Thanh toán học phí không dùng tiền mặt: Vì sao còn khó?
Để có thể triển khai đồng bộ, hiệu quả việc thanh toán học phí không dùng tiền mặt là câu chuyện đường dài, kết hợp sự nỗ lực từ nhiều phía
Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục đem lại chính sự tiện lợi cho người dân, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả của cả nền kinh tế, phù hợp với xu thế chung của thị trường. Tuy nhiên để có thể triển khai đồng bộ, hiệu quả lại là câu chuyện đường dài, kết hợp sự nỗ lực từ nhiều phía.
Mệt mỏi vì xếp hàng, lo ngay ngáy sợ mất tiền
Ngày mùng 1 đến mùng 5 hàng tháng là thời điểm trường mầm non Lê Quý Đôn, Hà Đông tổ chức thu tiền học phí tại sảnh tầng 1. Đến hẹn lại lên, hình ảnh quen thuộc là một hàng dài các bậc phụ huynh chen chân nhau chờ được… đóng tiền.
Đứng tại điểm thu học phí, một bác trung niên cầm sẵn tiền chờ đến lượt cho biết: "Hôm trước cầm tiền đóng học cho cháu nhưng sơ suất đánh rơi trên đường. Bố mẹ chúng nó bận đi làm từ sáng sớm nên không thu xếp được, nhờ tôi đóng hộ nhưng chỉ lo tuổi già nhớ nhớ quên quên, đãng trí rồi lại đánh mất".
Trường hợp của bác trung niên nói trên không phải hiếm. Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, việc đến trường học đóng phí cho con nhiều khi rất bất tiện, thậm chí có thể muộn cả giờ đi làm vì chờ đợi. Chị Thanh Miên (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, để đóng học xong cho 2 đứa con, 1 đứa mẫu giáo và một đứa cấp 1 chị mất gần hết buổi sáng.
"Mỗi lần có phiếu thanh toán học phí của con phải vài ngày sau tôi mới đóng, bởi thời gian đầu rất nhiều phụ huynh đến xếp hàng chờ đợi, có khi nửa tiếng mới xong. Công việc của tôi lại rất bận nên ngại cảnh chờ đợi đó. Nếu được áp dụng cách đóng tiền bằng chuyển khoản như tiền điện, tiền nước thì quá tiện lợi", chị Miên lên tiếng.
Trong khi đó, từ phía nhà trường - chị Minh Thư - Kế toán một trường Trung học cơ sở ngoại thành Hà Nội cho biết, việc thu các khoản tiền học đầu năm là nỗi áp lực lớn của nhà trường. Số lượng phụ huynh, học sinh đến trường đóng học phí rất đông, thường dồn dập trong 1 khoảng thời gian ngắn.
"Việc thu sao cho đỡ nhầm lẫn, thừa thiếu, tiền giả - tiền thật khá đau đầu. Nếu triển khai thu bằng hình thức chuyển khoản thì công việc, áp lực của những người nhân viên thu tiền như chúng tôi cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều", chị Minh Thư nói.
Không vất vả chờ xếp hàng hay lo mất tiền, mất thời gian, chị Lưu Thuỷ - một phụ huynh có con đang theo học tại Trường Tiểu học Phạm Tu (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại tỏ ra khá thoải mái trong việc đóng các khoản học cho con.
"Tôi thấy tiền điện, nước, dịch vụ, mua sắm… tất cả đều có thể thanh toán bằng thẻ, chỉ cần một chiếc điện thoại di động hoặc máy tính có kết nối mạng là trong tích tắc giải quyết xong. Việc đóng học phí cho con hiệntại tôi cũng không cần phải đến trường đưa tiền mặt, quả thật rất tiện lợi cho phụ huynh. Vừa tiết kiệm thời gian, vừa không phải đi rút tiền mặt", chị Lưu Thuỷ chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế khá nhiều trường từ các cấp tiểu học đến đại học đã triển khai hình thức thanh toán phi tiền mặt. Trong đó hầu hết các trường đại học đều khuyến khích sinh viên nộp tiền bằng hình thức phi tiền mặt. Như tại trường Học viên Bưu chính Viễn thông, các sinh viên cho biết: Học kỳ 1 nhà trường cho phép thu tiền bằng tiền mặt, bước sang kỳ 2 thì yêu cầu thanh toán qua tài khoản ngân hàng.
Thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt – nhất cử lưỡng tiện
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Đầu năm 2019, Chính phủ đã đưa chủ trương này vào Nghị quyết 02/2019. Trong đó, quy định 100% trường học, bệnh viện trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí bằng phương thức không dùng tiền mặt.
