13:34 05/05/2008

Thành lập quỹ chống khủng hoảng 80 tỷ USD cho Đông Á

Kiều Oanh

Ngày 4/5, Bộ trưởng Tài chính 13 nước Đông Á đã nhất trí thành lập một quỹ dự trữ ngoại hối trị giá ít nhất 80 tỷ USD cho khu vực

Thỏa thuận quỹ dự trữ ngoại hối này của châu Á sẽ là một bước tiến tiếp theo tới việc thành lập một tổ chức khu vực tương đương với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Thỏa thuận quỹ dự trữ ngoại hối này của châu Á sẽ là một bước tiến tiếp theo tới việc thành lập một tổ chức khu vực tương đương với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ngày 4/5, Bộ trưởng Tài chính 13 nước Đông Á đã nhất trí thành lập một quỹ dự trữ ngoại hối trị giá ít nhất 80 tỷ USD cho khu vực. Mục đích của quỹ này là đem lại cho các nước thành viên một nguồn tài chính đảm bảo để tránh lặp lại cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ hồi năm 1997.

Thỏa thuận nói trên được đưa ra trong cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN vừa được tổ chức tại Tây Ban Nha bên lề hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Được biết, thỏa thuận đã được đưa ra đàm phán trong vòng hơn 1 năm này sẽ thay thế một loạt thỏa thuận hoán đổi tiền tệ chủ yếu song phương được biết đến với cái tên Sáng kiến Chiangmai. Cũng theo thỏa thuận mới này, Sáng kiến Chiangmai sẽ trở thành một cơ chế quỹ tiền tệ chung tự quản chịu sự chi phối của các quy định luật pháp.

Theo đánh giá của giới quan sát, thỏa thuận quỹ dự trữ ngoại hối nói trên của châu Á sẽ là một bước tiến tiếp theo tới việc thành lập một tổ chức khu vực tương đương với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Một phần mục đích của việc thành lập quỹ này của các nước Đông Á là tránh ảnh hưởng của IMF. Trong cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực 1997 - 1998, các nước châu Á đã phải chấp nhận áp dụng các chính sách kinh tế không phù hợp theo yêu cầu của IMF để đổi lấy sự giúp đỡ giải quyết khủng hoảng của tổ chức này.

Thông cáo chung của cuộc họp cho thấy, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ đóng góp 80% dự trữ ngoại hối nói trên, còn các nước ASEAN sẽ đóng góp 20%. Ngoài việc tham gia vào quỹ chung này, các nước thành viên quỹ vẫn sẽ tiếp tục quản lý dự trữ ngoại hối riêng của mình.

Năm ngoái, bộ trưởng tài chính các nước châu Á đã thống nhất sẽ dành một phần trong lượng dự trữ ngoại hối lên tới 3.400 tỷ USD của khu vực để thành lập một quỹ chung, nhưng chưa quyết định được quy mô của quỹ này và thời điểm thành lập. Còn sau cuộc họp lần này, các bộ trưởng đã quyết định sẽ thúc đẩy việc thảo luận về chi tiết điều khoản cho vay.

Trước khi diễn ra cuộc họp của các bộ trưởng tài chính châu Á, ông Naoyuki Shinohara, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản, đã lên tiếng cảnh báo rằng nguồn quỹ chung này phải được sử dụng có trách nhiệm. “Chúng tôi không muốn đây là một cơ chế cho vay dễ dàng. Điều quan trọng nhất là làm thế nào để tăng cường hoạt động giám sát”, ông nói.

(Theo Reuters)