18:18 24/06/2011

Thấy gì từ việc Mỹ mở cửa kho dự trữ xăng dầu chiến lược?

An Huy

Mỹ và 27 quốc gia khác nhất trí sử dụng 60 triệu thùng dầu trong kho dự trữ xăng dầu chiến lược

Khoảng một nửa trong số 60 triệu thùng dầu dự trữ được các nước thuộc IEA đưa ra sử dụng lần này sẽ là của nước Mỹ.
Khoảng một nửa trong số 60 triệu thùng dầu dự trữ được các nước thuộc IEA đưa ra sử dụng lần này sẽ là của nước Mỹ.
Mỹ và 27 quốc gia khác thuộc Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 23/6 đã nhất trí sử dụng 60 triệu thùng dầu trong kho dự trữ xăng dầu chiến lược. Động thái gây tranh cãi này đã đẩy giá dầu thô sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng.

Tờ Wall Street Journal cho biết, đây mới là lần thứ ba trong lịch sử, nước Mỹ phối hợp cùng các quốc gia khác sử dụng tới kho dự trữ xăng dầu chiến lược. Lý do được đưa ra là nhằm bù đắp phần sản lượng thiệt hại 140 triệu thùng do cuộc xung đột ở Libya và hỗ trợ cho sức tăng trưởng mong manh của kinh tế toàn cầu. Phần sản lượng dầu ngọt nhẹ mất mát ở Libya xem ra là khó bù đắp, dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung ở châu Âu, thị trường xuất khẩu dầu lửa chính của Libya. Dự trữ dầu thô thương mại của khu vực này hiện đang ở mức đáy của 5 năm.

Gần đây, giá dầu lửa thế giới đã giảm đáng kể sau khi đạt mức đỉnh từ đầu năm vào hồi mùa xuân. Tuy nhiên, các quan chức của IEA - tổ chức đặt trụ sở tại Paris, chuyên tư vấn chính sách cho các tiêu thụ dầu lửa lớn - cho hay, các cuộc thảo luận về sử dụng dự trữ dầu lửa chiến lược đã được đẩy mạnh sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) trong cuộc họp tại Vienna hôm 8/6 không đạt được thỏa thuận tăng sản lượng.

Khoảng một nửa trong số 60 triệu thùng dầu dự trữ được các nước thuộc IEA đưa ra sử dụng lần này sẽ là của nước Mỹ, 30% từ châu Âu, và 20% còn lại đến từ các nước châu Á. Theo IEA, số dầu này chiếm chưa đầy 4% tổng dự trữ dầu chiến lược lên tới 1,6 tỷ thùng của các nước thành viên và sẽ được đưa ra thị trường vào cuối tuần tới. “Tôi hy vọng động thái này sẽ giúp thị trường đủ cung và đảm bảo cho kinh tế thế giới hạ cánh mềm”, Giám đốc điều hành IEA Nobuo Tanaka phát biểu.

Lần gần đây nhất các quốc gia thành viên IEA cùng mở kho dầu chiến lược là sau khi Iraq tân công Kuwait vào năm 1990. Lần thứ hai là vào năm 2005 sau khi cơn bão lịch sử Katrina phá hủy hàng loạt giàn khoan, đường ống dẫn và nhà máy lọc dầu trên Vịnh Mexico. Nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, ý tưởng sử dụng dự trữ dầu lửa chiến lược lần thứ ba được đưa ra hồi cuối tháng 4 vừa qua, khi giá dầu thô Brent vượt mức 120 USD/thùng.

Thấu hiểu việc Saudi Arabia, nước “anh cả” của OPEC thường phản đối việc Mỹ sử dụng dầu lửa trong kho dự trữ chiến lược, Tổng thống Obama trong tuần đầu tháng 5 đã có cuộc điện đàm với nhà vua Abdullah của Saudi Arabia để bàn về vấn đề này. Sau đó, ông Obama còn cử một phái đoàn cấp cao bí mật tới Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Kuwait.

