08:34 17/10/2020

Thâm hụt ngân sách của Mỹ lập kỷ lục trên 3 nghìn tỷ USD

An Huy

Washinton phải mạnh tay chi tiêu để trợ lực cho nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Capitol Hill, Washington DC - Ảnh: Bloomberg/CNBC.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Capitol Hill, Washington DC - Ảnh: Bloomberg/CNBC.

Thâm hụt ngân sách Chính phủ Mỹ tăng gấp hơn ba lần, lên mức kỷ lục 3,1 nghìn tỷ USD, trong tài khóa vừa kết thúc, khi Washinton phải mạnh tay chi tiêu để trợ lực cho nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Báo cáo ngày 16/10 của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy tỷ lệ thâm hụt ngân sách của nước này so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong tài khóa kết thúc vào tháng 9/2020 đã lên mức 16%, cao nhất kể từ năm 1945.

Ở thời điểm cuối cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2009, thâm hụt ngân sách Chính phủ Mỹ là 10% GDP, sau đó giảm dần cho tới hết năm 2015.

Giới đầu sẵn sàng chấp nhận mức lợi suất siêu thấp khi mua trái phiếu kho bạc Mỹ, nhờ đó tiền lãi mà Washington phải trả cho việc đi vay để chi tiêu đã giảm 9% trong tài khóa vừa rồi, còn 522,8 tỷ USD - mức thấp nhất từ năm 2017.

Tuy nhiên, nợ quốc gia của Mỹ hiện đã lớn hơn quy mô của nền kinh tế, và có thể lớn gấp đôi GDP vào năm 2050 khi dân số lão hóa sử dụng nhiều hơn các chương trình an sinh xã hội và chăm sóc y tế như Social Security và Medicare - Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cảnh báo.

Kết thúc tài khóa, khối nợ quốc gia của Mỹ là gần 27 nghìn tỷ USD, trong đó 6 nghìn tỷ USD nằm trong tay các chủ nợ thuộc khu vực nhà nước.

Tăng gấp ba, thâm hụt ngân sách Chính phủ Mỹ lập kỷ lục trên 3 nghìn tỷ USD - Ảnh 1.

Tỷ lệ thặng dư/thâm hụt ngân sách Chính phủ Mỹ so với GDP qua các năm. Đơn vị: % - Nguồn: Bộ tài chính Mỹ/Bloomberg.

Rủi ro là trong dài hạn, khối nợ gia tăng có thể châm ngòi cho lạm phát và khiến nhà đầu tư "mất hứng" mua vào nếu thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ trở nên quá bão hòa, hãng tin Bloomberg cho hay.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell và một số quan chức khác nói rằng sẽ đến lúc Mỹ cần điều chỉnh vấn đề vay nợ, nhưng giờ chưa phải là lúc lo ngại về nợ vì tỷ lệ thất nghiệp còn cao và các doanh nghiệp đang khốn đốn vì đại dịch, đòi hỏi phải có các biện pháp kích cầu.

Fed đã hạ lãi suất về gần 0 từ tháng 3 và dự định sẽ giữ lãi suất ở mức siêu thấp này cho tới ít nhất hết năm 2023, nhưng Quốc hội Mỹ hiện vẫn chưa nhất trí được về một gói kích cầu mới, dù ngày bầu cử Tổng thống 3/11 đang đến rất gần.

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy Chính phủ liên bang tăng chi tiêu 47,3% trong tài khóa 2020 so với tài khóa trước, lên 6,55 nghìn tỷ USD. Riêng trong tháng 6, Chính phủ Mỹ tiêu khoảng 1,1 nghìn tỷ USD.

Trong số các khoản chi, báo cáo trên cho thấy có 275 tỷ USD tiền trợ cấp thất nghiệp bổ sung và gần 196 tỷ USD tiền trợ cấp thất nghiệp.

Thu ngân sách đạt 3,42 nghìn tỷ USD, giảm 1,2%, chủ yếu do số thuế thu được giảm 203 tỷ USD còn 1,61 nghìn tỷ USD.

Trong tài khóa 2019, ngân sách chính phủ Mỹ thâm hụt 984 tỷ USD. Mức thấp hụt 3,1 nghìn tỷ USD của tài khóa 2020 phá kỷ lục cũ là khoản 1,4 nghìn tỷ USD thiết lập năm 2009 - năm mà Chính phủ nước này phải mạnh tay kích cầu để đưa nền kinh tế vượt khủng hoảng tài chính.