18:06 26/02/2010

Giá điện chỉ tăng một lần trong năm nay

Y Nhung - Mạnh Chung

Tới đây, nếu giá đầu vào của sản xuất điện tiếp tục tăng, ngành điện vẫn phải chờ đến 2011 mới được tăng giá

"Từ năm 2009-2012, mỗi năm giá điện chỉ được phép tăng một lần theo biến động của giá thị trường đã được kiểm toán".
"Từ năm 2009-2012, mỗi năm giá điện chỉ được phép tăng một lần theo biến động của giá thị trường đã được kiểm toán".
Tới đây, nếu giá đầu vào của sản xuất điện tiếp tục tăng, ngành điện vẫn phải chờ đến 2011 mới được tăng giá.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với báo giới sáng nay (26/2).

Theo ông Hào, việc điều chỉnh giá điện năm 2010 là bước đi trong lộ trình để thực hiện thị trường hóa giá điện và để giá điện thực sự trở thành tín hiệu cho thu hút đầu tư vào các công trình điện, đảm bảo cho hệ thống điện có đủ nguồn dự phòng hợp lý, hệ thống truyền tải và phân phối điện có đủ năng lực truyền tải góp phần đảm bảo cho nhà sản xuất và kinh doanh điện, đảm bảo an toàn cung cấp điện cho toàn xã hội và người tiêu dùng.

Vậy lý do gì khiến Chính phủ lại phê duyệt phương án tăng bình quân là 6,8% mà không phải là mức tăng thấp nhất 4,98%, như trong ba phương án mà Bộ Công Thương trình Thủ tướng, thưa ông?

Phương án tăng giá điện thêm 4,98% so với giá bán điện bình quân thực hiện trong năm 2009, được Bộ Công Thương trình căn cứ vào mức tăng của giá than bán cho ngành điện chỉ là 15% so với giá than năm trước.

Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, Thủ tướng nhận thấy nếu giá than bán cho ngành điện chỉ tăng thêm 15%, thì giá bán này vẫn thấp hơn rất nhiều so với giá thành đã được kiểm toán của ngành than. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ gặp khó khăn lớn trong việc tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Do vậy, Thủ tướng đã cho phép giá than cám 5 bán cho ngành điện tăng 28%, còn giá than cám 4b mức tăng là 47%.

Trên thực tế, với giá bán này, giá than TKV bán cho ngành điện vẫn thấp hơn giá xuất khẩu là 40%. Điều này, khiến giá điện phải tăng tương ứng là 6,8%.

Được biết giá khí cũng đang rục rịch tăng, vậy nếu tới đây khi giá khí bán cho ngành điện tiếp tục tăng thì giá điện có tiếp tục tăng nữa không?

Theo quyết định số 21/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2009 đến năm 2012, mỗi năm giá điện chỉ được phép tăng một lần theo biến động của giá thị trường đã được kiểm toán.

Do vậy, nếu tới đây giá khí bán cho ngành điện có tăng thì cũng vẫn phải chờ đến 2011, ngành điện mới được tăng giá một lần nữa.

Tuy nhiên, theo dự kiến, sau 2012, giá bán điện sẽ được điều chỉnh linh hoạt hơn. Vào mùa khô, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, giá điện có thể tăng cao hơn để khuyến khích tiết kiệm. Nhưng sang mùa mưa, nhu cầu sử dụng điện giảm, giá bán điện sẽ giảm theo.

Trước đây, mỗi lần tăng giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều lấy lý do là để có vốn đầu tư vào các công trình điện. Giá điện trong năm 2009 cũng đã tăng, nhưng năm qua vẫn có rất nhiều công trình bị chậm tiến độ. Ông nghĩ sao về điều này?

Giá điện trong 2009 đã được điều chỉnh tăng, tuy nhiên nguồn thu của EVN chỉ tăng lên khoảng vài nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, để đầu tư xây dựng một nhà máy điện mức đầu tư phải lên tới 29.000 - 30.000 tỷ đồng.

Thêm vào đó, có tăng giá điện mới có thể thu hút được các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, đầu tư vào ngành điện. Như vậy, mới có thể đáp ứng được với nhu cầu sử dụng điện luôn tăng từ 13 - 15%/năm.

Hiện nay theo tính toán, giá thành mỗi kWh điện chạy bằng than vào khoảng 6,8cent. Trong khi đó, giá bán điện thực hiện trong 2009 ở nước ta mới chỉ ở mức 5,3 cent/kWh. Năm 2010, mặc dù tiếp tục tăng giá, nhưng do chi phí đầu vào cũng tăng, cộng thêm biến động tỷ giá nên vẫn chưa khuyến khích được các nhà đầu tư.

Điện sản xuất từ thủy điện tuy có rẻ hơn, nhưng hiện nay nước ta không còn nguồn để phát triển thủy điện nên ngày càng phải sử dụng nhiều than cũng như các nguồn năng lượng khác như dầu, gió để phát điện. Trong khi đó, giá thành sản xuất từ các nguồn này là khá cao.

Thưa ông, hiện đang có rất nhiều lo ngại rằng, khi giá than tăng, giá điện tăng khiến các mặt hàng thiết yếu tăng theo, điều này liệu có ảnh hưởng đến đời sống của người dân?

Phải hiểu cho đúng là giá than bán cho ngành điện tăng, khiến giá điện tăng. Còn đối với các ngành khác, giá than vẫn giữ nguyên như năm 2009.

Theo tính toán, các hàng hóa thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu… tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng này là rất nhỏ. Vì vậy, mức tăng giá của các mặt hàng này sẽ không đáng kể.

Tuy nhiên, những đợt điều chỉnh giá lần trước cho thấy, nhiều đơn vị kinh doanh thường lợi dụng việc này để tăng giá các mặt hàng thiết yếu nhằm thu lợi. Do đó, công tác quản lý thị trường cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để hạn chế các hiện tượng tiêu cực, gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống nhân dân.