Tiếp đó, cũng theo nguồn tin trên, đến cuối tháng 5, trong cuộc họp thượng đỉnh của G-8 tại Pháp, ông Obama đã đề xuất lãnh đạo khối này hành động. Thứ Tư tuần trước, sau khi Saudi Arabia đã tuyên bố sẽ đơn phương tăng sản lượng 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, Tổng thống Obama phê chuẩn kế hoạch một cuộc họp để bàn thảo với IEA về sử dụng dự trữ dầu lửa chiến lược của Mỹ đặt tại bờ Vịnh Mexico.

Nguồn tin từ Nhà Trắng còn cho hay, Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường dầu lửa trong tháng tới và có thể sẽ còn mở cửa kho dự trữ dầu chiến lược thêm lần nữa.

Mặc dù vậy, quyết định ngày 23/6 của Nhà Trắng khiến một số nhà phân tích cảm thấy khó hiểu. “Sản lượng dầu của Libya đã bị hao hụt suốt mấy tháng qua, và sự phân bổ nguồn cung cũng đã được điều chỉnh. Hầu hết các công ty lọc dầu mà tôi có tiếp xúc đều có vẻ như được cung cấp đủ dầu”, ông Guy Caruso, cố vấn cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế đặt tại New York, Mỹ, nhận định.

Sau khi giá dầu vượt mức 100 USD/thùng hồi đầu năm, tháng 4 vừa qua, ông Obama đã cho thành lập một lực lượng đặc biệt chống hoạt động đầu cơ dầu lửa trên thị trường. Tuy nhiên, nếu động thái của IEA hôm 23/6 là nhằm vào giới đầu cơ và đầu tư tài chính thì động thái này có lẽ đã đến quá muộn. Trước ngày 23/6, giá dầu giao sau tại New York đã giảm hơn 18 USD/thùng so với mức đỉnh hồi tháng 4 và giảm 0,4% so với đầu năm. Các số liệu cũng cho thấy, giới đầu tư Mỹ đã giảm đặt cược vào sự tăng giá của dầu.

Phản ứng trước động thái của Chính phủ Mỹ, giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York chốt phiên 23/6 giảm 4,39 USD/thùng, tương đương mức giảm 4,6%, còn 91,02 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tại London giảm 6,1%, đóng cửa ở 107,26 USD/thùng.

Theo các chuyên gia, việc giá dầu giảm mạnh phiên này đơn thuần chỉ là phản ứng nhất thời của thị trường. Những dự liệu bất lợi gần đây của kinh tế Mỹ và nỗi lo giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc mới là những lý do chính khiến giới đầu tư bi quan. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 22/6 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm nay còn 2,7-2,9%, từ mức 3,1-3,3% đưa ra trong lần dự báo trước.

Ngoài ra, ảnh hưởng của việc mở cửa kho dầu chiến lược được cho là mang tính tâm lý nhiều hơn là thực tế. 60 triệu thùng dầu được tung ra thị trường chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong 1 ngày, và chỉ tương đương với 3 ngày tiêu thụ dầu của Mỹ.

Quyết định này của chính quyền Obama lại đem đến cho các nhóm lợi ích ủng hộ việc tăng sản lượng dầu của Mỹ một thứ vũ khí mới. Quyết định ngay lập tức đã gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía ngành công nghiệp dầu lửa và phe Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ. Đảng Cộng hòa cho rằng, Tổng thống Barack Obama đang đưa ra một lựa chọn mang tính chính trị trong khi “phớt lờ” đề xuất của họ về tăng sản lượng khai thác dầu trong nước. Cuộc bầu cử ở Mỹ đang đến gần, trong khi dân chúng ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, trong đó có Pháp, đang bất bình vì giá xăng cao.

Hội đồng Thương mại Mỹ gọi quyết định này là “một sự tham vấn tồi và không phải là tín hiệu mà thị trường cần, đồng thời kêu gọi chính quyền Obama tăng sản lượng dầu. “Việc tăng nguồn cung tạm thời không phải là một giải pháp dài hạn”, Chủ tịch Viện Năng lượng Mỹ phát biểu.

Tuy nhiên, việc Mỹ sử dụng dự trữ dầu lửa chiến lược cũng có thể đem đến cho nước Mỹ và các đồng minh một số lợi ích khác, bao gồm việc gia tăng áp lực đối với Iran - quốc gia sử dụng nguồn thu từ dầu lửa để theo đuổi các tham vọng về hạt nhân và mở rộng ảnh hưởng.