17:37 16/05/2023

Thanh Hoá chi hơn 1.000 tỷ mở rộng 1,5 km đường

Nguyễn Thuấn

Dự án mở rộng đại lộ Lê Lợi tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 164 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách tỉnh bố trí 450 tỷ đồng, vốn ngân sách thành phố Thanh Hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác là gần 559 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2022 – 2025...

Tuyến đường Đại lộ Lê Lợi, thành phố Thanh Hóa
Tuyến đường Đại lộ Lê Lợi, thành phố Thanh Hóa

UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có quyết định số 1563/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng đại lộ Lê Lợi, đoạn từ ngã tư Phú Sơn đến cầu Đống, thành phố Thanh Hóa.

Theo đó, với mục tiêu từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các tuyến giao thông quan trọng của tỉnh, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; tăng cường khả năng kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại giữa các vùng trong khu vực với Cảng hàng không Thọ Xuân; giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường trục chính của thành phố Thanh Hóa và tạo trục cảnh quan đô thị.

UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng đại lộ Lê Lợi, đoạn từ ngã tư Phú Sơn đến cầu Đống (TP Thanh Hóa) với chiều dài tuyến 1,5 km, theo quy chuẩn QCVN 07-4:2016/BXD và tiêu chuẩn TCVN 13592:2022 đường đô thị - yêu cầu thiết kế; tốc độ thiết kế Vtk=50km/h; cầu trên tuyến bằng bê tông cốt thép theo tiêu chuẩn TCVN 11823:2017, tải trọng thiết kế HL93 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hoá làm chủ đầu tư.

Với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 164 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách tỉnh bố trí 450 tỷ đồng, vốn ngân sách thành phố Thanh Hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác là gần 559 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2022 – 2025.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hoá cho biết, tuyến đường Đại lộ Lê Lợi những năm gần đây dường như bị quá tải do tình hình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn và lưu lượng phương tiện lớn nên việc đầu tư mở rộng là cần thiết. Được biết, khi thực hiện xây dựng, dự kiến sẽ có 290 hộ gia đình và chợ Cầu Đống bị ảnh hưởng, trong đó có 254 hộ phải di chuyển tái định cư và 36 hộ lùi vào trong.

Trước đó, vào thời điểm tháng 6/2022, sau khi khảo sát thực tế tại dự án này, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá nhận định đây là dự án trọng điểm trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, là trục xương sống của tỉnh nối giữa TP Thanh Hóa với sân bay Thọ Xuân. Vì vậy TP Thanh Hóa chủ động phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành liên quan nhanh chóng hoàn tất về công tác thẩm định dự án và các thiết kế, thủ tục pháp lý liên quan sớm trình UBND tỉnh xem xét thông qua.

Liên quan đến một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản chỉ đạo các ngành nghiên cứu xây dựng dự án tuyến đường Vành đai 3. Thời điểm tháng 3 vừa qua, sau khi kiểm tra thực tế dự án đường Vành đai 3 nối huyện Hoằng Hóa và Quảng Xương, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; UBND các huyện: Hoằng Hóa, Quảng Xương và TP Thanh Hóa nghiên cứu, tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường Vành đai 3 dài 15,2km. Trong đó, đối với cầu Hoằng Đại bắc qua sông Mã có chiều dài 2,4km, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Giao thông vận tải làm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lên phương án kiến trúc cầu theo hướng đảm bảo yếu tố mỹ thuật cảnh quan, tạo điểm nhấn cho TP Thanh Hóa. Các ngành liên quan chủ động phối hợp, cân đối nguồn kinh phí cho dự án vào giai đoạn vốn đầu tư trung hạn.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng phương án khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường vành đai và đề xuất phương án tài chính trên từng địa bàn huyện, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/8/2023.