc chấm dứt bao cấp giá với xăng dầu, than, điện rồi. Nếu ta thực hiện ngay được lúc ấy thì tốt nhưng khủng hoảng kinh tế thế giới lại ập tới, rồi lạm phát trong nước lên mức cao nên phải hoãn lại.

Tuy nhiên, kinh tế trong nước mới vượt qua đáy, còn nhiều khó khăn, mà tăng giá ngay thế này thì đúng là cũng có thể gây tâm lý bất ổn.

“Nên chia sẻ với Chính phủ”

Chuyên theo dõi công tác điều hành giá của Chính phủ, ông có nghĩ việc tăng giá xăng dầu và vài ngày nữa là điện có quá bất ngờ không?

Tôi không nghĩ là bất ngờ. Vấn đề chuyển sang cơ chế thị trường với những sản phẩm này bàn bạc đã lâu rồi, cũng đã công khai và báo chí nói tới nhiều. Xăng dầu thì từ cả năm trước đã rục rịch tăng giá. Cơ chế điều hành giá điện cũng ban hành và công bố đã lâu… Cho nên với doanh nghiệp thì không có gì là bất ngờ cả. Đầu vào tăng thì đầu ra tăng thôi. Còn với người dân thì sau tết giá hàng tiêu dùng còn đắt đỏ, thế mà xăng dầu, điện lại tăng tiếp thì chắc không tránh khỏi “xao xuyến”.

Tôi nghĩ mọi người và cả Quốc hội cũng vậy, nên chia sẻ khó khăn với Chính phủ.

Nhưng tăng giá như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, nhất là những hộ nghèo, vùng khó khăn. Làm thế nào hạn chế tác động đó?

Theo tôi biết thì phương án tăng giá điện của Chính phủ đã tính tới đối tượng này. Như thế, đối tượng này sẽ ít bị ảnh hưởng… Ngoài ra, trong lộ trình thị trường hóa các sản phẩm, dịch vụ quan trọng sẽ đồng thời phải xây dựng các chính sách đồng bộ về xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ những địa phương còn khó khăn.

Tăng trưởng và kềm lạm phát: Chỉ có thể chọn một

Hai tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng CPI đã hơn 3%, nay lại thêm cú tăng giá xăng dầu, điện thì liệu có khó đạt chỉ tiêu lạm phát cả năm không quá 7% mà Quốc hội giao, thưa ông?

Vấn đề này, mấy ngày qua các nhà kinh tế đã dự báo rồi. Trong tình hình nền kinh tế thế này mà cho tăng giá thì chắc chắn chỉ tiêu CPI sẽ bị ảnh hưởng. Đánh giá đó là có cơ sở.

Có vẻ như Chính phủ đang đứng trước bài toán khó?

Đúng. Để thúc đẩy xuất khẩu, phấn đấu tăng trưởng ở mức cao nhất ngay sau khủng hoảng, vừa rồi Chính phủ đã điều chỉnh tỉ giá ngoại tệ theo hướng làm giảm giá tiền Việt. Cũng để thu hút đầu tư vào năng lượng, hạn chế bao cấp tràn lan thì giá xăng dầu đã được thả theo cơ chế thị trường, giá than, điện cũng được điều chỉnh sát với thị trường hơn. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng đang bị thắt chặt lại để kéo lạm phát xuống, nay lại nới rộng lên mức 25%-30% để thúc đẩy sản xuất kinh doanh… Tất cả đều gây sức ép tới chỉ số giá tiêu dùng.

Và với diễn biến như vậy, Chính phủ đang nghiêng về mục tiêu tăng trưởng hơn là giữ lạm phát ở mức Quốc hội đề ra?

Chúng ta đang ở giai đoạn bắt đầu sau khủng khoảng nên tăng trưởng nhanh là cần thiết. Giờ mà ta hạn chế tín dụng, không nới lỏng đồng nội tệ, không cho tăng giá… thì chắc chắn sẽ kìm hãm nền kinh tế. Hai lựa chọn, buộc phải chọn một thôi nhưng phải cố điều hành hợp lý để lạm phát ở được mức thấp nhất.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có dự kiến giám sát sát sao hơn việc điều hành giá của Chính phủ?

Chúng tôi vẫn theo dõi sát diễn biến thị trường. Khi cần thiết, Ủy ban sẽ báo cáo, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tham gia thêm với Chính phủ. Chúng tôi đang lên kế hoạch khảo sát thị trường các mặt hàng thiết yếu, đánh giá lại tình hình phân phối hàng hóa, dòng chảy lưu thông sau ba năm gia nhập WTO.

Nghĩa Nhân (Pháp luật Tp.HCM)