Thành công kép cho con thuyền đất nước
Không chỉ chèo lái đưa con thuyền đất nước đạt thành tựu kinh tế - xã hội, Chính phủ còn lan tỏa tình đoàn kết lên cao chưa từng có
Không chỉ chèo lái đưa con thuyền đất nước đạt thành tựu kinh tế - xã hội, Chính phủ còn lan tỏa tình đoàn kết lên cao chưa từng có. Có đông đủ các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, 60 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, tất cả Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố... cùng tham dự "Hội nghị Chính phủ và địa phương" vào ngày cuối năm 2019.
Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chia sẻ thêm về những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được.
Mọi mục tiêu đều có thể cán đích
Thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng, nhưng đất nước không thể bước nhanh nếu không đoàn kết. Chính phủ đã ghi được dấu ấn nổi bật về lan tỏa tinh thần đoàn kết, như vậy, có thể nói, Chính phủ đạt được thành công kép?
Trong 3 năm liên tục, từ 2017 đến nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đều tới dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Chính phủ và các địa phương. Sự hiện diện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nay đã thành một thông lệ, là một vinh dự lớn, khích lệ tinh thần của Chính phủ trong việc điều hành đất nước và đó chính là lời hiệu triệu sức mạnh đoàn kết.
Có được chỗ dựa như vậy, Chính phủ có thêm được quyết tâm để dồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Mong muốn lan tỏa tinh thần đoàn kết, Chính phủ cũng mong muốn lan tỏa tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm, hành động đến các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước để hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020 và của giai đoạn 2016-2020.
Như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những thành quả kinh tế - xã hội mà thời gian qua chúng ta có được, đặc biệt là trong năm 2019 đã chứng minh rằng với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn thì mọi mục tiêu đều có thể cán đích, kể cả những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được.
Tại "Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương 2018", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi gắm niềm tin và kỳ vọng 2019 sẽ là năm thành công hơn nữa. Và Chính phủ đã làm được.
Có vẻ như càng thành tích rực rỡ, Chính phủ càng ngại nói về công của mình, thưa ông?
Những kết quả quan trọng, toàn diện đạt được là rất ấn tượng trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động, ảnh hưởng lớn của tình hình thế giới, khu vực và thiên tai, dịch bệnh...
Trước hết, kết quả đó là sự tiếp tục khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đất nước, là kế thừa thành tựu của gần 35 năm đổi mới, sau đó, là minh chứng rõ nét của tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo và ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chứ không phải là công sức của riêng ai.
Đất nước còn khó khăn, chặng đường phát triển phía trước còn gian nan, đây không phải là lúc nhận công. Thành tựu đạt được của năm 2019 sẽ còn cao hơn nữa nếu mỗi chúng ta cùng quyết liệt hành động hơn nữa, trách nhiệm cao hơn nữa, đoàn kết hơn nữa. Chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay, không được để từng ngày qua đi uổng phí.
Giữ cho bốn mùa tỏa nắng
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có lẽ là người hiểu hơn hết tâm tư này của Chính phủ khi trích dẫn nhận định của WB, "mặt trời tỏa nắng ở Việt Nam", là như muốn trao phần thưởng tinh thần lớn lao cho Chính phủ...
Thực tế năm 2019, hầu hết các nền kinh tế, cả ở nhóm các nước phát triển và nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đều suy giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng; theo IMF, tăng trưởng chậm lại diễn ra ở 90% số nước trên thế giới. Nhóm các nước phát triển chỉ tăng trưởng 1,7%, trong đó Mỹ tăng trưởng 2,4%, Eurozone tăng 1,2%, Nhật Bản tăng 0,9%...
Tăng trưởng của nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển giảm tốc khá mạnh với tăng trưởng chỉ đạt 3,9%, trong đó tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ giảm mạnh xuống mức 6% (tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm trở lại đây), Nga tăng 1,1%, Brazil tăng 0,9%, các nước ASEAN-5 tăng 4,8%.
Trong khi đó ở Việt Nam, năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp chúng ta giành được nhiều thành tựu quan trọng, đất nước tiếp tục có nhiều khởi sắc trong một thế giới đầy biến động vì xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị.
