10:27 15/07/2024

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ cán đích

Khánh Vy

Với những kết quả quan trọng đạt được trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng GDP cả năm  được dự báo sẽ dao động trong khoảng từ 6,55% đến 6,95%. Song với mức tăng trưởng GDP thực tế vượt so với mức tiềm năng, việc mở rộng chi tiêu ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng theo cách tiếp cận chính sách tài khóa ngược chu kỳ có thể không hiệu quả như mong đợi...

Chia sẻ tại hội thảo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng với nền tăng trưởng cao đạt được trong nửa đầu năm, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng từ 6-6,5% mà Quốc hội đề ra cho năm 2024.

“Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 đã vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ (6,42%). Nếu tiếp tục duy trì đà phục hồi trong các quý cuối năm 2024, tăng trưởng GDP cả năm có thể hoàn thành mục tiêu từ 6-6,5%”, bà Minh nhận định.

NHỮNG KẾT QUẢ TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG

Báo cáo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024 được CIEM công bố vào đầu tuần tháng 7/2024 đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm cũng như cả năm 2024.

Theo đó, trong kịch bản 1, tăng trưởng GDP năm 2024 dự báo đạt 6,55%, xuất khẩu tăng 9,54% so với năm 2023, chỉ số CPI bình quân cả năm tăng 4,32% so với cùng kỳ và cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD.

Trong kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95%, xuất khẩu cả năm tăng 11,64% so với năm 2023, chỉ số CPI bình quân tăng 4,12% so với cùng kỳ và cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), sở dĩ CIEM dự báo tăng trưởng GDP ở cả hai kịch bản đều cao hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP là vì tăng trưởng GDP đã có sự phục hồi tích cực qua các quý.  So sánh với cùng kỳ trong giai đoạn 2020-2023, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2024 chỉ thấp hơn so với năm 2022. So sánh tăng trưởng giữa các quý trong giai đoạn này thì tăng trưởng quý 2/2024 cũng chỉ thấp hơn so với quý 2 và quý 3 của năm 2022.

Một trong những nguyên nhân đóng góp vào mức tăng ấn tượng của quý 2/2024 cũng như 6 tháng đầu năm 2024, theo đánh giá của CIEM, là do các cấu phần của tổng cầu đều có tăng trưởng tương đối tích cực. Trong đó, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 64,26% vào tốc độ tăng GDP; tích lũy tài sản tăng 6,72%, đóng góp 35,15%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,59%.

“Đáng chú ý, tốc độ tăng của tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản đang phục hồi dần về mức của các năm 2018-2019, thời điểm trước dịch Covid-19”, báo cáo của CIEM ghi nhận.

Ngoài ra, kết quả phục hồi cũng được thể hiện ở cả 3 nhóm ngành là: nông, lâm, thủy sản; công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Trong đó, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp – xây dựng đóng góp tới 44,28% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế trong nửa đầu năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng trưởng ở mức hai con số trong 6 tháng đầu năm.

Báo cáo của CIEM cũng ghi nhận một số kết quả tích cực trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm như: lạm phát tăng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát (CPI tăng 4,08% và lạm phát cơ bản tăng 2,75%). Lãi suất điều hành được duy trì ổn định và thấp hơn so với cuối năm 2023. Đầu tư công được thúc đẩy và vốn đầu tư FDI vẫn duy trì xu hướng tích cực.

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ cán đích - Ảnh 1

Đặc biệt, theo bà Trần Thị Hồng Minh, năng suất lao động 6 tháng đầu năm cũng đạt được một số kết quả tích cực, thể hiện ở một số chỉ tiêu như GDP bình quân lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng khoảng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023; tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước...

NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý

Dù tăng trưởng GDP là khá tích cực, song theo ông Nguyễn Anh Dương, vẫn còn những điểm cần lưu ý trong 6 tháng đầu năm 2024.

“Tốc độ tăng của quý 2/2024 của Việt Nam là khá ấn tượng nếu so sánh trong khu vực, chỉ thấp hơn Ấn Độ. Song cần lưu ý đây là quý thứ 4 liên tiếp tăng trưởng GDP vượt so với mức tiềm năng”, ông Dương nhận định.

Cụ thể, đại diện CIEM cho rằng kinh tế Việt Nam dường như bước vào giai đoạn mở rộng tăng trưởng so với tiềm năng trong nửa đầu năm 2024, hay nói cách khác, mức tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam vẫn chậm được cải thiện do cải cách thể chế, môi trường kinh doanh và định hướng tăng năng suất lao động chưa tương xứng với kỳ vọng và yêu cầu đặt ra.

