Thấy gì từ việc đồng Nhân dân tệ có tháng giảm mạnh nhất trong lịch sử?
Các chuyên gia cảnh báo sự giảm giá sâu hơn của Nhân dân tệ có thể “đổ thêm dầu vào lửa” đối với căng thẳng thương mại
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc có tháng giảm mạnh kỷ lục so với đồng USD trong tháng 6 vừa qua, làm dấy lên những lo ngại rằng Bắc Kinh sẵn sàng phá giá đồng nội tệ để làm vũ khí nếu chiến tranh thương mại Trung-Mỹ bùng nổ.
Theo tờ Financial Times, từ năm 2005 đến giữa năm 2014, Trung Quốc can thiệp một cách có hệ thống vào thị trường tiền tệ để làm suy yếu đồng Nhân dân tệ, dẫn tới những cáo buộc cho rằng Bắc Kinh tìm cách giành lợi thế cạnh tranh không bình đẳng cho các nhà xuất khẩu của nước này.
Tháng giảm giá kỷ lục của Nhân dân tệ
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016, ông Donand Trump đã làm sống dậy những cáo buộc đó, cho dù khi đó Trung Quốc đã chuyển sang hỗ trợ tỷ giá đồng Nhân dân tệ để ngăn sự tháo chạy của dòng vốn.
Tuy nhiên, trong tháng 6 vừa qua, đồng Nhân dân tệ đã giảm giá 3,3% so với USD, đánh dấu tháng giảm tệ nhất kể từ khi Trung Quốc thiết lập thị trường ngoại hối của nước này vào năm 1994.
Giới phân tích cho rằng ở thời điểm hiện tại, diễn biến tỷ giá đồng Nhân dân tệ trông giống tác động của các lực lượng thị trường hơn là hành động chiến tranh tiền tệ. Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo sự giảm giá sâu hơn của đồng tiền này có thể "đổ thêm dầu vào lửa" đối với căng thẳng thương mại.
"Trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại và kinh tế gia tăng giữa hai nước, biến động tỷ giá có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với ở vào thời điểm bình thường", giáo sư Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell, nguyên trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Trung Quốc nhận định.
Theo ông Prasad, sự giảm giá của Nhân dân tệ có thể được xem như hoặc là dấu hiệu cho thấy chế độ tỷ giá của Trung Quốc chịu tác động ngày càng lớn của các lực lượng thị trường, hoặc là một tín hiệu của Trung Quốc gửi tới Mỹ về một công cụ khác trong ‘kho vũ khí’ chiến tranh thương mại của Bắc Kinh.
Đầu năm nay, Nhân dân tệ tăng giá mạnh so với USD, cho dù đồng bạc xanh tăng giá so với đồng Euro và đồng tiền của nhiều thị trường mới nổi khác. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng sự giảm giá gần đây của Nhân dân tệ một phần là "hiệu ứng bắt kịp".
Vào cuối năm 2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố bắt đầu mục tiêu giữ ổn định tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với một rổ tiền tệ, thay vì neo buộc chặt chẽ tỷ giá đồng nội tệ vào USD. Chính sách này đồng nghĩa với việc Nhân dân tệ sẽ giảm giá cùng với các đồng tiền khác mỗi khi đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác.
"Ở thời điểm hiện tại, tương đối dễ để lý giải diễn biến tỷ giá đồng Nhân dân tệ trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực kiểm soát tỷ giá so với một rổ tiền tệ", chuyên gia cấp cao Brad Setser thuộc Hội đồng Đối ngoại ở Washington, một cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phát biểu.
"Nhưng nếu có vẻ như có nỗ lực khiến đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh để bù đắp tác động của thuế quan, diễn biến tỷ giá sẽ bị để ý nhiều hơn".
Có thể phản tác dụng
Vào cuối giờ chiều ngày 2/7, tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường Hồng Kông là 6,6635 Nhân dân tệ đổi 1 USD, giảm 0,3% so với mức chốt của tuần trước và là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2017.
Tuần trước, Nhân dân tệ giảm giá 1,9%, mức giảm tuần mạnh thứ nhì trong lịch sử, chỉ sau cú giảm ghi nhận vào giữa tháng 8/2015, khi PBoC khiến thị trường toàn cầu bị sốc khi bất ngờ phá giá Nhân dân tệ 2,8% chỉ trong 1 tuần.
Lần này, cũng giống như vào tháng 8/2015, sự giảm giá của Nhân dân tệ diễn ra đồng thời với sự lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục. Trong tháng 6, chỉ số Shanghai Composite Index sụt 8% khi kinh tế Trung Quốc có nhiều dấu hiệu giảm tốc. Mặc dù vậy, phản ứng của thị trường với sự giảm giá của Nhân dân tệ lần này không mạnh như hồi năm 2015.
Ông Bo Zhuang, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc thuộc công ty nghiên cứu TS Lombard cho rằng Bắc Kinh có thể đang sử dụng chiến thuật giảm giá Nhân dân tệ để gửi đi một tín hiệu đến Washington, nhưng một sự phá giá sâu đồng tiền có thể phản tác dụng đối với Trung Quốc.
"Nhiều nhà tham gia thị trường đồn đoán rằng Trung Quốc đang dùng Nhân dân tệ như một vũ khí, dùng sự giảm giá đồng tiền để bù đắp ảnh hưởng của thuế quan mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc. Chúng tôi không đồng tình với quan điểm này, dù các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang cân nhắc việc phá giá như một lựa chọn", ông Bo nói.
Trong năm 2015-2016, PBoC rút khoảng 1 nghìn tỷ USD khỏi dự trữ ngoại hối để chống lại kỳ vọng của thị trường về sự giảm giá của Nhân dân tệ. Việc làm sống lại những kỳ vọng đó ở thời điểm hiện nay có thể mang theo những rủi ro lớn - ông Bo cảnh báo.
"Bất kỳ lợi ích nào từ một đợt phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ cũng thể bù đắp lại được hệ quả tiêu cực: dòng vốn tháo chạy, thanh khoản trong nước thắt chặt, và khả năng căng thẳng tín dụng gia tăng", vị chuyên gia nói.