Chúng ta đạt được mức tăng trưởng kinh tế trên 7%, cao gấp 3 lần mức tăng trưởng bình quân của thế giới, thuộc nhóm quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á và toàn cầu. Càng ý nghĩa hơn khi lạm phát được kiểm soát ở mức tăng 2,75%, là mức rất thấp so với mục tiêu dưới 4% mà Chính phủ đặt ra từ đầu năm, góp phần gia tăng tích luỹ, thu nhập cho cả ngân sách quốc gia, doanh nghiệp và người dân.
Nhưng để đảm bảo cho bốn mùa "kinh tế đều tỏa nắng", hẳn là không dễ dàng, thưa ông?
Đúng như vậy. Do đó, ngay từ lúc này, Chính phủ đã bắt tay khẩn trương triển khai nhiệm vụ của năm 2020. Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, chuẩn bị, tạo đà cho Kế hoạch, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.
Trong năm, nhiều sự kiện, kỷ niệm những ngày lễ lớn như 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập nước, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào năm 2021.
Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2020 là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả" với 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành. Sáu chỉ đạo trọng tâm này của Chính phủ nhằm tiếp tục hoàn thành và hướng tới hoàn thành vượt mức yêu cầu của Quốc hội giao cho Chính phủ trong năm 2020 mà trước hết là 2 chỉ tiêu là: Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8% (Quốc hội giao tăng khoảng 7%) và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu là dưới 2% (Quốc hội giao dưới 3%).
10 chỉ tiêu còn lại được xác định là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,8%, lạm phát chỉ tăng dưới 4%, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội so GDP là 33-34%; tỷ lệ giảm nghèo từ 1-1,5%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 65%; số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) là 28; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 90,7%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 90% và tỷ lệ che phủ rừng là 42%.
Tăng trưởng phủ khắp mọi miền
Thủ tướng ca ngợi thể thao năm 2019 "vượt lên chính mình", nhưng kinh tế cũng vậy mà Thủ tướng vẫn chưa hài lòng về sự "vượt lên chính mình". Ông có thể chia sẻ lý do vì sao?
Đó là bởi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc, đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, ô nhiễm môi trường ở một số địa phương còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm không khí tại một số thành phố; thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề trong khi nguồn lực có hạn...
Tình hình luôn đặt ra đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, vượt qua khó khăn, thách thức, bám sát thực tiễn, hành động quyết liệt trên các lĩnh vực. Dù có những mục tiêu mà để đạt được chúng ta đã thực sự "vượt lên chính mình", nhưng chỉ cần chủ quan một chút, sớm hài lòng thì thành quả sẽ trở nên mong manh.
Tăng trưởng kinh tế liệu có phải là con số mong manh như tấm huy chương vàng năm nay có, năm sau không?
Việc Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 7% trong năm 2019 là một kết quả rất lớn. Lường trước việc tăng trưởng kinh tế thế giới có thể sẽ không tăng trưởng theo dự báo mà có thể xấu đi, thương mại toàn cầu có thể ảnh hưởng theo khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa thể kết thúc trong ngắn hạn.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất với Trung ương Đảng, Quốc hội kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2020 là 6,8% để phù hợp với tình hình thực tế. Dù thấp hơn so với kết quả đã đạt được của năm 2019, nhưng mục tiêu chúng ta hướng tới không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn phải phát triển bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Rõ ràng duy trì mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững là cực kỳ gian nan, nhưng Chính phủ quyết tâm không để cho kết quả đạt được của mục tiêu này là mong manh. Tăng trưởng của đất nước đã phủ khắp các lĩnh vực, vùng miền.
Đặc biệt, nhìn vào khu vực nông thôn, chúng ta vui mừng khi đang có 54% số xã và 111 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu nghị quyết của Đảng và Quốc hội trước gần 2 năm. Xây dựng nông thôn mới đã thực sự không còn là phong trào mà trở thành sự nghiệp tự thân của mỗi người dân, mỗi cấp uỷ, chính quyền. Nhiều vùng quê trên khắp cả nước đã trở thành nơi đáng sống...
Càng nhìn vào thực tế như vậy, càng thấy rằng, không chỉ cố gắng để tăng trưởng tăng thêm bao nhiêu điểm phần trăm, quy mô nền kinh tế lớn thêm bao nhiêu, mà niềm vui lấp lánh trong ánh mắt mỗi người dân là điều chúng ta phải luôn nỗ lực cố gắng giữ để đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, không để niềm vui đó chỉ là cảm xúc mong manh.