Ngoài ra, tăng trưởng GDP thực tế vượt mức tiềm năng trong 4 quý liên tiếp cũng cho thấy áp lực từ tổng cầu đối với tăng giá. Kể từ đầu năm 2024 tới nay, chi phí cho sản xuất và tiêu dùng có xu hướng tăng. Chỉ số giá điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng gần 5,6%. Chỉ số giá dịch vụ vận tải đường hàng không trong quý 2/2024 và 6 tháng đầu năm 2024 tăng tương ứng 97,6% và 91,4%. Chỉ số giá sản xuất tăng tới 15,8% đối với dịch vụ vận tải kho bãi, 10,3% đối với nông nghiệp và dịch vụ có liên quan trong 6 tháng đầu năm 2024… “Do vậy, Việt Nam phải thực sự cân nhắc nếu muốn mở rộng chi tiêu ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo cách tiếp cận chính sách tài khóa ngược chu kỳ trong thời gian tới bởi chính sách này có độ trễ và chỉ có hiệu lực trong bối cảnh tăng trưởng gặp khó khăn”, ông Dương lưu ý.

Báo cáo của CIEM cũng chỉ ra những khó khăn khác mà nền kinh tế phải đối mặt. Đó là khu vực công nghiệp với số doanh nghiệp giải thể của phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn ở mức cao trong 6 tháng đầu năm (tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước). Một bộ phận doanh nghiệp ở khu vực này còn chậm thích ứng với các quy định mới về phát triển bển vững ở thị trường nhập khẩu.  Mức độ tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn.

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ cán đích - Ảnh 2

Cùng với đó, việc duy trì lãi suất thấp cũng dẫn tới không ít khó khăn về điều hành tỷ giá do chỉ số USD Index duy trì ở mức tương đối cao trong 6 tháng đầu năm 2024, các ngân hàng trung ương ở một số nền kinh tế chủ chốt đều rất thận trọng đối với việc giảm lãi suất điều hành.

“Mặt bằng lãi suất thấp, trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp khó khăn về đầu ra cũng khiến năng lực hấp thụ tín dụng của nền kinh tế còn hạn chế và các nhà đầu tư gia tăng hoạt động trên thị trường vàng, thị trường bất động sản. Theo đó, tính đến 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,5% so với cuối năm 2023 - mức tăng tiền gửi thấp nhất trong nhiều năm qua”, báo cáo chỉ rõ.

XỬ LÝ KHÓ KHĂN TRONG NGẮN HẠN VÀ DÀI HẠN

Các chuyên gia của CIEM cho rằng trong nửa cuối năm 2024, Việt Nam sẽ phải lưu tâm xử lý 4 vấn đề sau.

Thứ nhất, áp lực lạm phát còn lớn. Đáng lưu ý, tác động từ tăng lương cơ sở và tăng lương tối thiểu vùng có thể gây ra lạm phát “chi phí đẩy” nếu không có giải pháp kịp thời, đồng bộ. Bên cạnh đó, rủi ro gia tăng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, kèm theo đó là khả năng lạm phát gia tăng ở Mỹ và FED có thể giữ lãi suất điều hành ở mức cao, cần phải được xem xét cẩn trọng.

Thứ hai, khả năng kết nối giữa doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn chậm được cải thiện, qua đó ảnh hưởng đến khả năng đóng góp và hưởng lợi từ xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.

Thứ ba, nhận thức và năng lực chuyển đổi của doanh nghiệp để thích ứng với các xu hướng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) còn tương đối hạn chế.

Thứ tư, quá trình cải cách các quy định, điều kiện kinh doanh còn chưa tương xứng với yêu cầu và kỳ vọng, qua đó có thể ảnh hưởng đến khả năng tận dụng cơ hội kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp.

Về dài hạn, theo bà Trần Thị Hồng Minh, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách thể chế kinh tế. Theo đó, CIEM cho rằng cần thúc đẩy phát triển tài chính xanh ở Việt Nam thông qua việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý, khung khổ chính sách và cơ chế đối với thị trường tài chính xanh nhằm tạo nền tảng pháp lý thống nhất cho tài chính xanh… Cùng với đó, tiếp tục tạo động lực từ phát triển kinh tế đêm ở một số đô thị lớn của Việt Nam nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước, phát triển du lịch thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch…

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2024, phát hành ngày 15/07/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ cán đích - Ảnh 3