09:43 18/03/2008

Tăng vốn điều lệ: Áp lực mới lên công ty niêm yết

Tú Uyên

Nhiều doanh nghiệp niêm yết tại sàn Tp.HCM gặp khó khi phải tăng vốn điều lệ lên ít nhất 80 tỷ đồng trong năm nay, theo quy định

Vào thời điểm hiện nay, việc hút vốn từ các doanh nghiệp và cổ đông không hề dễ.
Vào thời điểm hiện nay, việc hút vốn từ các doanh nghiệp và cổ đông không hề dễ.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE), khoảng 50 doanh nghiệp niêm yết, chiếm hơn 30% tổng doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn này, có vốn điều lệ dưới 80 tỷ đồng.

Các công ty này đang ở tình thế khó khăn, khi phải thực hiện phương án tăng vốn điều lệ lên ít nhất 80 tỷ đồng trong năm nay để đáp ứng quy định tại Nghị định 14/2007NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 14/2007NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, sau hai năm kể từ ngày Luật Chứng khoán chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE phải có vốn điều lệ tối thiểu 80 tỷ đồng. Thời hạn cuối cùng cho các doanh nghiệp thực hiện quy định này là ngày 1/1/2009, và như vậy các doanh nghiệp này vẫn còn đến hơn 9 tháng nữa để thực hiện tăng vốn. 

Ở thời điểm cách đây 1-2 năm, việc thu hút vốn từ các cổ đông hoặc các nhà đầu tư rất dễ dàng. Thế nhưng, trong bối cảnh thị trường đang sụt giảm mạnh như hiện nay do nhiều nguyên nhân khách quan tác động, và phải nhờ đến sự can thiệp của Nhà nước, các nhà điều hành thị trường (Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE...), thậm chí từ chính các chủ thể tham gia thị trường để vực dậy thị trường, thì việc phát hành cổ phiếu tăng vốn quả là vấn đề nan giải của các doanh nghiệp niêm yết.

Tại cuộc họp giữa các doanh nghiệp niêm yết diễn ra ở Tp.HCM mới đây, nhiều công ty niêm yết đã bày tỏ lo lắng về việc không kịp tăng vốn điều lệ đúng thời hạn, bởi tình hình thị trường không đứng về phía tổ chức phát hành. Với tình hình thị trường chứng khoán hiện nay, việc phát hành cổ phiếu tăng vốn (dù là cổ phiếu thưởng hay phát hành quyền mua) cũng đều làm loãng giá cổ phiếu, khiến các cổ đông có thể bị thiệt hại trước mắt.

Điều đáng nói là không chỉ buộc phải tăng vốn theo quy định, mà nhiều doanh nghiệp niêm yết có vốn điều lệ dưới 80 tỷ đồng ở sàn HOSE, cũng có nhu cầu tăng vốn thật sự để mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển công ty. Thậm chí, có doanh nghiệp đã lấy chính phương án phát hành tăng vốn thế chấp ngân hàng xin ứng trước vốn để triển khai dự án.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, họ đang ở trong vòng luẩn quẩn dù số vốn phát hành tăng thêm không nhiều, nhưng áp lực với họ làm thủ tục đúng vào lúc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có chủ trương giãn phát hành, nên thời gian cấp phép khá lâu, khiến cho doanh nghiệp lỡ bị “chuyến đò”, thiếu vốn hoạt động; các doanh nghiệp đi vay vốn ngân hàng thì bị “lãi mẹ đẻ lãi con” do thời gian trả lãi vay kéo dài ra, ảnh hưởng đến tình hình sản suất; không những thế thời điểm chuẩn bị phát hành lại rơi đúng vào lúc thị trường đang tụt dốc, giá cổ phiếu giảm mạnh khiến việc huy động đã bị nay lại càng thêm khó.

Theo ông Trương Phú Chiến, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Các công ty niêm yết, “phát hành thêm cổ phần trong giai đoạn hiện nay phải cân nhắc kỹ, phải thật sự gắn liền dự án đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả cao, và kéo giãn giữa các đợt phát hành”.

Trở lại thời điểm Luật Chứng khoán bắt đầu có hiệu lực (1/1/2007), thị trường chứng khoán rất khởi sắc nên các nhà làm luật và chính các doanh nghiệp niêm yết không lường trước được tình hình khó khăn sẽ xảy ra cho thị trường trong tương lai, nhất là khó khăn lại đồng loạt diễn ra cùng một thời điểm (từ cuối 2007 đến nay), khiến họ “trở tay” không kịp.

Chẳng hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng của sự suy giảm nghiêm trọng của thị trường chứng khoán toàn cầu vào cuối năm 2007 nên đã sụt giảm và gây tâm lý bất ổn cho giới đầu tư trong nước; chỉ thị 03/2007/CT-NHNN chính thức đưa vào thực thi khiến dòng vốn đầu tư vào chứng khoán bị hạn chế; IPO Vietcombank được diễn ra vào những ngày cuối năm 2007 đã hút một lượng vốn khổng lồ (gần 10.000 tỷ đồng) ra khỏi thị trường niêm yết; lạm phát tăng cao khiến Ngân hàng Nhà nước hạn chế mua USD khiến kênh vốn quan trọng cho thị trường chứng khoán đến từ các nhà đầu tư nước ngoài gặp bế tắc do khó khăn trong việc chuyển đổi thành đồng Việt Nam; giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao; đồng USD suy yếu do kinh tế Mỹ khó khăn...

Trở lại với việc tăng vốn của các doanh nghiệp niêm yết, sẽ càng khó khăn cho các doanh nghiệp này khi đứng trước nhiều biến động như hiện nay. Chính vì thế, các doanh nghiệp đề nghị, Ủy ban Chứng khoán nên có chủ trương rõ ràng về việc IPO cũng như phát hành tăng vốn cho các doanh nghiệp.

Đối với những doanh nghiệp có dự án cụ thể, cần vốn ngay để hoạt động thì nên xem xét, duyệt hồ sơ sớm. Còn những doanh nghiệp nào có khả năng thực hiện chủ trương giãn phát hành thì Uỷ ban nên có ý kiến chính thức về việc giãn thời hạn tăng vốn điều lệ lên 80 tỷ đồng sau thời điểm 1/1/2009.

“Chúng tôi sẽ xin ý kiến của từng doanh nghiệp sau đó sẽ gửi kiến nghị lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về vấn đề này. Cụ thể, đối với các công ty đang niêm yết trên sàn Tp.HCM chưa đạt mức vốn điều lệ 80 tỷ đồng nhưng vẫn có nguyện vọng được niêm yết trên sàn này, chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý lùi thời hạn tăng vốn đến 2010 để hạn chế tình trạng huy động vốn khi chưa thật sự cần thiết”, ông Chiến cho biết thêm.

Tuy nhiên, việc gia hạn thêm thời gian tăng vốn lên tối thiểu 80 tỷ đồng cho doanh nghiệp niêm yết là thẩm quyền của Chính phủ, vì điều này được quy định trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên sớm có kiến nghị, để các doanh nghiệp tính toán lại phương án tăng vốn cho phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn và tình hình thị trường hiện nay.