11:09 07/12/2012

“Thể chế, chính sách không nuôi dưỡng doanh nghiệp”

Đặng Hương

“Sau đợt suy thoái này tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ thức tỉnh để tạo ra sự bứt phá trong tương lai”

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
“Sự khập khễnh của thị trường dẫn tới hiện tượng đầu cơ như trong thời gian qua mà cũng không kiểm soát được”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhìn nhận.

Ông Thiên nói:

-
Trong khoảng hai năm trở lại đây, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu đã tụt tới 16 bậc. Hình như thời gian qua, Việt Nam thiếu quyết tâm trong xây dựng năng lực cạnh tranh!?

Qua gần 25 năm đổi mới, Việt Nam vẫn là nền kinh tế gia công, khai thác tài nguyên là chủ yếu. Đẳng cấp của ngành công nghiệp Việt Nam trong bản đồ thế giới chưa tăng đáng kể. Việt Nam đã thiếu tư duy về sự phát triển công nghiệp, dẫn đến thiếu sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp dựa vào công nghệ cao.

Việt Nam đã chuyển sang nền kinh tế thị trường nhưng cách phát triển thị trường lại cũng có vấn đề, không có trật tự, bài bản nên thị trường nào cũng có nguy cơ sụp đổ như thị trường chứng khoán, bất động sản, kể cả thị trường hàng hóa thông thường. Sự khập khễnh của thị trường dẫn tới hiện tượng đầu cơ như trong thời gian qua mà cũng không kiểm soát được.

Nguyên nhân ở đây, theo tôi, là do thể chế, vai trò của Nhà nước trở nên quá mức, quá thừa Nhà nước ở những chỗ không cần trong khi lại quá thiếu Nhà nước ở những chỗ cần. Lỗi này trở nên nghiêm trọng hơn bởi Việt Nam là quốc gia đi sau nhưng lại không tránh được.

Câu chuyện về sự liên kết và hội nhập nền kinh tế Việt Nam cũng là vấn đề phải bàn. Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất tốt, kể cả vốn ODA nữa. Nhưng kết quả thì Việt Nam mới chỉ tăng được sản lượng mà không tăng được chất lượng và trình độ.

Chúng ta chủ trương mời các doanh nghiệp FDI vào để hội nhập nhưng chúng ta lại chẳng hội nhập được gì. Nếu chỉ thu hút FDI như một biểu tượng của quá trình hội nhập thì quá lãng phí. Trên thực tế, đây là sự lãng phí có tính lịch sử và cần phải lưu ý để khắc phục.

Theo tôi, điểm này liên quan đến cả hệ thống tư tưởng và chính sách của Việt Nam. Trong khi doanh nghiệp trong nước quá yếu thì Việt Nam lại có những chính sách hỗ trợ kiểu như “nuôi gà công nghiệp” khiến doanh nghiệp không phát huy được tính sáng tạo, nắm bắt cơ hội và cạnh tranh.

Mặc dù nền kinh tế vẫn khó khăn song cơ hội để phát triển vẫn rất nhiều nhưng đáng tiếc, vì doanh nghiệp không tạo dựng được vị thế, nên không thể cạnh tranh được. Đã không cạnh tranh được thì sao nói tới hội nhập thành công được.

Để nâng cao năng lực cho Việt Nam,vấn đề hiện nay là phải định vị năng lực cạnh tranh của Việt Nam thế nào cho phù hợp. Việt Nam có chủ trương phát triển kinh tế thị trường nhưng dường như Việt Nam lại chưa sẵn sàng để thị trường phát triển, thậm chí có lúc còn kiềm chế để thị trường phát triển chậm lại, để Nhà nước vẫn nắm giữ vai trò chủ đạo. Việt Nam là quốc gia đi sau nhưng những kinh nghiệm, lợi thế của những quốc gia đi trước lại không được tận dụng tốt.

Việt Nam đang trong giai đoạn giao thoa nên có rất nhiều cơ hội để phát triển. Với tỷ lệ tăng dân số tốt, tỷ lệ dân số trẻ cao, Việt Nam trở thành thị trường nhiều tiềm năng trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)