Thế giới chi cho quân sự nhiều chưa từng thấy
Chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng 3,7% trong năm 2022, đạt mức cao nhất mọi thời đại 2,24 nghìn tỷ USD...
Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng lên mức kỷ lục trong năm ngoái, chủ yếu do sự đảo ngược chính sách ở châu Âu - nơi các chính phủ chuyển sang tăng cường năng lực quốc phòng nhiều chưa từng thấy kể từ sau chiến tranh lạnh, do lo ngại về cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Một báo cáo từ Viện nghiên cứu Hoà bình Quốc tế (SIPRI) có trụ sở ở Stockholm, Thuỵ Điển ngày 24/4 cho thấy chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng 3,7% trong năm 2022, đạt mức cao nhất mọi thời đại 2,24 nghìn tỷ USD. Khoảng một nửa lượng tăng thêm toàn cầu đến từ tăng trưởng ngân sách quân sự của Ukraine - theo dữ liệu từ quốc gia Đông Âu này và không bao gồm các khoản viện trợ nước ngoài.
Các nước châu Âu đồng loạt tăng ngân sách quốc phòng sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh căng thẳng còn chưa lắng dịu.
Chi quân sự của toàn châu Âu tăng 13% trong năm ngoái, dẫn đầu là mức tăng của Ukraine và Nga. Trong đó, ngân sách quốc phòng của Ukraine tăng 640% - con số tăng trưởng trong một năm lớn chưa từng thấy theo ghi nhập của SIPRI kể từ năm 1949 - và của Nga tăng 9,2%.
“Một số chính phủ châu Âu có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng trong nhiều năm. Bởi vậy, ngân sách quân sự ở các nước Trung và Tây Âu sẽ còn tăng trong những năm sắp tới”, nhà nghiên cứu cấp cao Diego Lopes da Silva của SIPRI nói với hãng tin Reuters.
Cũng theo SIPRI, viện trợ quân sự mà Mỹ dành cho Ukraine chiếm 2,3% tổng chi tiêu quân sự của Mỹ trong năm 2022.
Cùng với đó, căng thẳng địa chính trị ở Đông Á là lý do khiến chi tiêu cho quân sự ở khu vực này gia tăng.
“Sự tăng trưởng tiếp diễn của chi tiêu quân sự toàn cầu trong những năm gần đây là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng có nhiều sự bấp bênh hơn”, nhà nghiên cứu cấp cao Nan Tian của SIPRI nhận định trong một tuyên bố. “Các quốc gia đang củng cố sức mạnh quân sự để ứng phó với một môi trường an ninh suy giảm mà họ cho là sẽ không được cải thiện trong tương lai gần”.
Một dấu hiệu khác cho thấy thế giới đang rơi vào trạng thái có những điểm tương đồng với thời chiến tranh lạnh là chi tiêu quân sự ở các nước Trung và Tây Âu đã lần đầu tiên vượt qua ngưỡng của năm 1989.
Phần Lan và Thuỵ Điển là hai trong số những quốc gia có chi tiêu quân sự tăng mạnh nhất. Phần Lan đã mua 35 chiến đấu cơ F-35, dẫn tới chi quốc phòng tăng 36%. Phần Lan là một nước láng giềng của Nga và mới gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 4 này với tư cách thành viên thứ 31. Về phần mình, Thuỵ Điển đang chờ gia nhập liên minh quân sự này.
Trong khi đó, ngân sách quốc phòng tại các nước thành viên cũ của NATO chỉ tăng 0,9% trong năm 2022 so với năm 2021, do chi tiêu quân sự giảm ở các nước gồm Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Tại khu vực Trung Đông, Saudi Arabia tăng ngân sách quốc phòng khoảng 165 và trở thành nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ 5 trên toàn cầu. Qatar đã mở rộng lực lượng vũ trang và tăng cường kho vũ khí, đưa chi tiêu quân sự tăng 27%.
Mỹ vẫn là nước chi “khủng” nhất cho quốc phòng trên toàn cầu, bỏ xa các quốc gia khác. Trong top 10 quốc gia mua nhiều vũ khí nhất trong năm 2022, Mỹ là nước có ngân sách quốc phòng lớn vượt trội - theo SIPRI.
Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 đã đặt dấu chấm hết cho một giai đoạn ngắn ngủi mà ngân sách quốc phòng toàn cầu giảm. Đến nay, chi tiêu quân sự của thế giới đã tăng 8 năm liên tiếp.