Tăng giờ làm thêm "có vẻ như đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội"
Chính phủ đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa đến 400 giờ/năm trong một số trường hợp đặc biệt
Đó là nhận định của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tp.HCM khi Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều 12/6.
Lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa đến 400 giờ/năm trong một số trường hợp đặc biệt.
Theo đại biểu Tâm, nếu nói rằng công nhân có nhu cầu làm thêm thì là hiểu không đúng bản chất vấn đề. Nhưng công nhân cần làm thêm để có thêm thu nhập, vì đồng lương, thu nhập hiện nay so với nhu cầu cuộc sống tối thiểu của người công nhân còn quá khó khăn, eo hẹp, thiếu thốn nên cần có thu nhập thêm để trang trải. "Hỏi rằng làm thêm giờ có phải nhu cầu của người công nhân không, tôi nghĩ rằng không", bà Tâm nhấn mạnh.
Ai cũng phải có nhu cầu nghỉ ngơi, nhu cầu hưởng thụ, giải trí, chăm lo cho con cái chứ không phải nhu cầu một ngày làm mười mấy tiếng đồng hồ., bà Tâm phân tích và đề nghị Quốc hội phải đưa ra chính sách để người công nhân làm ít giờ nhưng lương, thu nhập tăng lên.
"Đề nghị Quốc hội nên bàn theo hướng đưa chính sách gì vào Bộ luật Lao động này để cải thiện thu nhập người lao động mà họ có thời gian để nghỉ ngơi. Có nhiều công nhân chục năm không về thăm gia đình được, con cái phải gửi về quê để ông bà, cha mẹ nuôi, có chuyện gì xót xa hơn như vậy", bà Tâm phát biểu.
Xu hướng tiến bộ của thế giới hiện nay là tăng lương, giảm giờ làm để tăng thời gian nghỉ ngơi, đại biểu Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) góp ý.
Vị đại biểu này cũng cho biết, qua tiếp xúc với người lao động, phần lớn họ không mong muốn mở rộng khung làm thêm giờ so với quy định hiện tại mà đề xuất tập trung các giải pháp để nâng cao tăng thu nhập. Một bộ phận công nhân lao động đồng ý tăng thời gian làm thêm, vì thu nhập thấp hoặc do nhà trọ chật hẹp, nóng bức, muốn tiết kiệm tiền điện, nước.
Thực tế những năm qua, tại nhiều doanh nghiệp người lao động đã phải làm thêm, tăng ca vượt quy định, thậm chí đến 500 - 600 giờ/năm, đại biểu Thường nhấn mạnh.
Tranh luận với đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nói rõ, luật không bắt buộc người lao động làm thêm giờ.
Bất kỳ người lao động nào cũng có quyền làm thêm giờ để có thêm thu nhập cho gia đình, để xây dựng xã hội tốt hơn, ông Tuấn nhấn mạnh. Tuy nhiên, đại biểu Tuấn cũng cho rằng cần đưa ra quyết định rõ ràng là một số nghề nghiệp gây nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm cho nhiều người như lái xe đường dài, lái xe bus, máy bay thì có thể không cho làm thêm giờ.
Vị đại biểu đang là bác sỹ nói thêm, trong xã hội hiện nay, vẫn có những trường hợp không muốn làm thêm giờ nhưng vẫn phải làm thêm giờ, đó là câu chuyện của 400.000 cán bộ y tế mà ông là một trong số đó.
Nếu tính trung bình 1 cán bộ y tế trong 1 tháng trực từ 5-8 buổi trừ đi 8 tiếng làm việc bình thường thì họ làm thêm 16 giờ trong ngày trực, trong 1 tháng tính trung bình chỉ 5 ngày trực thôi họ làm thêm 80 giờ, và và 1 năm họ làm thêm 1.000 giờ. Nếu các đơn vị thiếu người, đặc biệt là đơn vị y tế công lập mà bác sĩ nhảy ra ngoài làm tư nhân thì thời gian họ trực nhiều hơn và thời gian làm thêm của họ là 1.500- 2.000 giờ, ông Tuấn nêu hàng loạt con số.
Tuy nhiên, đại biểu Tuấn nhấn mạnh, câu chuyện ở đây là tiền trực quá thấp, nếu trực suốt ngày suốt đêm như vậy được thêm 115.000 đồng ở đơn vị y tế loại 1, còn đơn vị y tế loại 2 được 95.000 đồng và số tiền phụ cấp này không đủ để tái tạo sức lao động.
"Tôi biết rằng một số cử tri, một số đại biểu muốn ngành y tế phải làm thêm thứ bảy, chủ nhật. Bởi vì thứ 7, chủ nhật học sinh và công nhân mới được nghỉ nhưng nếu làm thêm thứ 7, chủ nhật thì tất cả nhân viên y tế chúng tôi làm thêm ít nhất 800 giờ mỗi năm", ông Tuấn nói.