Thế giới sẽ “ngấm đòn” chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong 2019?
Có lẽ 2019 mới là năm mà nền kinh tế toàn cầu cảm nhận rõ rệt ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến này
Năm 2018 là năm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, nhưng có lẽ 2019 mới là năm mà nền kinh tế toàn cầu cảm nhận rõ rệt ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến này.
Chỉ số Global Trade Tracker do hãng tin Bloomberg thực hiện, một chỉ số đo lường hoạt động thương mại toàn cầu, đang suy giảm do các công ty đã qua giai đoạn gấp rút hoàn tất đơn hàng trước khi Mỹ và Trung Quốc áp thuế quan lên hàng hóa của nhau.
Khối lượng thương mại toàn cầu có thể còn giảm nữa trong lúc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn loay hoay tìm giải pháp cho xung đột thương mại. Nhiều công ty đã lên tiếng cảnh báo về sự gián đoạn thương mại đang diễn ra, và các "nạn nhân" bắt đầu xuất hiện.
Theo Bloomberg, GoPro Inc cho biết sẽ chuyển phần lớn hoạt động sản xuất camera để xuất khẩu sang Mỹ khỏi Trung Quốc trước mùa hè năm tới. Động thái này đưa GoPro trở thành một trong những hãng sản xuất hàng điện tử có tên tuổi đầu tiên dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan.
Hãng vận tải FedEx Corp gần đây đã cắt giảm mạnh dự báo lợi nhuận và thu hẹp công suất vận chuyển hàng không quốc tế.
"Bất kỳ sự can thiệp nào vào thương mại cũng đồng nghĩa với đánh thuế lên nền kinh tế", ông Hamid Moghadam, Giám đốc Điều hành (CEO) của Prologis, công ty hậu cần với khoảng 4.000 cơ sở trên toàn cầu, nhận định. "Và kết quả của điều này là nền kinh tế thế giới sẽ giảm tốc.
Thị trường tài chính cũng đã "hứng đòn" chiến tranh thương mại. Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch ước tính rằng các tin tức về chiến tranh thương mại đã khiến chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ giảm ròng 6% trong năm nay.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc thì đã mất 2 nghìn tỷ USD vốn hóa từ đầu năm và đang ở trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).
Những số liệu gần đây phản ánh mối lo rằng chiến tranh thương mại sẽ là một rào cản tăng trưởng đối với kinh tế Mỹ trong năm tới. Trong vòng một năm trở lại đây, chưa lúc nào người tiêu dùng Mỹ lại bi quan về tương lai của nền kinh tế như ở thời điểm hiện nay. Niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất hai năm rưỡi, và các công ty dự báo lợi nhuận sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo thương mại toàn cầu có thể chỉ tăng 4% trong năm 2019, so với mức tăng 4,2% có thể đạt được trong năm nay và mức tăng 5,2% của năm 2017. Định chế này cảnh báo rằng các hàng rào thương mại ngày càng rõ ràng hơn.
Dù chưa có một cuộc đối đầu thương mại với Mỹ mạnh như Trung Quốc, châu Âu cũng không thoát khỏi ảnh hưởng. Năm nay, ngành chế tạo máy móc của Đức dự kiến đạt giá trị 228 tỷ Euro, tương đương 260 tỷ USD, tăng 5% so với năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2011. Nhưng năm tới, tốc độ tăng trưởng của ngành được dự báo chỉ đạt 2%.
Giới đầu tư và các doanh nghiệp còn đang lo khả năng Mỹ sẽ áp thuế quan lên xe hơi nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản. Nếu xảy ra, điều này sẽ gây tổn hại mối quan hệ giữa một loạt nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei mới đây là một bằng chứng cho thấy những sự kiện bất ngờ có thể "đổ dầu vào lửa" những mối quan hệ vốn có căng thẳng từ trước.
"Những mâu thuẫn về thương mại có thể tiếp tục gây mức độ bấp bênh cao, tiếp tục ảnh hưởng xấu đến thương mại và các kế hoạch đầu tư", chuyên gia kinh tế Cesar Rojas của Citigroup nhận định.
Một trong những vấn đề khiến thị trường quan tâm nhiều nhất là liệu Washington và Bắc Kinh có thể đạt một thỏa thuận thương mại trước thời hạn 1/3. Nếu hai bên đạt thỏa thuận, đám mây đen lớn nhất phủ bóng lên nền kinh tế thế giới sẽ tan đi. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nguy cơ căng thẳng leo thang vẫn lơ lửng, khiến các doanh nghiệp phải tạm gác các kế hoạch mở rộng, theo đó cản trở sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Dippin’ Dots LLC là một trong những doanh nghiệp trở thành "nạn nhân" chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Hãng sản xuất kem và các sản phẩm đông lạnh khác của Mỹ này đã mất 3 năm để vào thị trường Trung Quốc và mở loạt cửa hiệu đầu tiên ở nước này trong năm nay. Nhưng ngay sau đó, Dippin’ Dots đã phải trả mức thuế nhập khẩu hai con số đối với các sản phẩm sữa nhập từ Mỹ.
CEO của Dippin’ Dots, ông Scott Fischer, nói rằng nếu đàm phán thương mại Mỹ-Trung thất bại và thuế quan tiếp tục tăng lên, thì ông sẽ buộc phải điều chỉnh chiến lược, chuỗi cung ứng và kế hoạch mở rộng hoạt động trên toàn cầu.
"Từ góc nhìn của một doanh nghiệp, câu hỏi mà chúng tôi đặt ra là tình trạng này sẽ kéo dài trong bao lâu", ông Fischer nói. "Thật khó để lên kế hoạch kinh doanh trong một môi trường như thế này".