Thực hiện quyết định trên, một số địa phương đã tích cực đẩy mạnh việc thu học phí cùng các khoản thu khác bằng hình thức phi tiền mặt.
Trao đổi với Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), đại diện Napas cho biết 2 hình thức phổ biến dễ sử dụng để nộp học phí không dùng tiền mặt cho cơ sở đào tạo là nộp học phí thông qua quẹt thẻ tại máy POS lắp đặt tại trường học và nộp học phí thông qua hình thức chuyển khoản từ tài khoản của phụ huynh tới tài khoản của nhà trường.
Với hình thức quẹt thẻ qua máy POS, Napas dựa trên hạ tầng máy POS có sẵn của các ngân hàng đầu tư, triển khai kết nối liên thông, cho phép máy POS của bất kỳ ngân hàng nào cũng chấp nhận bất kỳ thẻ nội địa nào của các ngân hàng tại Việt Nam từ năm 2010. Theo đó, để thực hiện thanh toán học phí theo hình thức này, khách hàng chỉ cần quẹt thẻ qua thiết bị POS tại các cơ sở giáo dục.
Với hình thức chuyển tiền từ tài khoản sang tài khoản, Napas đã sẵn sàng kết nối dịch vụ chuyển khoản nhanh liên ngân hàng 24/7 từ năm 2011, cho phép khách hàng có tài khoản mở tại ngân hàng A có thể chuyển khoản đến tài khoản/số thẻ của ngân hàng B một cách nhanh chóng, thuận tiện, ưu điểm dịch vụ là tài khoản thụ hưởng sẽ được báo có ngay chỉ sau vài giây, giao dịch thực hiện trong thời gian thực (real time), 24/7, mọi lúc mọi nơi, không phân biệt tỉnh thành phố. Đến nay hầu hết các ngân hàng trên toàn thị trường có thể chuyển tiền nhanh liên ngân hàng cho nhau thông qua số thẻ, số tài khoản rất nhanh chóng.
Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục góp phần thúc đẩy hình thành thói quen cũng như tạo sự tiện lợi cho chính người dân, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả của cả nền kinh tế, phù hợp với xu thế chung của thị trường.
Tuy nhiên việc triển khai vẫn gặp nhiều bất cập. Hiện nhiều trường vẫn còn khó khăn trong việc triển khai. Nhiều phụ huynh không dùng internet banking hoặc thậm chí không có tài khoản ngân hàng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Bảo – Hiệu trưởng trường Tiểu học Đồng Mai 1 (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, việc thu các khoản đóng góp của học sinh hiện nay vẫn được nhà trường thực hiện theo hình thức tiền mặt.
Mặc dù thừa nhận việc thanh toán không tiền mặt nếu áp dụng sẽ thuận lợi cho cả phía nhà trường lẫn các bậc phụ huynh nhưng theo ông Bảo, việc này gặp rất nhiều khó khăn.
Đầu tiên là thói quen sử dụng tiền mặt, đây là rào cản lớn nhất khi triển khai sử dụng dịch vụ thanh toán thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam nói chung và ngành giáo dục nói riêng.
Thứ hai, theo ông Bảo, những trường nằm ở khu vực đô thị dễ dàng, thuận tiện hơn ở các trường thuộc khu vực ngoại thành. Bởi đa phần phụ huynh ở những khu vực này vẫn làm nghề lao động tự do, họ ít khi sử dụng tài khoản ngân hàng thanh toán.
"Nếu hạ tầng đồng bộ, người người nhà nhà dùng tài khoản ngân hàng thay vì tiền mặt với nhiều rủi ro trong thanh toán thì việc này chắc chắn thuận tiện cho cả phía nhà trường lẫn phụ huynh", ông Bảo nói.
Như vậy có thể thấy, để có thể triển khai đồng bộ, hiệu quả việc thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học cần sự kết hợp, nỗ lực từ nhiều phía: Ngân hàng, cơ quản quản lý nhà nước, người dân.
Đa phần các dịch vụ cung cấp giải pháp thanh toán học phí không dùng tiền mặt hiện này đều có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị đào tạo để thúc đẩy thanh toán không cần tiền mặt. Phụ huynh hiện cũng có thể lựa chọn đa dạng phương thức thanh toán phù hợp như ủy thác thanh toán tự động, chuyển khoản qua internet banking, cổng thông tin học đường, máy POS tại trường, tại ngân hàng, tại ATM, ví điện tử…
Lãnh đạo ngành giáo dục cũng khẳng định các phương thức thanh toán không ấn định theo bất cứ dịch vụ ngân hàng nào, phụ huynh học sinh có quyền chủ động lựa chọn dịch vụ một cách thuận tiện.