10:36 09/05/2023

Thanh Hóa lập Bộ phận hỗ trợ Nhật Bản, mở cánh cửa đầu tiên thu hút vốn FDI

Thiên Anh

Thanh Hóa luôn xác định việc thu hút FDI về những lĩnh vực địa phương có thế mạnh là đặc biệt quan trọng. Chính vì thế, việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân Nhật Bản thông qua một bộ phận hỗ trợ đầu tư một cách chuyên nghiệp là cánh cửa đầu tiên để các doanh nghiệp xứ Mặt trời mọc tìm đến với Thanh Hóa...

ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Thanh Hóa.
ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Thanh Hóa.

Chiều 6/5/2023, tại thành phố biển Sầm Sơn, Hội nghị 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản đã diễn ra thành công tốt đẹp. Bên lề sự kiện, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc phỏng vấn nhanh ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Thanh Hóa về quan hệ hợp tác đầu tư Thanh Hóa - Nhật Bản và dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall sắp được khởi công.

Trong quý 1 năm 2023, nhóm doanh nghiệp do Tập đoàn điện lực Nhật Bản JERA dẫn đầu đã đến Thanh Hóa khảo sát, đề xuất, tìm hiểu cơ hội đầu tư siêu nhà máy điện khí tại Khu kinh tế Nghi Sơn với quy mô lên tới 138.000 tỷ đồng. Xin ông cho biết thông tin về quá trình tiếp xúc, cung cấp thông tin về quá trình làm việc của hai bên?

Từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa đã đón Tập đoàn JERA đến thăm, khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư 2 lần. JERA là Tập đoàn điện lực hàng đầu Nhật Bản, hiện đang tìm hiểu cơ hội đầu tư Tổ hợp sản xuất điện khí tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Hai bên đã có những cuộc tiếp xúc, làm việc ban đầu tương đối thân thiện, cởi mở. Tuy nhiên hiện nay, chúng tôi đang chờ Quy hoạch điện 8 của Thủ tướng Chính phủ để có thể tiến hành các công đoạn hợp tác đầu tư cụ thể.

Khi có Quy hoạch điện 8, Thanh Hóa sẽ tạo điều kiện tốt nhất để JERA xúc tiến việc đầu tư Tổ hợp điện khí quy mô lớn, có công nghệ tiên tiến taị Khu kinh tế Nghi Sơn. Quan điểm của tỉnh Thanh Hóa là luôn mở cửa, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản yên tâm đầu tư lâu dài tại Thanh Hóa trên tinh thần hai bên “cùng thắng”.

Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi trả lời phỏng vấn báo chí.
Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi trả lời phỏng vấn báo chí.

Thưa ông, vì sao dự án đầu tư Trung tâm thương mại Aeon Mall trị giá 170 triệu USD dự kiến khởi công đầu năm 2022, khánh thành trong quý 4 năm 2022 lại bị chậm tiến độ? Dự án sẽ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư? Bao giờ thì dự án có thể khởi công?

Thanh Hóa xác định dự án trung tâm thương mại của Tập đoàn Aeon Mall là dự án quan trọng. Đây là dự án lớn về thương mại, bán lẻ hiện đại, mang tính chất tiên phong, biểu tượng đối với tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ. Như các bạn biết, Tập đoàn Aeon Mall là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản và đã có các dự án đầu tư trung tâm thương mại thắng lợi ở các thành phố lớn tại Việt Nam.

Khi dự án đi vào hoạt động, các sản phẩm của Thanh Hóa, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, OCOP sẽ có cơ hội lên kệ ở siêu thị bán lẻ hàng đầu thế giới. Đồng thời thông qua Aeon Mall Thanh Hóa, các sản phẩm địa phương sẽ mở được cánh cửa để đến với thị trường Nhật Bản và các quốc gia có sự đầu tư của Aeon Mall. Vì thế đây là một sự hợp tác mang tính chiến lược giữa Thanh Hóa và đối tác Nhật Bản, kết nối với thị trường rộng lớn nhưng khó tính của nước bạn. Dự án này đã kí hợp đồng ghi nhớ giữa đôi bên.

Việc dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch Covid-19 diễn ra tại Nhật Bản và thế giới khiến doanh nghiệp giãn tiến độ đầu tư. Khi đại dịch đi qua, hai bên đã làm việc lại để tiếp tục khởi động dự án.

Hiện nay, các thủ tục pháp lý về đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thiện. Nếu không có gì thay đổi dự án sẽ sớm được đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng trung tâm thương mại. Dự kiến, dự án sẽ được chính thức khởi công trong quý 4 năm nay để chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước và khánh thành vào quý 1  năm 2024.

Phối cảnh Dự án Aeon Mall.
Phối cảnh Dự án Aeon Mall.

Thanh Hóa đã thành lập Bộ phận hỗ trợ Nhật Bản tại Thanh Hóa (Japan Desk Thanh Hóa), xin ông cho biết những hoạt động cụ thể của bộ phận này và những kết quả đã đạt được cho đến nay?

Thanh Hóa luôn xác định việc thu hút FDI về những lĩnh vực địa phương có thế mạnh là đặc biệt quan trọng. Chính vì thế việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân Nhật Bản thông qua một bộ phận hỗ trợ đầu tư một cách chuyên nghiệp là cánh cửa đầu tiên để các doanh nghiệp xứ Mặt trời mọc tìm đến với Thanh Hóa, cũng như người dân doanh nghiệp Thanh Hóa tiếp cận với văn hóa và thị trường Nhật Bản. Xuất phát từ yêu cầu thực tế trong quá trình tiếp xúc với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Nhật Bản, Thanh Hóa đã cho phép thành lập bộ phận Hỗ trợ Nhật Bản (Japan desk) từ năm 2020.

Theo đánh giá của chúng tôi, hiện nay bộ phận này đang hoạt động rất có hiệu quả, mang lại nhiều kết quả cụ thể, tích cực. Người Nhật Bản họ rất quan tâm đến việc họ đến với chúng ta thì chúng ta có sự quan tâm như thế nào. Vì thế, Bộ phận hỗ trợ Nhật Bản chính là cách mà chúng ta hỗ trợ họ nhanh, chuyên nghiệp và trọng thị nhất. Thông qua cánh cửa đầu tiên này, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân là người Nhật Bản đến với Thanh Hóa đánh giá rất cao chúng ta.

Hiện nay, Thanh Hóa đang chỉ đạo Bộ phận hỗ trợ Nhật Bản mở rộng nhiều hình thức tư vấn, tiếp thị, quảng bá, hỗ trợ, cung cấp thông tin cả trực tiếp và trực tuyến để làm sao ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức và người dân Nhật Bản biết về Thanh Hóa, đến với Thanh Hóa và làm ăn lâu dài với Thanh Hóa. Đây chính là biểu hiện sinh động của đối ngoại kinh tế, ngoại giao nhân dân trong thời đại 4.0.

Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở các Bộ phận hỗ trợ đầu tư với các quốc gia và khu vực trên thế giới, trước mắt là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) để mở rộng giao thương, xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư và ngoại giao nhân dân.